KHÁM PHÁ LỚN NHẤT CỦA TÔI LÀ KHÁM PHÁ VỀ TÌNH YÊU

21. NGHỆ THUẬT & ĐỜI THỰC
[Chúng ta đang tàn phá sinh lực tinh túy nhất của chúng ta, hàng ngày!]

Luôn luôn lưỡng tự và chịu sự ma sát của mâu thuẫn và giằng xé, luôn luôn bị trì hoãn…
5 tháng qua, tôi đã làm được gì?
Câu hỏi dành cho tôi với tư cách kẻ sáng tạo? – Không gì ra hồn cả!
Trước tiên là vụ Kim Ngân bị lừa lao động khổ sai và mất tích xảy đến vào đầu tháng 2-2017. Sau 2 tháng mò tìm, Ngân thân xác lành lặn trở về, tinh thần và tâm hồn thì nát bét. Bị thôi miên nặng, về, Ngân cứ “nhớ” chốn cũ, biếng ăn biếng ngủ, thân thể mình còn chả màng nói chi con thơ với người ruột thịt.
Để rồi đúng một tháng sau Ngân trốn nhà đi biệt. Uổng không?!

Giữa tháng 3-2017, đang ngon trớn với hành trình “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” thì xảy ra sự cố NVT-TP. Vụ việc chả đụng chạm tới mình, chỉ vì mấy mẻ của nó văng tứ tung khắp nơi, khiến mình bị vạ lây. Ở đó khối người theo và chống, a dua nịnh bợ hay xuyên tạc công phá, vân vân.
Thế thôi cũng đủ làm mòn hao sinh lực. Mà có đáng gì cho cam!

Sang tháng 5-2017 là vụ Đức Nghĩa mất tích. Bà con kêu đến, mình phải “ra tay”. Post lên FB, phone đến các nơi trong và ngoài nước tìm người hỗ trợ. Và rồi có “ân nhân” Việt kiều Cambodia từ đâu ló ra hứa giúp. Tôi phone về quê bày vẽ, phân tích các kế sách và đưa ra phương án tối ưu nhất. Rốt cục, gia đình đã chọn cách dở nhất: mất tiền và hỏng việc. Về thăm gia đình Nghĩa, thì chỉ có nước mắt tự trách. Phải chi nghe lời… cei Sara.
Gần 3 tháng rồi Nghĩa vẫn biệt vô âm tín. Thương không?!

Cuối tháng 6-2017, lại đụng phải sự cố “Bà-ni/ Đạo Hồi”, tôi lần nữa vào cuộc. Sinh lực lại đổ ra cho một chuyện bá vơ diễn ra ở cấp quốc gia, ảnh hưởng dây chuyền đến cộng đồng. Phone đi và lại, văn bản tới và lui, thông tin lên và xuống. 2-3 Status bắn lên FB mỗi ngày, FB luôn tình trạng mở để theo dõi phản ứng với phản hồi. Cuối cùng vụ việc cũng xong. Mênh mông lời “cảm ơn cei Sara” bay tới, riêng tôi thì phờ phạc người.
Lingik tathik! Đúng là chuyện cười ra nước mắt…

Vừa bước qua tháng 7-2017 là vụ Hầm Mỹ Chakleng. Lại đi, lại nói…
Rồi 1,5 + 2,4 triệu m3 rác thải công nghiệp đổ xuống biển Tuy Phong nữa.
5 tháng 5 vụ, hỏi còn sinh lực đâu cho tưởng tượng bay bổng, cho sáng tạo thâm hậu? Còn thời gian nào cho nhà văn đầu tư thai nghén tác phẩm chiều sâu?
Nhà văn luôn bị ma sát giữa hoài vọng nghệ thuật và cái đen đúa của đời thực.
Chi tiết nhỏ trong diễn từ Nobel của Albert Camus ám tôi mãi: “Nếu Racine sống vào năm 1957, có lẽ ông sẽ tạ lỗi vì đã viết tác phẩm để đời Bérénice, thay vì chiến đấu bảo vệ đạo dụ đảm bảo tự do tín ngưỡng cho dân đạo Protestantisme”.
Ám ảnh, bởi nó làm sáng rõ sự mâu thuẫn và ma sát kia trong mỗi văn nghệ sĩ.

Và còn phải tìm sinh nhai nữa chứ.
Ôi, ước chi nhà văn đừng phải kiếm sống!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *