Bắc tiến-cuối. SAO GỌI LÀ BẮC TIẾN?

Nhại nghiêm trọng, để giải nghiêm trọng. Cái chữ Nam tiến ấy – giải, không phải hủy hay quên, mà làm cho nó nhẹ đi, tan ra và bay bổng lên như cánh chim của bầu trời. 

Nam tiến, người Việt mở cõi vào miền đất có chủ. Với gươm, mĩ nhân và “ở lại” – thể hiện đủ đây qua câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Bắc tiến của tôi ngược lại: Giải sân hận, truyền đạo Thơ, nghĩa là làm lan tỏa cái ĐẸP viết hoa. Không đao búa, không gái gú, rồi… quy hồi cố hương, vẹn nguyên.

 Câu hỏi: đâu là cái cốt tủy nhất của Inrasara?

– Tôi hậu hiện đại từ trong trứng. Để rồi vào đầu thiên kỉ thứ ba sau Công nguyên, tôi bắt gặp phong trào này như thuyền gặp biển…

Phong trào nào rồi cũng đi qua. Hậu hiện đại qua đi, tôi rút được gì?

[1] Tư tưởng của hậu hiện đại là phi tâm hóa. Phi tâm hóa không phải là hủy trung tâm mà là giải trung tâm. Nó đạp đổ mọi bức tường phân biệt đối xử các loại, để nhiều trung tâm nhỏ kia kể câu chuyện của chính mình.

[2] Tinh thần của hậu hiện đại là tôn trọng sự khác biệt. Có thể không hay chưa hiểu, nhưng tôn trọng. Chỉ khi nào làm được điều này, nhân loại mới hi vọng học biết tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình.

[3] Hành động: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Bạn biết trái đất đang bị tàn phá, môi trường sống đang bị hủy diệt, bạn hiểu và hành động bằng cách trồng cây trong nhà bạn, khuyên bà con thôi vứt rác ra đường, không lên núi phá rừng… là bạn đã hậu hiện đại.

[4] Cuối cùng, hậu hiện đại dạy ta biết cười. Cười… hậu hiện đại, như Henry Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm”.

Từ nền đất ấy, tôi đi, đọc, viết, nói và hành động…

Phát kiến và thuyết về chủ đề Hải sử & văn hóa biển Cham, gợi mở cho các nghiên cứu về sau có công trình bổ khuyết vào lịch sử Đại Việt Nam vốn sợ biển và yếu về biển;

Nghiên cứu Văn học Cham, góp các đặc trưng nhất của Cham làm giàu nền văn học đa dân tộc Việt Nam;

Phê bình Văn học ngoại vi các loài, mục đích gom vào – chứ không đẩy ra, cho văn học Việt Nam cắt đuôi định kiến đầy mặc cảm là nền văn học “nhỏ và yếu”.

Diễn thuyết, lên tiếng về các vấn đề văn hóa, xã hội như cách hóa giải và hòa giải các mặt khuất, bề tối của lịch sử và xã hội; về môi trường, khiêm cung góp phần mình làm sạch, đẹp trái đất này;

Cuối cùng, truyền bá tinh thần giải sân hận của Ariya Glơng Anak;

Và gì nữa?

Mọi mọi lời nói, chữ nghĩa, hành vi của tôi xuất phát từ “trung tâm” ấy. Đầu tiên và cuối cùng!

Karun & thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *