Tôi 122. AI CÓ THỂ TIẾP NỐI DI SẢN TÔI?

Tôi làm cái gì cũng dễ, giải quyết vấn đề nào cũng gọn, nhẹ. Thế nhưng…

Quán Tạp hóa Haly’s tại Chakleng đang ăn nên làm ra, tôi bỏ vào thành phố, nó chết. Sài Gòn, Công ty Thổ cẩm đang lên vùn vụt, tôi nghỉ, nó xuống dốc. Bàn tròn Văn chương đang xôm tụ, tôi rời đi, nó tắt. Và nhiều nữa…

Tại sao? – Tôi không có [hay không biết gầy dựng] kẻ kế thừa. 

Tháng 10-2015, giữa trưa – xong hội thảo ở quận 1 chạy xe về, tôi bị va quẹt nứt xương nằm nhà hai tháng. Nằm, và viết loạt bài phê bình “Hồ sơ Biên bản so sánh” để sau đó giật giải Vanviet. Tôi tuyệt không cho ai biết [khéo xấu trai], vậy mà chả hiểu sao thi sĩ Bành Thanh Bần hay, ghé nhà – thăm.

Lần này cũng vậy…  

Mười ngày nằm bệnh [tưởng], tôi xa rời hẳn sách vở với internet, cô đơn đối diện với mình, đối thoại với định mệnh mình. “Ta đã làm gì đời ta?” – Thi sĩ Vũ Hoàng Chương hỏi thế. Tôi khác: “Tôi sẽ còn làm gì đời tôi?”

Và: “Ai có thể tiếp nối di sản tôi?”. Di sản, có to không? Tôi viết đâu đó, về tôi, đáng kể không phải là những công trình hay thành quả tôi để lại, mà chính là tinh thần tôi.

Lưu ý: Di sản tôi, chứ không phải di sản CỦA tôi. Khác ở hai điểm: Thứ nhất, tôi không muốn xem chúng thuộc sở hữu của tôi, thứ hai, bạn tiếp nhận nó với tinh thần MỞ và tự do phát triển. Tạm phân làm hai dạng: Ý hướng & Tư tưởng và Thực tiễn đời sống.  

[1] Di sản chữ nghĩa: Văn học  ngoại vi

Tôi đa hệ: Sáng tác, phê bình, nghiên cứu, thuyết giảng, trả lời phỏng vấn; tất cả nhằm đấu tranh cho các dòng Văn học ngoại vi, để chúng được tồn tại công bằng, làm giàu sang nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Qua chữ nghĩa và hoạt động ấy, tôi đã chinh phục độc giả Cham lẫn Việt, bên cạnh phần nào mở ra thế giới bên ngoài.

Ai, cây bút Cham có thể tiếp nối ý hướng ấy, vừa cục bộ [từng thể loại] vừa toàn cảnh [đồng thời gồm thâu nhiều thứ]?

Ví dụ người ta có thể gọi tôi nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu hay nhà hoạt động văn học riêng rẽ cũng được, hay gộp bốn thứ lại, cũng xong!

[2] Tư tưởng Dân tộc & nhân văn

Tôi đã khởi động khai phá Triết lí Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, một tôn giáo dân tộc, nhân văn và hòa bình;

Tư tưởng dấn thân trong hoàn cảnh Cham giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam: Bằng Tinh thần giải sân hận của Ariya Glang Anak và qua Ý hướng tái thiết Văn hóa làng của Muk Thruh Palei, để mỗi palei Cham có được một “Bà tổ Quê hương” của làng mình, đấu tranh bảo vệ và xây dựng môi trường sống sạch và lành mạnh.

[3] Trí thức hoạt động xã hội

Tôi không cho mình phản biện mà chỉ là hoạt động xã hội.

Sakurai Kunitoshi, cựu Hiệu trưởng Đại học Okinawa, người phụ trách web môi trường Okinawa – Nhật Bản trong bài “Cuộc chiến của Inrasara” tháng 7-2019, viết:

“Ông Inrasara là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng quốc tế, được biết đến rộng rãi. Thuyết giảng tại Đại học Okinawa, khi được hỏi thế nào là một trí thức, ông trả lời:

‘Nếu bạn chuyên làm thơ, bạn chỉ là một nhà thơ, không là trí thức. Nếu bạn chỉ biết nghiên cứu, bạn chỉ là chuyên gia, mà không là trí thức. Trí thức là kẻ lên tiếng cho cộng đồng về vấn đề ngoài chuyên môn của mình, tiếng nói ấy được cộng đồng tín nhiệm và hỗ trợ.’

Với kẻ tự cho mình là trí thức, đó là một định nghĩa làm chói tai. Tuyên bố của Inrasara là một sự khích lệ nóng bỏng đối với chúng tôi. Nó như là một thông điệp.”

Cham, ai người kẻ có chút đỉnh tiếng tăm dám rời bỏ vị trí của mình để nhập cuôc?

Ý hướng nhập cuộc, là di sản thứ ba.

[4] Di sản Thổ cẩm, từ khi thành lập Công ty TNHH Inrahani, với một cơ sở tại Sài Gòn và một ở quê, sau các bước cải cách quan trọng:

Chế biến từ hàng thô thành sản phẩm với nhiều chủng loại; Mở cửa hàng ở trung tâm kinh tế lớn nhất nước, và đại lí tại các thành phố lớn; Cải tiến khung dệt cũ lên bán công nghiệp, cho hàng ra nhanh và chuẩn hơn nhưng không vì thế mà đánh mất truyền thống; Cty đã lan tỏa thổ cẩm Cham ra nhiều nước trên thế giới…

Dù Chakleng đã có Làng Nghề Thổ cẩm, với không ít gia đình giàu lên từ thổ cẩm, tuy nhiên có hai điều Chakleng chưa làm được: Trở lại truyền thống xa hơn, bằng trồng bông vải, nhuộm màu tự viên, và Quảng bá thổ cẩm trên mạng để bán hàng online.

Ai có thể đảm nhiệm công việc đó?

Cuối cùng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA [khác hẳn hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm của Nhà nước] và Tủ sách Cộng đồng ở quê [bởi chỉ sách, không phải báo mới có thể thay đổi và phát triển tri thức nền tảng] mươi năm qua còn dang dở.

Chakleng, hay bất kì đâu, ai là kẻ nối nghiệp?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *