CHAKLENG: HÀNH TRÌNH VỀ PHÍA ĐẸP, PHÍA TIẾN BỘ

06: CHUYỆN 3 NĂM THÀNH LỆ & CÁC ĐIỂM MỜ
[Nếu ta chưa thể – bằng công sức, của cải, hay tài năng – làm đẹp làng, thì ta chớ góp phần làm xấu làng].

1. Thơ & văn xuôi
“Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa”.
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

“Sông Lu 2 có công dụng: tưới, tiêu, bồi phù sa, cung cấp nguồn thức ăn cho nửa con dân huyện Ninh Phước, cạnh đó luôn gây lũ lụt làm thiệt hại mùa màng. Năm 1981, UBND Thuận Hải quyết biến Sông Lu 2 thành sông tiêu, nhiệm vụ thoát nước là chính. 580.000 công lao động dùng cuốc xẻng “phá” sông. Từ Banơk Tanông ở làng Hamu Ram La Chữ (tên Việt là Đập Tề Nông) đổ xuống tận cửa biển gần địa phận phía sau làng An Thạnh.
Mùa lũ, nước chảy xuống thẳng băng một lèo, qua hai ngày sau là cạn lại như cũ. Từ đó các chi lưu Sông Lu chết dần” (Trích đoạn “Huyền thoại Chakleng”).

2. Và Sông Lu trở thành… vấn đề.
Các con sông: Tang Lamưy, Krōng Likūk, Krōng Mưkưg… rồi mương Ribōng Pa-ōk, Ribōng Dhōng, Ribōng Kanu, Ribōng Lah, Ribōng Karāng (Rảng); rồi Danao, Binơk, Bira… biến mất. Cho nương, rẫy, chòi, nhà cửa mọc lên. Mạnh ai nấy lấp, trồng, làm, dựng… cực kì tùy tiện. Không cấm cản được. Do ta thiếu quy hoạch ở tầm vĩ mô.
Nói chi Chakleng, tầm thành phố như Sài Gòn hay cỡ quốc gia đại sự cũng hệt, sau 75 là chủ nghĩa tùy tiện phát huy!
3 năm thành lệ. Có thu hồi lại được không? – Không thể!
Đau nhất – như phản hồi của Thạch Nhân – chính là Hamu Mưbhōk. Bblāng Kadāng nằm sát miệt Đông làng đẹp kinh hồn: Một bãi trống rộng đến 20ha trông ngút mắt. Một bãi cạn mà chỗ sâu nhất chưa tới cằm bé trai, đến mùa là lũ cò với đủ loại chim dồn về kiếm mồi. Lạ, đây lại vùng nước lợ kéo dài đến Hamu Car Canāng. Có thể thời xa xưa Bblāng Kadāng chính là bãi biển mà ông bà nuôi Pô Klōng Girai đi mò cua phát hiện bé gái khóc trong paraboh ia tathik (bọt nước biển) mà lượm về nuôi.

3. 1 + 2 điểm mờ
– Các nhánh Sông Lu cùng bãi bờ của nó và Bblāng Kadāng là tài sản Chakleng, vậy mà hôm nay còn gì? – Không còn gì cả! Có thể thay đổi được không? – Tuyệt đối không. Ba năm thành lệ, mà nay đã qua 3-40 năm rồi là gì. Giá mà khi Sông Lu “chết”, Bblāng Kadāng thành vô dụng, ta quy hoạch cắt bán cho dân, thu tiền làm quỹ công ích thì tuyệt biết bao!
– Còn gì nữa? Lối mòn xe trâu đi từ Bal Cōng Chung Mỹ về palei cùng là con suối chảy xuống Ribōng Karāng (Rảng) đổ vào Krōng Likūk, hiện nay gần như bị lấp hoàn toàn. Vụ này ảnh hưởng nặng đến khâu thoát nước của khu vực dân cư mới phía nam palei. Hơn 3 năm rồi, có thành lệ không? Làm sao giải quyết?
– Tận mút phía Rẫy Bà Mua – được xem là ranh giới phía Nam cuối cùng của Chakleng, vừa mọc lên 2 nấm mộ người Việt, dễ làm mồi cho nấm mộ khác. Ai cho phép? Lẽ nào ta cứ mặc đấy, cho Cơk Mưrōng palei nguy cơ trở thành khu nghĩa trang? Ai lo, và bao giờ?

Kết. Hầm Mỹ đẹp, có thể thành Di tích của làng, – may, chúng ta đã làm ngay; nếu không thì khó sửa chữa. Riêng hai điểm mờ trên, Chakleng có suy nghĩ gì?
Chúng ta: BQL Thôn + Hội Người cao tuổi + Trí thức, làm gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *