CÂU CHUYỆN DỄ VÀ KHÓ

[1] LÀM DỄ, CHƠI MỚI KHÓ

Bận rộn dễ, ở không mới khó.

Làm sao một ngày không con cháu bu quanh, không bạn bè bù khú, không rượu bia hay sách vở, không việc làm, không cả facebook, mà bạn vẫn có thể sống ổn?

Vấn đề Bà-ni, tôi nói dễ ợt; do đầu óc ta không rỗng rang, vô tư mà đầy tính toán, thành ra làm đâu hỏng đó, đã bị vài người kêu tôi: dóc tổ! Có vậy đâu. Đụng sự vụ lớn nhỏ nào bất kì, với tôi – dễ ợt. Hơn nửa đời hư, tôi đã thế.

Tạm kê vài món hầu bà con.

Từ làm nông…

Ở Hiếu Lễ đầu thập niên 1980 thời điểm đất nước khốn đốn nhất, tay trắng với hai sào đất cà giang bỏ hoang, chưa đầy năm – tôi đã biến thành vườn – ao – chuồng nuôi sống gia đình 5 miệng ăn, ngon lành. Mà khi ấy tôi vẫn đạp xe ngày 24km xuống tỉnh làm việc lương chết đói.

Đến kinh doanh buôn bán…

Cấp thành phố [Công ty Thổ cẩm], tầm nhà quê [Quán tạp hóa] hay điều hành hợp tác xã, làm đâu thắng đó. Thuở kế toán trưởng HTX Mỹ Nghiệp, trong khi người kế nhiệm tôi cắm cúi cả ngày, tối còn ôm sổ sách về nhà làm vẫn chưa hết việc, tôi 1 tiếng/ ngày, cuối mùa báo cáo tài chính nhẹ bỗng.

Từ chuyện vặt, như câu cá, làm hàng xáo, chích heo, vân vân… cho đến món có vẻ to cồ như văn chương chữ nghĩa, tôi vào cuộc là xong ngay. Chủ trì Bàn tròn Văn chương – ngon lành; chủ biên Tagalau – đặc san chạy bon bon; giải quyết các vấn đề cộm của cộng đồng – luôn ổn; tất tần tật…

Làm, dễ là vậy. Ở không mới khó. Chơi, khó nhất.

Thế nào đi nữa, cuộc đời là một thuật toán – Harari nói thế!? Đó là ông chưa nhận biết khác biệt giữa “la pensée méditante” tư tưởng trầm tư chiêm nghiệm với “la pensée calculante” tư tưởng tính toán đo đếm (dụng ngữ của Heidegger).

Bị chi phối, tác động bởi thuật toán, con người khó có thể “ở không”. Đầu óc ta lúc nào cũng cựa quậy, nhảy nhót từ ý này sang ý khác; tay chân táy máy luôn muốn tìm việc gì đó để làm. Lên mạng tán gẫu, lai rai bốc phét, và cả làm… thơ.

Câu hỏi lặp lại:

Làm sao một ngày không con cháu bu quanh, không bạn bè bù khú, không rượu bia hay sách vở, không việc làm, không cả facebook hay văn chương thơ phú, mà bạn không phải “nhàn cư vi bất thiện”, và hạnh phúc?

[2] LÀM GIÀU, DỄ!

Lấy bằng tiến sĩ đút túi thì dễ, làm nhà nghiên cứu mới khó. Nghiên cứu – dễ, phê bình khó hơn. Làm nhà phê bình – dễ, để thành một nhà thơ [sáng tạo] mới thực sự khó.

Không đùa đâu, cứ dòm qua phía chính thống, Việt Nam đến nay mới có ngàn nhà văn, còn tiến sĩ ta con số gấp 30 lần. Chả khó là gì!

Lạ, Cham mình lại thích làm chyện khó là THƠ, hơn thứ dễ: NGHIÊN CỨU. Dễ hơn nữa là LÀM GIÀU, mà ta không chịu… làm.

GIÀU. Tôi đã từng giàu. Giàu bằng sức hẳn hoi, sau đó bằng trí. Chuyện mình đã kể vài lần, nay kể chuyện thiên hạ.

Đầu tháng 12-2020 anh em văn nghệ ngồi với nhau ở Làng nướng Đông Dương – Phan Rang. Thi sĩ Đồng Chuông Tử hỏi anh tiến sĩ từ Hà Nội đang cố vấn cho một công ty chế biến thực phẩm mới nổi:

– Qua con mắt chuyên môn của “em”, Ninh Thuận nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả?

Anh bạn trẻ trả lời qua loa:

– Với kĩ thuật hiện đại, con hay cây gì không còn quan trọng. Đất Ninh Thuận chỉ chế biến mới có ăn. – Ngưng giây lâu, anh tiếp:

– Ngay chế biến cũng khó cạnh tranh. Theo tôi, du lịch sẽ là nguồn thu chủ đạo của tỉnh nhà…

Tôi nhất trí cao với anh bạn trẻ người mà không non dạ.

Hổi vụ dự án thép Cà Ná đang cao trào, ở bài “Việt Nam: giàu, đẹp và tanh bành” đăng RFA, tôi đặt câu hỏi: “Ninh Thuận thực sự cần gì? – Nước, du lịch văn hóa Cham và du lịch bán sa mạc”. Tại sao Cham không thể làm giảu từ du lịch văn hóa làng?

Từ Chakleng với [Làng nghề] Thổ cẩm, Đồng Careh [Isvan và…], Homestay INRA [Jaka], Nhà Trưng bày Văn hóa Cham [Jaya quản lí] sang Gốm Bàu Trúc [Phú Thuần và…] qua vùng Paprong [palei Boh Dana, Kacak…] rồi tới Bal Riya, hay Pabblap với nghề thuốc nam [Kiều Maily, Xuan Bao]…

Tôi thử đi một vòng, nhìn ra ở đó cả suối tiền chảy vào túi Cham.

Có ai NHÌN RA và làm THẬT chưa?! Không tị nạnh mà biết kết hợp, hỗ trợ nhau làm. “Buôn có bạn, bán có phường”. Làm được, mình vừa giàu vừa sang, thêm: Người ngoài được cuốn đến ta nói về văn hóa Cham, họ sẽ hiểu Cham hơn, quý trọng văn hóa và đời sống Cham hơn nữa.

Muk Thruh Palei ghét tệ cái nghèo. Nghèo, là đầu mối mọi tội lỗi. Nguyễn Công Trứ: “Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huẩn chẳng sai/ Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có”.

Làm giàu, dễ lắm.

Đầu thập niên 1990, mở quán tạp hóa nhà quê, tôi giàu. Vào Sài Gòn, mở cửa hàng bán thổ cẩm ở thương xá TAX, tôi giàu. Qua Nhật, dạo một vòng siêu thị, chớp lấy một mẫu độc, về – tôi tổ chức chế tác và hốt tiền. Vân vân…

Tôi từng bày nhiều Cham làm giàu, chỉ ra rất CỤ THỂ, nhưng hoặc họ kém tinh thần phiêu lưu hoặc họ thiếu tự tin thành rơi mất cơ hội làm giàu. Xưa, Cham làm thương mãi có hạng, nay – hà cớ ta đánh mất truyền thống siêu đẳng ấy?!

[3] ĐẦU ÓC THẮNG BẢN NĂNG

Về thể chất, con người là “sinh vật” thuộc hàng trung bình yếu, nhưng lại là loài đáng sợ nhất trên trái đất. Nguyên do chính yếu: nó biết thắng bản năng. Tay không [không thủ đạo], luyện võ nghệ – nó thắng. Chế tác vũ khí, từ cây rìu, cái cày đến máy bay siêu thanh, tàu ngầm hạt nhân – nó thắng. Ở cấp độ cao hơn nữa, nghĩ ra tam thập lục kế, thuật dùng người, vân vân – nó thắng.

1. Thắng tự nhiên

Đắp đập ngăn sông, xẻ núi băng rừng là chuyện nhỏ. Chúng nằm ỳ đó, con người chỉ cần xài đến vài dụng cụ thô sơ chế tác cũng bắt nó tuận phục mình dễ dàng. Vậy mà tôi thấy nhiều “cây sậy suy tư” từng chịu thua… cục đất, mới lạ. Đất cà giang, thua; đất ‘ralin’ “sáp”, thua; đất bạc mầu, cũng thua nốt. Tại sao? – Lười vận động tay chân.

Phần tôi, tạm kể hai gương sáng:

Thập niên 1980, hai sào đất cà giang palei Cok bỏ hoang, chưa qua năm, dụng sức với ít trí – tôi biến nó thành vườn, ao, chuồng ngon lành.

1990 qua Chakleng, tôi cần phủ bóng trước quán tạp hóa đầu làng, ở đó đất ‘ralin’ cứng và dẻo dường bất trị. Mấy người đi trước kêu: “đất này không thứ gì mọc nổi”, rồi bỏ đi, tôi thì không. Đào hố sâu đến đầu gối, lưỡi cuốc hết chịu thấu, tôi dùng xà-beng. Sâu tới hông mới đụng đất đỏ, tôi chở nguyên xe bò đất ruộng đổ vào là ổn. Dân quê hiếm ai chịu trồng cây kiểu ấy [nói chi trồng người]. Thế rồi chỉ qua năm, người Chakleng nhìn thấy hàng 7 cây dương với lim kiêu hãnh đứng nắng. 

Đơn giản lắm, tôi nghĩ: hà cớ con người lại chịu thua đất!

2. Thắng loài vật

Với thú vật các loài, ta dùng đến TRÍ, không thể khác.

Thuần hóa trâu, voi cho nó phụng sự con người, là chuyện to. Việc nhỏ thôi, tôi vẫn thấy nhiều kẻ người chịu thua, mới kì. Chỉ cần động não xíu là được, vậy mà ta quyết: không.

Vài chuyện vui…

Chuyện câu cá trê, chúng bạn vác cần ra sông, gặp mùa cá lặn, tay không mà về. Tôi làm khác: nghiên cứu [Thơ hay bán quán tạp hóa cũng phải nghiên cứu – Ainsi palait Inrasara!] Tôi kiếm cách dụ chúng ăn, có no tới đâu cũng ghé thử miếng đã. Thế là dính đạn.

Phan Rang, sân sau BBS toàn cát là đất loài dông rất ưa. Hang chúng sâu lút đầu người lớn. Anh nông dân Việt qua đào ngày được 1-2 con là ngon. Thế nên quý thầy ở Ban có thèm mồi nhậu thế nào cũng nuốt nước miếng chịu.

– Mai tôi tặng quý thầy hai con lai rai – tôi nói

Không mừng thì thôi chớ, thầy Quạ la tôi “Dân Chakleng dóc tổ”.

Sáng hôm sau, rời phòng làm tôi ra sân sau, mươi phút xách vào hai con to cồ. Tay không, khác nhau ở dụng trí thôi mà.

Sài Gòn, bà xã nằm cạnh kho hàng, chú mèo hoang to vào xả phân. Dăm đứa ở Cty cùng bà chủ cả tháng trị không xong. Đi xa về biết chuyện, tôi kêu:

– Trời biển, chi lớn chuyện thế, anh tóm ngay mà.

Bà xã “hứ” một cái, theo thể điệu “dóc tổ” của quý ông ở Ban cũ. Qua tuần hết chịu thấu mới cầu cứu ông chồng nhà thơ mây gió. Chưa đầy năm phút, tôi tóm hắn bỏ bao trình giám đốc.

Chỉ là nghệ thuật dụng trí thôi mà!

Cá, dông hay mèo gì gì hoạt động theo bản năng, ngàn đời lặp lại, ta nghiên cứu hành trạng ấy, và trị. Là xong.

Ở đây không phải thông minh, mà chỉ cần động não. Một tí thôi, cũng đủ.

3. Thắng con người

Loài này – loài “ăn thịt người” cả khi đã no nê – thắng được mới ghê.

Lĩnh vực tôi đã vài lần bàn qua, trong loạt bài “Cham có thông minh không?” và “Tồn tại hay không tồn tại?”. Ở đó có ba cấp độ: Thông minh để tồn tại, Thông minh và bản sắc & Thông minh và sáng tạo.

Đồn rằng, tiền của thiên hạ nằm trong túi người Do Thái, còn tiền Do Thái nằm trong đầu của họ. Serie bài: “Cham vẫn có thể làm giàu” đã luận đủ cạnh khía về chuyện này.

Do Thái được, Cham – tại sao không?!

[4] NGHIÊN CỨU, DỄ

Nghiên cứu văn hóa Cham, dễ ơi là dễ. Phát kiến đề tài: dễ, sưu tầm và xử lí tư liệu: dễ, hoàn thành công trình: dễ nốt. Chịu nhìn ra xung quanh, đề tài tràn khắp. Vậy mà chả hiểu sao nhiều Cham không [thể] nhận ra và làm, cứ mặc cho các câu chuyện trôi nổi nguy cơ tiêu trầm một ngày không xa.

Từ 2015, thực sự tôi không còn hứng thú hay nhu cầu in sách nữa, dù đang trong tay non 40 bản thảo hoàn chỉnh. Sáng tác, phê bình lẫn nghiên cứu. Tôi muốn nhường phần đất lại cho các bạn thế hệ mới.

Để xem tình yêu các bạn sâu, đậm tới đâu.

“Bạn có yêu palei bạn không?” là loạt bài đăng Inrasara.com mươi năm trước, sau đó tôi đề nghị 7 bạn Cham viết về chính palei của mình, tôi cung cấp 50-70% tài liệu, vậy mà đến nay nó cứ muốn hát bài đôi ngã chia li.

Lẽ nào thua cuộc? Năm 2018 tôi viết “Một vòng palei Cham Pangdurangga” gửi đăng Tagalau-22 như một định hướng. Tagalau nghỉ, dự án đành ngưng trệ.

Từ tài liệu có sẵn, tôi có thể làm xong công trình Lịch sử palei Cham Pangdurangga trong vòng 2-3 tháng, nhưng không – tôi muốn bạn trẻ nhập cuộc chơi. Để biết “bạn có yêu palei bạn” thực sự không!

Phạm vi hẹp hơn, gia phả các dòng họ Cham chẳng hạn. Tôi thử hỏi vài chục anh chị Cham tuổi thất thập, hiếm ai biết năm sinh ông bà mình, kì thế chứ! Tôi không ý định viết gia phả, mà là lịch sử chuyển dịch của các dòng họ. Qua nhiêu khê và lênh đênh của những “họ”, tôi hiểu Cham. Hiểu, thì càng yêu hơn.

Bạn có yêu người thân bạn không? Sao không thử một lần “tìm về nguồn cội” ông bà?

Âm nhạc Cham, năm 1998 tôi bỏ nguyên tuần về quê làm tư liệu với đủ đầy nghệ nhân ba vùng Panrang Kraung Parik. Non mười năm tìm người cộng tác, cuối cùng chả ma nào tiếp sức! Tôi nói: Ai làm được nó, giá trị ngang cựa bộ Văn học Cham chớ chẳng chơi.

Nhỏ hơn, Damnưy Cham với khoảng 70% tài liệu sưu tập và xử lí thô xong, năm 2015 tôi muốn bạn thân Jaya Hamu Tanran làm, tôi bên cạnh hỗ trợ. Như món quà kỉ niệm. Chẳng những ‘yut’ từ chối mà còn tặng thêm tư liệu riêng của ‘yut’ cho tôi. Thương nhau là vậy!

Hải sử và văn hóa biển Cham, tôi là người “phát kiến” đề tài và đã có loạt bài gợi mở, hôm nay ai là sử gia Cham triển khai và hoàn thành nó?

Năm 2010, là Dấu vết Cham ở đất Bắc, tôi gợi mở cho Jaya, hay mới nhất: Phan Quang trí thức Việt nhiều hiểu biết và đầy nhiệt tâm – hỏi bạn có làm được?

Dịch sang chân trời khác, lẽ nào Cham mãi nhè các ca khúc Đàng Năng Quạ với Amư Nhân mà hát! Năm 2012, tôi dịch loạt ca khúc ngoại thời danh sang tiếng Cham cùng 7 ca khúc Giáng sinh, như một gợi ý và gợi hứng. Có bạn trẻ Cham nào tiếp tục chương trình, lập nhóm nhạc kiểu này, để làm nên một phong trào âm nhạc mới cho Cham? Tại sao không thử?

Vân vân và vân vân.

Bạn có thật YÊU – yêu sâu đậm, yêu điên mê Cham chưa? Hay bạn chỉ muốn qua Cham, thể hiện mình?

[5] PHÊ BÌNH, KHÓ

Tôi vừa đọc qua luận văn Thạc sĩ mới, về phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara. Tôi không ý kiến, chỉ thư riêng gửi bạn ấy. Triển khai thêm rõ hơn, đăng hầu bà con.

Xưa rồi, Sara trả lời phỏng vấn báo Lao động, số 185 ra ngày 11-8-2007: “Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, do MT. thực hiện.

Nhà phê bình ta “ăn theo” nhưng lại thái độ cha nội, ưa gõ đầu người sáng tác. Inrasara thì khác. Phê bình song hành, thậm chí đi trước khai mở cho sáng tạo. Hành trình phê bình của tôi trung thành với cách chọn lựa đó.

Hoạt động lí luận & phê bình, cái đáng quan tâm ở tôi là tiểu luận, chứ không phải phê bình. Phê bình Việt Nam nhìn chung là thiếu tư tưởng, cụ thể hơn: thiếu một hệ thống lí thuyết. Nhiều nhà ta ưa gom vài chục bài báo lẻ in tập, gọi là tập lí luận – phê bình. Đọc mỗi bài riêng lẻ thì thấy hay hay, chứ khi gấp sách lại, người đọc không nhận ra đâu tư tưởng chủ đạo xuyên suốt.

Sara cần “lập thuyết” là vậy. Tôi đặt tên cho nó là Phê bình Lập biên bản.

Phê bình bước đầu, tôi nhấn về đặt nền tảng khoa học cho phê bình, bởi lâu nay ta quá cảm tính, tùy hứng đến tùy tiện. Phê bình Lập biên bản có 3 hình thức: Biên bản Bàn tròn Văn chương như tập thể phê bình, Biên bản lập chậm ghi toàn cảnh hội thảo văn học các loại: cụ thể và đầy đủ, tuyệt không cắt xén và Phê bình [như là] Lập biên bản.

Ngoài hai hình thức trước quyết “giữ nguyên hiện trường” sự cố hay sự kiện, ở Phê bình [như là] Lập biên bản – không khác các nhà khác, tôi vẫn làm công việc diễn nôm thơ rồi tán theo kiểu rút dây động rừng, chứ chưa có gì khác lạ ngoài giọng văn.

Ở bước hai, với 19 “Hồ sơ biên bản so sánh”, tôi mới thật sự có đóng góp. Lẽ ra 40 bài mới đủ bộ, tiếc là do chuyện bất trắc đột ngột xảy đến, hồ sơ bị hoãn nửa chừng rồi tắt luôn.

Tôi biết bạn chưa dám mổ xẻ “Hồ sơ” này, do nhạy cảm, không vấn đề gì đâu. Chúng ta chưa đủ cô đơn cho phê bình, là thế.

Tới đoạn cuối là bước thứ ba, tôi đặt tên: Phê bình khai phóng, ở đây chưa triển khai tới đâu, tôi mất hứng luôn với văn chương.

P.S.

Đòi hỏi ở một nhà phê bình là có cái nhìn tổng quan văn học, vừa lịch đại vừa đồng đại, từ trung tâm đến ngoại vi mới tránh lệch lạc, một chiều. Muốn thế, bạn phải trải qua công đoạn làm việc như một nhà NGHIÊN CỨU, không thể khác.

Nữa, để không bị rớt lại, bạn cần biết LÍ THUYẾT PHÊ BÌNH, cả các trào lưu đang diễn ra trên thế giới. Vận dụng chúng linh hoạt vào thực tiễn văn học nước nhà. Nếu ngon cơm hơn, bạn quyết một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, để phê bình.

Cuối cùng, sau hai giai đoạn nghiên cứu và phê bình, bạn cần tạo được GIỌNG VĂN, như một nhà văn đích thực.

Phê bình, khó là vậy. Phần mình, tôi tự chơi khó bằng lập thuyết: Phê bình Lập biên bản, còn đối tượng phê bình của tôi nhấn vào là văn chương ngoại vi đương đại, cũng khó chả kém.

[6] THƠ, KHÓ NHẤT

Khó nhất, so với lấy bằng tiến sĩ, làm nghiên cứu, hay phê bình.

Lạ, thơ cũng là loài dễ làm nhất, ít dụng công nhất, kẻ viết dễ thành nhà thơ nhất. Tiến sĩ, bạn phải chịu khó ngồi giảng đường, theo hầu giáo sư hướng dẫn, và cả biết đến văn hóa chạy nữa. Nghiên cứu hay phê bình [cả tiểu thuyết], bạn cần tìm tài liệu, làm hồ sơ, và nhất là chịu bám bàn viết. Thơ, thì không. Ngẫu hứng và bất kì đâu cũng ra thơ.

Tuổi trẻ tôi từng như thế như thế.

Lớp đệ Tứ, ba ngày liền tôi đẻ nguyên tập thơ chép đầy cuốn sổ nhỏ tặng Chế Đạt bạn thân. Tặng, sướng lắm, rồi quên béng đi. Mãi 40 năm gặp lại bạn nhắc, tôi mới nhớ. Hôm nay cứ tưởng tượng nó rơi vào tay để mình đọc lại, buồn cười chết đi được.

Hè 1975 “giải phóng”, tôi cùng các bạn mở khóa dạy ‘Akhar thrah’ trong hai tháng. Để phục vụ lớp học, tôi viết hai trường ca bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi tối một tác phẩm! Vậy mà sau này VTV làm phim về tôi, vẫn có người thuộc nó, và đọc lại.

Vào Sài Gòn làm sinh viên năm 1977, cánh bạn làm đặc san kêu tôi viết tựa. Chả ngán, tôi ngồi vào bàn và chơi ngay ba trang thơ. Sinh hoạt tại Sơ Thú, đọc cho anh chị em nghe, và duyệt ngay. Trượng Ngạt còn kêu lên: Đích thị Tố Hữu Chàm!

Cũng ngon chớ bộ, dù tôi biết đó không phải… thơ.

Sau đó, suốt 20 năm tôi viết hàng trăm bài thơ [lẫn trường ca] cả tiếng Cham lẫn Việt, đóng tập, đọc nghe khoái tỉ, để rồi cuối cùng vứt tất! Chúng cũng chưa phải là thơ. Cứ thế, sự thể kéo dài mãi tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời khi tôi tứ thập “nhi bất hoặc”.

Thơ, dễ mà cực khó, là vậy

Kẻ làm thơ cần đọc thật nhiều, học dài hạn, và phải yêu sâu đậm. Yêu, nhưng không được quyền bảo vệ nó, khi ta đã ném nó ngoài mưa gió cuộc đời. Chớ không như nhiều nhà thơ Việt Nam, bị phê bình là nhảy xổ ra cắn nhà phê bình để bênh vực “đứa con tinh thần”.

Nhảm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *