Thơ & thơ Việt-83. TÔI & THƠ

Mào đầu.

Vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo hôm qua, tút tôi nhận được khá nhiều còm, đại ý: Khinh thường, xem nhẹ, thôi đừng quan tâm. Có người dường đã qua cầu, nên đùa tôi: “Sara coi bộ rảnh hầy”. Tôi nói: “Một, và chỉ một lần thôi”.

Tôi lâu nay thế, với Cham, Việt hay Tây như nhau. Không xem thường sinh linh nào bất kì, huống hồ nhà thơ tài năng TMH. Nghe, nói 1 lần rồi thôi. Còn thì “khi ko thể yêu thương được nữa, thì hãy tha thứ mà bước qua” – Nietzsche.   

Riêng Đỗ Hoàng, vụ ông chuyển hộ khẩu từ thơ tôi sang dân tộc [Cham] để miệt thị thì miễn nói. Tôi bỏ qua lâu rồi, do có bạn Cham nhắc, nên tên ông được nêu ở đây.

Karun mọi người.

*

Yêu tiếng Cham, tôi học thơ Cham. Hồi trẻ tôi thuộc hầu hết những gì qua tay tôi. Sau này làm bộ Văn học Cham, tôi học sâu hơn nữa.

Thơ tiếng Pháp, tôi nằm lòng không ít mảnh Verlaine, Prévert, René Char… từ năm Đệ Tứ. Cuối thế kỉ XX vào làm dân Sài Gòn, ở một buổi lai rai bạn văn, tôi diễn thử ba bài cho một dân Tây chính hiệu nghe. Ông cười to, nhịp thơ sao lạ thế? Tôi đùa, theo thể điệu hậu hiện đại ấy mà. Thật ra tôi chỉ đọc hiểu văn bản chứ hoàn toàn không nắm được nhịp điệu thơ Pháp, sau này là Mỹ.

Còn thơ Việt với tôi thì mênh mông.

Chắc chắn tôi là người đọc thơ tiếng Việt đương đại thuộc dạng nhiều… hàng đầu.

Hô oai thế tránh được cho tôi hai rắc rối nỗi người. Thứ nhất tránh cái cười khẩy: Tưởng gì, đọc nhiều thôi mà, ghê gớm chi mô; thứ hai, hàng đầu, nghĩa là ở trỏng có ít nhất cũng 7-8 người, nếu chết thì chết chùm đỡ cô đơn.

Yêu, và học. Đến hôm nay tôi vẫn còn học.

Học, tôi không quan tâm đến mấy vụ ngoài lề. Rằng ai phe nào, nợ máu với ai, từng công kích ai, đang quan to cỡ đâu hay đã “đá” ai đó. Mê tiếng Việt, học – vậy thôi.

Riêng thơ, thế hệ trước, tôi coi Nguyễn Du, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Chế Lan Viên, Tố Hữu là bậc thầy; Hoàng Hưng, Trúc Thông là hai ông anh;

Cùng thế hệ, Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Quang Thiều là bạn thơ; thế hệ sau tôi học ở Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Lê Anh Hoài.

Tôi học thật, và nhiều từ họ. Còn các nhà khác dù lớn tới đâu, tôi chưa học được gì hay học ít hơn. Mà chỉ ĐỌC

Là dân cư trú đường biên, tôi đọc cả thơ dân tộc thiểu số và đa số, thơ Bắc và thơ Nam, thơ “quốc doanh” và thơ phản động, thơ người Việt trong lẫn ngoài nước.

Vô phân biệt, tôi đọc rất nhiều thơ của anh chị em vùng sâu vùng xa và tỉnh lẻ, thơ cây bút chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thơ câu lạc bộ các loại, thơ in photocopy cũng không chừa.

Vì công việc, [được tặng, mua, mượn], tôi đọc để xét kết nạp hội viên, xét đầu tư và chấm giải [ở Hội VHNT DTTS và Hội Nhà văn, và…], đọc để tuyển cho báo, chủ biên Tagalau đương nhiên là phải đọc rồi, cạnh đó tôi còn đọc để viết giới thiệu, phê bình.

Phê bình, tôi nghiêng hẳn về thơ dân ngoại vi, không phải nó hay mà bởi nó chưa được biết đến nhiều. Khuyết nó, thiệt thòi cho người đọc và cho cả nền thơ Việt Nam.

Tôi được Bà Trời biếu cho tinh thần ham lạ, ưa cái mới, tính phiêu lưu. Tôi nhập cuộc văn chương mạng sớm, do đó sớm tiếp cận với thơ trên website, sau này là facebook…

Ưa khai phá, tôi đọc và cả thử nghiệm thơ tân hình thức, hậu hiện đại.

Không là đọc nhiều “hàng đầu”, thì còn kêu bằng gì chớ!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *