THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 74

74. Tôi: may mắn & bất hạnh-01
[to Suhas Warde, Amuchandra Luu, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Jaka, và “những người đàn ông” của tôi]

1. Xuất thân, tôi là kẻ may mắn.
Ông nội tôi cấp Paxeh, con của Pô Dhya đất Chakleng. Ông chết oan bởi Việt minh, khi mẹ tôi mới 20 tuổi. Dù tôi không học ở ông chữ K nào, nhưng tôi được truyền dòng máu Bà-la-môn từ ông.
Ông ngoại tôi thầy cao đạo, tác giả trường ca Ariya Ridêh Apui khá nổi tiếng. Thuở bé, tôi gần gũi ông; và chính nhờ ông ngoại, tôi thuộc lòng thi phẩm sâu thẳm và khó hiểu nhất trong truyền thống văn chương Cham, khi tôi còn chưa cắp sách tới trường: Ariya Glang Anak.
Tôi cho rằng đó là ân huệ lớn mà Pô Yang đã ban tặng cho tôi ngay khi tôi mở mắt chào đời.

May mắn, khi ngay từ tấm bé, tôi có “những người đàn ông” láng diềng tuyệt chiêu, để được hít thở trong không khí đầy ắp chữ nghĩa.
Bước chân vào nhà trường, tôi may mắn. Tôi có thầy Quảng Đại Hồng, thầy Huỳnh Ngọc Sắng vỡ lòng thơ ca thuở tiểu học; Trung học – tôi có thầy Đàng Năng Quạ, thầy Nguyễn Văn Tỷ, thầy Thành Phú Bá, thầy Lưu Quang Sang dạy tôi ý thức cộng đồng cùng trách nhiệm xã hội. Là những ông thầy tôi ngưỡng mộ, theo nghĩa đẹp nhất của từ.

2. Dẫu sao, tôi là kẻ bất hạnh. Bất hạnh trong thẳm sâu ý thức, và từ đỉnh cao của nỗi hướng vọng tìm cầu.
Tôi không có bậc chân sư để có thể sống “dưới chơn thầy” trọn vẹn.
Bậc đại sư như nhân vật Guru trong truyện cổ Cham kia, một truyện cổ ám ảnh tôi hơn nửa đời hư vẫn chưa nguôi ngoai [xem phụ lục].
Truyện không cho ta biết Guru kia đã truyền cho môn đệ điều gì, mà môn đệ đã phải “rũ bỏ” tất cả để đi theo, sao đó quyết ở lại cùng thầy; và chỉ khi bậc chân sư “đuổi đi”, ông mới chịu làm nghi lễ trở về nhà samāvartana.
Tôi đã bất hạnh. Đúng hơn, định mệnh Cham đẩy tôi rơi vào niềm bất hạnh mênh mông đó.

3. Cha tôi là người có chữ, nhưng cha cực lành tính và ít nói: một nông dân thuần thành; còn những ông thầy tôi đều xu hướng xã hội.
Đâu là tư tưởng và tâm linh?
15 tuổi, tuổi tìm học, tôi đành phải lang thang lần mò tìm về chân trời khác.
Ở đây vừa bước chân ra ngõ, tôi đã may mắn. Ôi, nếu người đầu tiên tôi gặp là Marx, đời tôi sẽ ra sao! Nhưng không. Cơ duyên cho tôi gặp Đức Phật.
Rồi từ nhà Phật, tôi lần đến ngôi đền Vivekananda [đại biểu Bà-la-môn], sau đó là lâu đài Heidegger [đại biểu Tây phương].
Tấm ảnh đầu tiên, duy nhất và cuối cùng thời tuổi trẻ tôi treo trước bàn viết chính là Vivekananda choàng tấm vải, chống thẳng cây trượng, kiêu hãnh nhìn về thẳm xa. Sát na và vĩnh cửu! Sau một tháng, tôi gỡ bỏ: tôi biết mình không có “thần tượng”.
Và tôi chọn Đức Phật-Vievekananda-Heidegger làm Đại Sư của đời mình.

4. Nền tảng cho tồn tại của một Dân tộc, là: Ngôn ngữ và Tôn giáo.
May mắn cho Cham: ta có chữ viết sớm, có nền văn chương [đựng chứa ngôn ngữ] phong nhiêu; hôm nay nó đang rơi rụng.
Bất hạnh cho Cham: ta có tôn giáo Ahiêr-Awal độc đáo vô song; từ mấy thế kỉ qua, Kinh đã mất [hay không có?] từ đó nền móng nó dần dần rã mục, và đang mục rã nhanh hơn bao giờ.
Bất hạnh lớn nhất cho mỗi sinh linh Cham: hắn không có được một Đạo Sư đúng nghĩa để nhận Lễ thụ giáo upanāyana.
Buồn không? Và làm gì?

____________

Phụ lục. Truyện cổ “Đi tìm học bán vợ”.

Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai mười hai tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nảy ý định đi tu. ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bà-la-môn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:
– Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.
Không chần chừ, – người nông dân bảo:
– Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.
– Ta không có trâu để cày.
– Con có cặp trâu đã thuần.
– Ta cũng không có người chăn trâu.
– Con có đứa con trai khỏe mạnh, – người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.
– Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.
– Con nguyện lo cho guru.
– Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.
– Nhà ngươi có vợ chứ? – vị sư hỏi sau một hồi im lặng.
Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.
Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bà-la-môn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.
Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bà-la-môn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:
– Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lí Bà-la-môn.
Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:
– Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.
Nửa năm sau, vị sư nói:
– Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.
Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:
– Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.
– Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.
– Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.
Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.

5. Vào đời, tôi còn may mắn hơn nữa.
Chỉ tính riêng con đường chữ nghĩa, may mắn luôn có mặt kịp thời.
Tập thơ đầu tay Tháp Nắng 1996 đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Nghiên cứu đầu tay Văn học Cham khái luận 1994: Giải thưởng CHCPI, Sorbonne – Pháp. Dịch thuật đầu tay Trường ca Cham, 1995: Giải thưởng Quốc hội.
Rồi Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh về nghiên cứu, và mới nhất: Giải Văn đoàn Độc lập về phê bình.

Tất cả chúng đủ để ta có quyền kiêu ngạo chưa? Hay cả khi ta sở đắc những thứ to cồ hơn thế nữa? – Không!
Con của loài người không có đất gối đầu, – Phúc Âm kêu lên. Tiếng kêu làm ta toát mồ hôi lạnh.
Tiền – tiếng – tình không phải là thứ cho ta gối đầu, nếu có, đấy là cái gối giả tạo, hư ngụy.
Ta muôn đời bất an, bất an khiến ta hết cầu Phật đến kêu Chúa, ta tìm cúng hết chùa này đến tháp nọ…

6. Tôi là kẻ may mắn. Trải qua ba cơ quan, tôi chưa bao giờ phải làm đơn xin việc.
Tôi không có của cải để giữ, cũng chưa hề có cái ghế để mà lo thủ;
Tôi không vai vế để phải gánh trách nhiệm, trách nhiệm là tôi tự ban cho tôi;
Tôi không là Đảng viên để bị lo kiểm điểm, tôi phản tỉnh và tự kiểm trong mỗi phút giây sống.
Tôi chưa hề lo về tiền bạc: tôi từng nhận nhiều và đã cho đi cũng lắm.
Ông ngoại [cha của cha] tôi sinh bốn đứa con trai; cha tôi sinh bốn đứa con trai; tôi sinh bốn đứa con trai…
Năm nay ở ngưỡng 60…
“… sau khi đã sinh những đứa con trai theo luật thánh, đã dâng hiến lễ vật theo khả năng của mình, hắn có thể hướng toàn tâm toàn trí để đạt đến giải thoát tối hậu” [having begat sons according to the sacred law, and having offered sacrifices according to his ability, he may direct his mind to (the attainment of) final liberation – The Laws of Manu, VI.36].
Hắn đã có đủ.

7. Hắn đã hướng, là con đường duy nhất hắn chọn. Tại sao hắn vẫn chưa “… thoát khỏi phiền muộn và sợ hãi” [free from sorrow and fear – VI.32]?
Hắn vẫn cứ nghe bất an, bất an từ thẳm sâu hồn hắn, lay động hắn dữ dội.
Bởi, dẫu sao đi nữa hắn đang sống trên mảnh đất sinh ra hắn; chứ bà con, anh chị em hắn sống “xa làng khác tên gọi” (atah palei karei angan) thì sao?
Hắn vẫn có Thāng Mưgīk, Đền, Tháp – dù “nó là của hắn mà như không thuộc về hắn” [thơ Inrasara] – để hướng về; chứ dân Do Thái từng mất hết thì sao?

Tôi đã có đủ, tôi mãi nghe bất an…
Tại sao? Bởi tôi biết tôi bất hạnh. Thừa ngôn ngữ, nhưng tôi lại thiếu đi cái cốt tủy nhất: trang KINH làm thứ gối đầu.

7. Tôi là đứa con của Đất, sống và viết giữa hai dòng văn hóa Champa-Đại Việt, Đông phương và Tây phương, nghiên cứu – sáng tác – phê bình.
Là nhà văn viết ở đường biên: chính thống và phi chính thống, trong và ngoài nước, thiểu số và đa số, vùng sâu vùng xa và trung tâm văn hóa lớn, Nam và Bắc, tiếng Cham và tiếng Việt.
Tôi sự sự vô ngại, dù quanh tôi đang tồn tại mênh mông nỗi phân biệt đối xử…

8. Hãy để cho tôi làm Sứ giả cho nỗi Vô hình còn chưa có tên gọi.
“… hãy để cho hắn kiên trì chịu đựng những thử thách cam go, thân thiện với tất cả, bằng tinh thần tự chủ và tâm hồn hào phóng, và từ bi đối với tất cả sinh thể trên thế gian [let him be patient of hardships, friendly (towards all), of collected mind, and compassionate towards all living creatures – The Laws of Manu, VI.8].

hãy để cho hắn lang thang trong niềm im lặng tuyệt đối, và không quan tâm đến niềm lạc thú có thể được ban tặng cho mình [let him wander about absolutely silent, and caring nothing for enjoyments that may be offered (to him) – VI.41].

Hãy mãi mãi để cho hắn lang thang cô độc, không bạn đồng hành; và để đạt tới giải thoát tối hậu, hắn hiểu rằng ẩn sĩ cô đơn là kẻ không bỏ rơi ai và cũng không bị ai bỏ rơi [Let him always wander alone, without any companion, in order to attain (final liberation), fully understanding that the solitary (man, who) neither forsakes nor is forsaken, gains his end – VI.42].

không ham chết, cũng không tham sống, hãy để cho hắn chờ đợi thời khắc của chính hắn [Let him not desire to die, let him not desire to live; let him wait for (his appointed) time – VI.45].

cởi bỏ mọi tội lỗi sau lưng và vươn tới Thực tại tuyệt đối [shakes off sin here below and reaches the highest Brahman – VI.85].

9. Từ miền đất vô tận tài nguyên Veda-Upanishad, hãy để tôi kết nối những mảnh vỡ văn minh Champa, kết nối tàn dư văn hóa Cham lẩn khuất trong sinh hoạt đời thường của bao sinh linh Cham đang sống quanh tôi, để làm nên trang KINH cho Cham.
Cho những thế hệ đi tới. Rời bỏ và cắt đứt vĩnh viễn niềm bất hạnh mà tôi [và các sinh linh Cham thế hệ tôi] từng chịu đựng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *