TRẦN MẠNH HẢO VỪA SAI VỪA BẤT CÔNG VỚI TÔI

Tút nhà thơ Trần Mạnh Hảo chiều nay: 5-4-2021 viết ngắn về tôi.

Tạm cho vào ngoặc mấy ý ngoài lề, phần chuyên môn, anh viết “Inrasara [có] hai bài ca ngợi thơ Nguyễn Quang Thiều lên mây”, anh dẫn chứng bài “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định”, Tienve.org, 5-7-2012 cùng bài tôi trả lời Mặc Lâm trên RFA.

Tôi kết luận ngay: Anh TMH vừa sai vừa bất công với tôi.

Thứ nhất, phê bình của tôi ưu tiên các cây bút ngoại vi, thỉnh thoảng tôi có viết về bạn thơ phía trung tâm, riêng Nguyễn Quang Thiều tôi chưa có bài nào về thơ anh.

Thứ hai, hai bài anh TMH nêu chỉ là các phản biện, phản bác của tôi [tôi gọi là “minh định”] về các ý kiến người khác về thơ NQT. Và cả hai đều đăng báo hải ngoại [vi].

Tôi viết, anh TMH vừa sai vừa bất công với tôi, thử lấy 1 bài ra làm chứng: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định” đăng Tienve.org, 5-7-2012, tôi in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say-2014. Tôi có 5 minh định rất rõ, trích 4 liên quan trực tiếp đến Nguyễn Quang Thiều:

Minh định 1.

– Nhà thơ Hoàng Hưng viết: “Nguyễn Quang Thiều, khi lúc đầu mới cách tân thơ cũng nhiều người chê bôi, nhưng khi anh ấy có địa vị một chút trong Hội Nhà văn thì lại được đề cao”

Inrasara minh định [nguyên văn]: “… sự “cách tân” thơ Nguyễn Quang Thiều đã gây nên dư luận hai chiều, cả khen lẫn chê, chứ không chỉ “nhiều người chê bôi”. Như vậy, nhà thơ này không phải “được đề cao” chỉ khi “có địa vị một chút trong Hội Nhà văn”, mà trước đó”.

[Tôi dẫn chứng rành mạch các thời điểm].

Minh định 2.

– “không ít nhà phê bình chẳng ngần ngại nhét vào tay anh “lá cờ đầu” cách tân thơ Việt.”

Inrasara minh định: Chính tại đây xảy ra nỗi nhầm lẫn lớn: nhầm lẫn của lịch sử. Bởi, đi trước Nguyễn Quang Thiều một bước, vài nhà thơ “thời chống Mỹ” đã làm cuộc phá rào ngoạn mục.

[Tôi dẫn chứng Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh… trước đó: Nhóm Nhân văn – Giai phẩm, rồi Hoàng Hưng…]

Minh định 3.

– Ý kiến Nguyễn Đăng Điệp:

“Với những bứt phá mạnh mẽ của Nguyễn Quang Thiều, ý thức cách tân về lối viết trở nên thường trực và riết róng.

Từ đây, đội ngũ làm mới thơ ngày càng đông đảo với sự hiện diện của Trần Quang Quý, Nguyễn Quyến, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Trần Anh Thái, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Không cần cường điệu, có thể khẳng định dứt khoát: Tính đến thời điểm này, những cách tân nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều vào những năm đầu 90 của thế kỷ XX là những cách tân tạo được hiệu ứng nghệ thuật sâu đậm nhất trong thơ Việt sau 1975”

Inrasara minh định:“Cách tân” của Nguyễn Quang Thiều có dính dáng gì đến thơ miền Nam đương đại không? Dứt khoát là không rồi!”

[“Cách tân” của Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Inrasara… là người cùng thời nhưng không dính dáng đến cách tân của NQT]

Minh định 5.

– Vài nhà phê bình cho Nguyễn Quang Thiều hậu hiện đại.

Inrasara mình định: Nguyễn Quang Thiều có hậu hiện đại không? Không, và không thể.

[Tôi viết nhiều lần, hậu hiện đại mới nhưng không hẳn hay hơn hiện đại, siêu thực so với lãng mạn cũng thế. Các trào lưu góp phần mình làm giàu sang dòng sông thi ca nhân loại…]

Cả 5 “minh định” là làm rõ vấn đề với dẫn chứng và phân tích rất cụ thể, chứ tôi có “ca ngợi thơ Nguyễn Quang Thiều lên mây” hồi nào đâu!

Mời bà con đọc lại toàn văn của tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *