TRƯỚC KHI DÂN TỘC TIÊU BIẾN, NHÀ VĂN LÀM GÌ?

[phát biểu tại Hội thảo Văn học Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Hà Nội, 20-12-2022]

Kính thưa Chủ tịch đoàn! Các bạn văn thân mến!

Trước khi phát biểu, xin hội nghị cho phép riêng tôi được chắp tay thành kính trước anh linh hai vị Hội đồng thơ qua hai khóa với tôi ở Hội này, nhà thơ Y Phương và nhà thơ Mãi Liễu đã đi xa.

Tôi, các bạn rồi cũng sẽ đi xa. Trước khi đi, bạn để lại gì? Không phải tên tuổi, mà là cái được cho là sáng giá nhất cho thế hệ đến sau?

Dân tộc của bạn nữa, trong cơn lốc toàn cầu hóa, nguy cơ bị biến mất luôn nhỡn tiền. Với tư cách nhà văn của cộng đồng, bạn làm gì? Lẽ nào mấy ngàn năm tồn tại để rồi không còn lại gì cả?

Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc, vậy đâu là điều đáng giá nhất của dân tộc bạn cống hiến cho đất nước?

Hôm nay tôi xin kể vài câu chuyện hầu các bạn.

Viết như là cảnh tỉnh.

Svetlana Alexievich [sinh 1948] của một đất nước nhỏ: Belarus thắng giải Nobel Văn học 2015. Ủy ban Giải thưởng danh giá này trao thưởng cho một “nhà báo” – là đầu tiên, vậy đâu là nguyên do?

Lời cầu nguyện từ Chernobyl động cập đến một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới hôm nay. Là nạn nhân của thảm họa, sau 10 năm rời đi, bà trở lại làm 500 cuộc phỏng vấn người trong cuộc để làm nên tác phẩm, không như sử gia mà như một nhà văn. Bà nói: “Tôi chọn một thể loại [báo chí] mà tiếng nói con người được lên tiếng cho chính họ”.

Nữa, Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ – hồi kí về thế chiến thứ II với cách nhìn mới, khác về vấn đề rất cũ, điều chưa nhà văn nào nhìn như thế trước đó. Bà lí giải:

“Phụ nữ là tù nhân của hình ảnh “đàn ông” và xúc cảm “đàn ông” về chiến tranh. Chúng ta vẫn mãi náu mình trong im lặng, thi thoảng có quyết định nói, chúng ta cũng không kể về cuộc chiến của mình, mà là của những ai khác.”

Tất cả được thể hiện bằng “lối viết phức điệu”, Nobel Văn học không trao cho bà mới lạ.

Gần hơn, Việt Nam – Ngô Thế Vinh với Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng mang tính đánh động, dự báo nhiều năm trước khi sự kiện Biển Đông nổ ra. Ông không gọi tác phẩm của mình là fiction, mà là “faction” – thứ tiểu thuyết sự kiện.

Tác phẩm lớn ra đời không tiếng vang, do xuất hiện ở ngoại vi – có lẽ. Mãi khi tôi viết giới thiệu: “Giải thưởng cho Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng, cơ quan hay tổ chức nào sẽ trao cho nó?” thì faction này mới được một tổ chức trao giải ngay năm sau đó. Buồn không?

Ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, tôi hỏi: Vùng đất này nơi các bạn đang sống, đâu là cái độc nhất không nơi nào có khả dĩ làm đề tài lớn cho tác phẩm văn chương? Các bạn kể linh tinh, lẻ tẻ, tôi nói: Đây chính là ranh giới, vùng độn ngàn năm lịch sử Champa với Đại Việt, trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, 20 năm đất nước chia cắt.

Có vô số điều để nói, tại đây. Ai, trong các bạn – nhà văn của hôm nay dám ném tất cả sau lưng, hết mình và tới cùng với nó?

Tác phẩm, như là tặng vật

Ở cộng đồng Cham, tôi làm gì?

Tuổi 15, tình cờ đọc phát biểu hàm ý xem nhẹ của Paul Mus, rằng văn học Cham chả có gì đáng giá cả, gói gọn trong 20 trang giấy là cùng.

Biết chắc nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp này sai, nhưng lấy đâu làm bằng? Bởi thực tế chỉ thấy các ấn phẩm sơ sài về truyện cổ, truyền thuyết Cham lác đác xuất hiện, không hơn. Nhưng lẽ nào một dân tộc có chữ bản địa sớm nhất Đông Nam Á lại không là gì trong văn chương được.

Thế là tôi đi, “bắt đầu từ bàn chân trần – trắng, từ con số không/ bắt đầu từ con số âm, có lẽ” [Tháp nắng-1996], để rồi sau 24 năm miệt mài, cho ra đời bộ Văn học Cham đồ sộ!

Là tặng vật lớn tôi ban tặng cho nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Với văn học hiện đại Việt Nam, là tặng vật thứ hai.

Nhận định chung về văn học nước nhà, dư luận hô đầy dễ dãi rằng, nó nhỏ và yếu. Đó là lối nhìn cận thị. Do hoàn cảnh lịch sử đẩy đưa, “người lưu lạc xô văn chương lưu lạc” [Tháp nắng], từ đó nhà văn tứ tán. Văn học Việt Nam không chỉ thuộc dòng chính thống, mà còn có mặt ở nhiều vùng miền khác. Tôi định danh cho nó là Văn học ngoại vi Việt Nam.

Điểm tên 7 dòng chính:

Văn học miền Nam trước 1975, Văn học Việt hải ngoại, Văn học dân tộc thiểu số và các cây bút vùng sâu vùng xa, Cây bút chưa [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Tác giả với tác phẩm in ngoài luồng, Văn học mạng, Nhà văn Việt sáng tác bằng ngoại ngữ nữa.

Thay vi gom vào, chúng ta lại đẩy ra hay xem thường. Qua đó người đọc hoặc không biết đến, hoặc biết mơ hồ, lắm khi hiểu sai về chúng. Là thiệt thòi lớn cho độc giả, cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền.

20 năm qua, miệt mài với bao nỗi ấy, tôi làm công cuộc thu gom, chắt lọc để trình làng 7 tác phẩm, thêm 3 bản thảo – góp vào nền văn học Việt Nam hiện đại. Đó là tặng vật lớn cho tương lai không xa, khi người Việt Nam đã xong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc – chắc chắn thế(*).

Đâu là câu hỏi cho nhà văn hôm nay?

Trên Tây Nguyên, kho tàng sử thi, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã làm ra bộ sách với 64 tập đồ sộ. Làm để cất thư viện, như thể cầm tù văn học, trong khi bà con đang đói sách.

Các bạn Tây Nguyên ở đây, ai dám bỏ ra 5-6 năm ăn nằm với kho tàng này, tiêu hóa và tinh lọc chúng, để làm nên một tác phẩm để đời, in ra vạn bản rải khắp buôn plây?

Có ai nhìn thấy nó, và nhất là dám làm nhà văn lớn?

Nhà văn là kẻ biết quan sát và ngạc nhiên.

Nơi đất nắng Phan Rang, bên kia chị Việt kêu “trời đất ơi” thì mẹ Cham bên này là “trời biển ơi”. Nghe và ngạc nhiên, qua đó tôi phát hiện đề tài “Hải sử & văn hóa biển Cham” – bổ khuyết lớn vào lịch sử Việt Nam.

Là đề tài thuyết trình hấp dẫn của tôi mươi năm qua.

Để kết luận, xin được nhắc lại, nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc. Goethe nêu ba yếu tố tạo nên kiệt tác:

– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại;

– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật;

– Và người đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.

Xin hỏi, dân tộc bạn có điều gì “lớn lao” để nói, nó cần được nói như thế nào, và bạn có DÁM làm thiên tài để nói lên cái đó?

Nói lên, để đánh động các tổ chức, các hội đoàn ngoảnh về và cùng trách nhiệm cứu vớt cộng đồng cùng bản sắc độc đáo nhất của dân tộc bạn.

_______

(*) 7 tác phẩm và 3 bản thảo của Inrasara:

1- Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Nxb Văn nghệ, TPHCM, 2006

2- Song thoại với cái mới, Nxb Hội Nhà văn, 2008

3- Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, Nxb Thanh niên, 2014

4- Nhập cuộc về hướng mở, Nxb Văn học, 2014

5- Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, Nxb Hội Nhà văn, 2015

6- Văn chương tan rã, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

7- Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

8. Các khuôn mặt thơ mới – 24 khuôn mặt thơ, bản thảo-2016

9. 19 Khuôn mặt thơ DTTS Việt Nam – bản thảo-2017

10. Từ sa mạc chữ đến đô thị văn chương, bút kí, bản thảo-2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *