Chuyện thơ-19. VĂN HỌC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?-01

Văn học Việt Nam đang ở đâu? Lần nữa câu hỏi cũ cần được lặp lại, để ôn tập.

Bàn về hội nhập với nền thơ ca thế giới, một nhà ta đoan chắc như vôi quệt tường rằng, thời Thơ Mới, các nhà thơ An Nam đã làm được, trong khi hôm nay Việt Nam [độc lập, tự do, hạnh phúc] thì không. Thêm một tang chứng về tư duy lỏng lẻo, phát ngôn cảm tính.

Bởi, xét cả ba khía cạnh:

[1] Thời điểm. Thơ Mới đa phần viết theo hệ mĩ học Lãng mạn, loại thơ mà nền thơ ca Pháp đã có thành tựu lớn trước đó 80 năm rồi. Còn thơ Việt đương đại thì sao? Hậu hiện đại mới phát triển mạnh ở phương Tây thập niên 1980, thì cuối thế kỉ XX ta đã có thơ hậu hiện đại. Riêng Tân hình thức, ngoài kia vừa ló mặt, nhà thơ Việt đã học và chơi luôn.

[2] Tác phẩm. Thơ thuộc phong trào Thơ Mới hiếm khi xuất hiện qua bản tiếng Pháp, Anh, trong khi thơ Việt đương đại ngược lại. Cũng không đếm xuể thơ của nhà thơ mang họ Nguyễn, Trần, Inra… xuất hiện trên các tạp chí văn học ở các nước.

[3] Tác giả. Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận… thời Thơ Mới hiếm có cơ hội xuất cảnh, chớ vài chục năm qua các nhà thơ Việt đi nước ngoài như đi chợ, có giao lưu, đọc thơ và cả thuyết về thơ ca nữa.

Chưa vội đề cập đến hay dở, vấn đề ở đây là ta đã hội nhập, còn hội nhập thế nào và tới đâu là chuyện khác.

Ta ưa nói về đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Dẫu sao trước khi ra cõi ấy, ta cần biết ta ở đâu cái đã!

Tiếp nhận thành tựu từ người đi trước, 20 năm qua, tôi đã THỬ NHÌN đám ruộng chữ nghĩa nhà mình, và các bạn xung quanh, nhấn vào thể loại THƠ, nhận diện nó như sau:

[1] Cánh đồng [phân theo khu vực]

– Thơ Đổi mới: “Thơ Đổi mới, hành trình chuyển hướng say”, Hợp Lưu, số 113, 2011.

– Thơ nữ: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Talawas, 18-4-2006; tạp chí Nhà văn, 3-2007.

– Thơ Dân tộc thiểu số: “Thơ DTTS Việt Nam, từ một hướng nhìn động”, Talawas, 12-4-2006.

– Thơ Cham đương đại: “Sáng tác văn chương Cham hôm nay”, Tagalau, 9-2001; Tia sáng 5-10-2006; “Văn học trong thời đại toàn cầu hóa, trường hợp Cham”, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, 11-2011.

– Thơ cây bút ở miền sâu vùng xa: “Thơ Việt Nam đương đại, bước chuyển mạnh từ miền Trung và Tây nguyên”, Hội thảo tháng 10-2011.

– Thơ Việt hải ngoại: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tiền Vệ, 18-2-2009; Vietvan.vn, 3-3-2009

– Người Việt sáng tác bằng ngoại ngữ: “Nhà văn đương đại Việt Nam di cư ngôn ngữ”, tháng 7-2015.

– Văn học miền Nam trước 1975: “Chúng ta nợ gì ở văn học miền Nam?”, hội thảo tháng 10-2016; thêm 2 kì làm Bàn tròn Văn chương.

[2] Dòng sông [chia theo “ăn nước” mương nào, tục gọi là trào lưu]

– Hậu hiện đại: “Nhập lưu hậu hiện đại”, 19-2-2008; “Đối thoại hậu hiện đại”, Tiền Vệ, 5-3-2009; “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”, Vanchuongviet, 21-12-2007.

– Tân hình thức: “Về đâu, Tân hình thức Việt?”, Sông Hương, 16-11-2013.

– Sau hậu hiện đại: “Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới”, Sông Hương, 18-8-2016.

– Văn chương ngoại vi: “Văn chương ngoại vi/ trung tâm, từ một góc nhìn”, tạp chí Đêm trắng, số 1-2006.

– 30 năm đổi mới, các trào lưu thơ Việt ở đâu, về đâu?, Hội thảo 28-5-2015.

Và nhiều nữa…

[3] Cuối cùng tôi so sánh 3 thế hệ và [qua] 3 hệ mĩ học… để làm bật lên sự khác biệt, xem cái mới ĐÓNG GÓP CỤ THỂ ở đâu, như thế nào. Đây là thao tác vô cùng cần thiết để giải tán loài phê bình bình và tán, mơ hồ đầy tùy tiện. Bộ 19 “Hồ sơ Biên bản so sánh” đăng Vanviet cuối 2015 làm nhiệm vụ đó. Vài minh họa:

– Chiến tranh Việt Nam, tâm thế và cách nhìn: Phạm Tiến Duật thi vị hóa, Trịnh Công Sơn phản chiến và Nguyễn Bắc Sơn bất cần;

– Thơ tù: từ Hồ Chí Minh trui luyện ý chí, Hoàng Hưng ngơ ngáo đến Tô Thùy Yên giải sân hận;

– Thế đứng của đĩ Việt Nam: từ Tố Hữu đến Nguyên Sa qua Bùi Chát;

– Bàn chân Việt: với dép lốp vượt Trường Sơn hiên ngang, Biti’s kiêu hãnh, đến bàn chân lạc loài đạp “mìn” Nguyễn Hoàng Nam cũng là của Việt;

– Thơ trình diễn: từ sến Vi Thùy Linh qua hiện đại Dương Tường đến Lê Anh Hoài hậu hiện đại; Và…

Bát ngát chữ nghĩa kia không gì hơn ngoài, nỗ lực cắt đuôi phát ngôn cảm tính. Nghĩa là dựng 3 chân kiềng cho mỗi luận điểm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *