Bắc tiến-22. 17 PHÁT NGÔN THƠ CỦA INRASARA

Đề từ.

Em nhoẻn nụ cười bông cứt lợn

Giữa trưa hè ướt sũng trái tim anh

Đôi mắt đổ ghèn trời chiều trở gió

Ba giọt Rohto nhất cố đủ khuynh thành

[1] [Nhà thơ Việt Nam] chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Ta chưa đi xuống ba tầng cô đơn: Cô đơn giữa hội hè, đoàn nhóm, cô đơn trước trang giấy hay màn hình trắng, và cô đơn sau khi tác phẩm ra đời (tạp chí Văn, số 20, tháng 11-2004).

[2] Thứ thơ rác [rưởi của Mở Miệng] đặc hiệu này mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ Việt. Nó buộc nhà thơ hôm nay quay lại nhìn nó, và nhìn lại cả mình nữa. Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không! (Tienve.org, 2004)

[3] Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ (tạp chí Tia sáng, 20-5-2006).

[4] Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam vừa đi vừa ngủ; mươi năm qua, nó vừa ngủ vừa đi (Talawas.org, 12-4-2006).

[5] Nhà thơ Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả. Sáng tác cảm tính đã đành, ngay phát ngôn về nghề, ta vẫn cứ cảm tính và tùy tiện (Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006).

[6] Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần (Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006).

[7] Thơ Việt đang khủng hoảng, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như thứ tín hiệu tốt lành (Hội thảo 20 năm Mỹ thuật đổi mới 1986-2006, Hà Nội, 4-2007).

[8] Gom vài chục bài thơ lại thành tập, khác trời vực với làm một tập thơ. Rất nhiều nhà thơ hôm nay vẫn còn chưa biết LÀM một tập thơ (Inrasara.com, 2010).

[9] Học đòi Nguyễn Tuân, ta ưa định kiến với nhà phê bình, trong khi ở Tây phương, nhà thơ đồng thời là [hay có tố chất của] một nhà phê bình.

[10] Thơ nữ cần cắt đuôi hậu tố ‘nữ’. Tại sao không là nhà thơ, mà phải là nhà thơ nữ, nhà thơ dân tộc thiểu số…? 

[11] Thi sĩ thường bị thành kiến là lười đọc, nhiều nhà thơ nghĩ làm thơ không cần học, nhất là sống buông thả theo cảm xúc. Trong khi truyền thống Ấn đòi hỏi thi sĩ tôi luyện nghệ thuật thơ đạt cấp độ thượng thừa. Hắn tuân thủ kỉ luật khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như lề luật ứng xử với cuộc sống, chữ nghĩa (“Bế tắc sáng tạo”, trong Song thoại với cái mới-2008) .

[12] [Làm] thơ như là con cặc nứng. Không n[h]ứng thì chịu, không thể cố, càng cố càng chết, còn xài đến viagra bạn tiêu đời là cái chắc (Facebook Inra Sara, 5-2022).

[13] Văn chương vô bằng, nhất là thơ, thế nên khó cãi thế nào là thơ hay. Dẫu vô bằng tới đâu, không thể thiếu tang chứng để lôi nhau ra tòa. Bài thơ ấy có tứ mới không, thi ảnh độc, ngôn từ lạ cùng lối diễn đạt độc đáo không.

[14] Siêu thực, tượng trưng hay gì gì Truyện Kiều có cả, – không sai. Dẫu sao có yếu tố nào đó thì khác cả vực thẳm với chủ nghĩa. Chủ nghĩa nhấn vào một yếu tố, đẩy tới, mở rộng… và lập thuyết.

[15] Thời đại thay đổi, thơ thay đổi, và cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Độc giả thơ cần được đào tạo, là vậy (tạp chí Thơ, số 1, 2006).

[16] Nhà thơ, không biết vứt bỏ thì không thể lớn (Facebook Inra Sara, 2020).

[17] Dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những đâu chăng nữa, nó cũng phải trở về. Trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ.

Trong ngôi nhà đó, nhà thơ cư ngụ (“Thơ như là một thiết yếu” trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *