KHÁM PHÁ LỚN NHẤT CỦA TÔI LÀ KHÁM PHÁ VỀ TÌNH YÊU

22. YÊU CÂU HỎI

Xưa, tôi có ông bạn gì cũng giải thích, cũng trả lời được. Những “được” ấy không phải không có cái lí, mấy cái lí ấy cũng thu nhập được những cú vỗ tay. Dĩ nhiên, vỗ tay ở bàn nhậu bằng hữu lai rai với nhau thì được, chứ ngoài đời mênh mông kia: dứt khoát không.
Tôi ngược lại, yêu câu hỏi. Cái gì cũng hỏi được, truy bức nó tới cùng. Và dù câu trả lời khả dĩ được tìm thấy, ta vẫn có thể hỏi tiếp. Ở đời thực, hay cả trong suy tư siêu hình.

Câu chuyện. Năm 1982, thuở tôi từ nhà quê về Ban Biên soạn SCC ở Phan Rang. Sau 4 giờ chiều, các bác lớn tuổi ưa ngồi lại, hoặc bày bàn cờ tướng, hoặc gầy độ lai rai. Nghèo, lai rai có khi chỉ vài con khô cá với chai rượu gạo. Một hôm tôi hỏi, mảnh đất cát sau nhà nhóc lũ dông, sao không tóm vài con làm mồi?
– Ở đó mà tóm – anh Chạy nói.
Mà đúng thiệt. Đất cát xốp, dông đực to cồ, hang thì sâu lút đầu người lớn, anh nông dân chính hiệu đào mỗi buổi được một con, đã là ngon.
– Mai tôi tặng quý thầy vài con nhậu – tôi nói.
– Dân Chakleng dốc tổ – thầy Quạ kêu.
– Không dốc đâu…
Hơn 10 giờ sáng hôm sau, sắp giờ nghỉ, tôi xách đầu 2 con tới. Bác Lâm Nài: Mi hay thiệt chớ. Tôi nổ: – Người ta tay không bắt giặc, mình tay không bắt dông thôi mà…
Dễ lắm, dông là loài vật sinh hoạt bản năng, ta có suy nghĩ, biết đặt câu hỏi đúng là xong. Tóm chúng nhẹ tựa hồng mao! Không tốn công sức đào, chả cần dùng tới cái bẫy…

Năm 1986, bỏ BBS về quê. Thời buổi khó khăn, tôi phải khai hoang con sông chết làm rau muống với câu cá nuôi gia đình 6 miệng ăn. Cuối năm, là tháng cá nhát nhất: không chịu đớp mồi. Sông suối gần như vắng hoe, bởi khối người xách cần câu đi trưa về tay không. Tôi lại đặt câu hỏi:
– Tại sao cá không ăn? – Mùa no mồi.
– Làm thế nào no mà chúng vẫn phải ăn? – Mồi lạ và ngon.
– Nhưng trước hết làm sao cho chúng bu đến cái đã chứ? – Quậy bùn.
Thế là chúng tò mò đến xem, và nhấp chơi chơi, để rồi dính đòn!

Bán quán nhà quê cũng vậy.
Năm 1990, buôn bán miền Tây thất bại trở về, chúng tôi tính mở quán. Ở đó đã có 2-3 chủ thất bại, và bỏ hoang từ bấy. Có không ít bậc quân sư khuyên tôi chớ mở quán ở đất Cham bán cho Cham. Họ không mua đâu, nếu có – họ mua chịu đó. Đổ nợ là cái chắc.
Tôi liên tục đặt câu hỏi: Tại sao, tại sao… Và quyết mở. Rồi thành công to.
Dễ ợt! Dụng nhân như dụng mộc. Khối sinh linh ở làng đó, xã đó như thể bạt ngàn loài cây trên rừng vậy thôi.

Đại học hay không Đại học cũng là sự đáng nói. Cha mẹ Cham nào sinh con mà chả mong cho con cái được ăn học đàng hoàng? Lết qua Trung học rồi rướn lên Đại học, tiếp tục cầm cự đặng đút túi mảnh bằng để xin việc làm ăn lương. Con cái cứ thế mà theo: ước mơ theo, làm theo. Hiếm ai biết đặt câu hỏi ngược lại:
Đại học có đáng cho ta tốn tiền bạc, thời gian thế không? Sao ta cứ phải ngồi ở đó đốt hết 4-5 năm tuổi thanh xuân tươi tắn? Cần tri thức, cứ gì phải chui qua cửa ấy? Rồi, sao cứ phải xin việc với làm công ăn lương? Có lối đi nào khác hay hơn không?
Biết đặt câu hỏi, sự thể tự sáng lên theo nhiều góc độ khác.

Trên các diễn đàn chữ nghĩa, tôi thích câu hỏi hơn là trả lời. Câu hỏi càng nhiều càng tốt, càng độc đáo càng hay. Ta học từ những câu hỏi của người nghe hơn là những trả lời qua miệng lưỡi các bậc được cho là uyên bác. Ngay câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhất cũng có cái gì đó đáng… học. Đáng học hơn những giải thích suôn sẻ của nỗi thuộc bài. Nó cho ta thấy điều [ngớ ngẩn ẩy ấy] vừa diễn ra trong đầu của người hỏi, khi đáp ứng với ý tưởng mới.
Thế nên, ở các buổi thuyết trình hay nói chuyện, tôi luôn dành thời gian tối đa cho tương tác: đối thoại, song thoại.
Câu hỏi buộc ta nhìn lại mình, kích thích ta suy nghĩ. Qua đó, ta học được nhiều hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *