Bá Văn Trinh: CHUYỆN CỦA 40 NĂM

Dĩ vãng thoáng trở về
Bây giờ là tháng 12
Lá xanh xưa không trở lại với cành
Hãy mĩm cười che đón tay thưa…

Hành trình của lớp tôi
– Cốc! Cốc! Cốc!
– Mời vào
– Xin bác sĩ xem hồ sơ bệnh án của tôi.
Lần thứ 2 trở lại bệnh viện Chợ Rẫy để tái khám. Hôm nay, lòng Huy cảm thấy nao nao như sắp có một tin vui đến với mình.
Một lát sau, bác sĩ Lương lại thân thiện hỏi:
– Anh là người Chăm phải không?
Huy trả lời:
– Dạ vâng, thưa bác sĩ có việc gì không?
Bác sĩ Lương tiếp:
– Dạ không có gì nhưng … anh là người Chăm ở Phan Rang, chắc anh có quen biết thầy Trinh, thầy của tôi ngày xưa, lúc tôi còn học trung học, thầy là thầy chủ nhiệm lớp 6/1 của tôi.
– Vâng, tôi biết chứ. Thầy có nhiều lần đến nơi tôi học, đi kiểm tra, coi chấm thi, có đôi lần nói chuyện vui với thầy. Hơn nữa, con của thầy cũng là bạn thân của tôi hiện nay đấy!
– Chắc anh có số điện thoại của thầy?
– Tôi sẽ giúp bác sĩ kết nối được với thầy ạ!
– Vâng bây giờ luôn, bác sĩ đợi một lát.
– Được rồi. 091985xxxx là số điện thoại của thầy Trinh.
– Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội nói chuyện, bày tỏ lòng tri ân thầy, những 40 năm xa cách nhau rồi đấy!
– Và đây là kết quả khám của anh, tôi ghi đầy đủ trong toa rồi đấy!
Ngay ngày hôm đó, bác sĩ Lượng gọi điện cho tôi:
– Dạ thưa đây có phải là thầy Trinh không ạ!
– Vâng tôi đây!
– Dạ em là Lương, lớp 6/1 Trường Tân Sơn, hồi ấy thầy làm chủ nhiệm lớp em.
– À lâu quá rồi nhỉ! 40 năm, vâng 40 năm đã qua, thầy không nhớ hết đâu, nếu có thì chỉ còn mơ hồ trong ký ức mà thôi em ạ!
– Tốt rồi! Duyên kỳ ngộ ! Có nhiều kỉ niệm ở đó, chúng ta sẽ thường xuyên liên hệ với nhau em nhé!
– Dạ! Dạ ! Em cảm ơn thầy! Chào thầy!
Tôi mừng như được món quà đặc biệt mà tạo hóa đã sinh ra và luôn luôn giúp đỡ ta, để ta luôn luôn yêu cuộc sống này, tôi không còn cảm thấy đơn độc nữa, dẫu chẳng bao lâu nữa tôi sẽ về hưu.
Một buổi sáng trên đất Sài thành, tôi vội vàng xuống phố như một định mệnh tôi nghĩ ngay: “Tôi đi tìm một em học trò cũ”.
Vào bệnh viện, tôi gọi ngay cho bác sĩ Lương.
– Dạ! Em đây.
– Thầy đang ở cầu thang dưới lầu.
Tôi chờ, có nhiều y bác sĩ ra vào hối hả với công việc của họ.
Một lát sau, một người mặc blouse trắng, đeo kính trắng đến gần.
– À! Em là Lương, em còn nhớ đến thầy, thầy không nhớ em đâu! 40 năm rồi mà!
Hai người kéo nhau ra công viên bệnh viện ngồi, cùng hồi tưởng lại những năm 1976 – 1977 rất thiếu thốn mà rất giàu có tình thầy trò.
– Nhớ các em thì nhiều nhưng không nhớ hết tên, nhắc lên mới nhớ được ít bạn. Vinh (Lớp trưởng) Mỹ Liên, Ngọc, Vui, Tỉnh, Nguyễn Hạ thì rất vô tư lự.
Tôi bàng hoàng như trong giấc mơ. Sao mình có nhiều bạn thế! Bất chợt nhớ tới thơ của Inrasara:
Tạ ơn các em ơn nghĩa tràn đầy
Tạ ơn hoa đã cho ta nguồn nhụy!
Em và tôi sẽ còn gặp nhau, cùng nhịp bước với hành trình của lớp.
Vài tháng sau, tôi liên lạc được với nhiều em nữa (các em của lớp tôi chủ nhiệm năm ấy). Các em học trò cũ của tôi vẫn lễ phép, ngoan ngoãn và nay đã thành đạt. Tôi lại được dịp đến họp mặt với lớp 6/1 của tôi, được tặng quà, nhận quà kỉ niệm. Đêm đêm, tôi thường nhắn tin, thăm hỏi động viên lớp tôi như bạn thân, con cái gia đình mình và hồi âm được lan tỏa trên khắp các vùng miền của đất nước.
Tôi và lớp tôi, bạn tôi luôn thắp cho nhau lửa tình yêu, chia sẻ mặn nồng.
Với tôi, đấy là tình thương yêu sâu sắc, tình nghĩa thầy trò. Tôi lại khởi đầu một hành trình, hành trình đến với tha nhân.

… Mùa thu năm ấy
Mùa học 1977 – 1978, tôi lên trường mới có các lớp 6, 7, 8, cách nơi tôi đang dạy 20 cây số. Đường khó đi, chỉ đi bộ và xe đạp, thỉnh thoảng leo dốc, xuống đồi. Chốc chốc lại phải qua khe suối, ở giữa là cánh đồng trồng mì (sắn), không có nước và cũng ít ai trồng lúa nước như ở quê tôi.
Tôi thầm nghĩ: cuộc sống cơ cực thế này, làm sao có học sinh đi học? Nhưng, … một lát sau, 5 em, 10 em … lô nhô đi ra từ những đám sắn xanh mượt, đầu đội mũ xệch như đoàn quân sắp ra trận.
Các em chào tôi.
– Chào thầy ạ!
Tôi vào lớp với lòng háo hức đầy sức trẻ của tôi, tôi nghĩ làm sao để các em đủ sách để học như các em ở thị trấn La Gi.
Sau buổi họp hội đồng giáo viên vùng sâu thẳm này, trong “khoản khắc vàng”, tôi vào phòng để sách. Rất may cho tôi là nơi đó có nhiều sách! Nhưng không ai quan tâm đưa sách cho học sinh đọc và học. Lúc đó, tôi đâu biết các em hầu hết đều hiếu học, ham đọc sách, quí sách như quí cơm vậy!
Lớp trưởng đã làm xong nhiệm vụ điểm danh và nói:
– Thưa thầy cho phát sách.
– Không còn nhiều nữa.
– Này Ngọc, em và 3 bạn nữa đi nhẹ nhàng qua Phòng thư viện nói với thầy Hào cho lớp mình nhận sách, hôm trước thầy đã sắp xếp đủ 42 quyển sách cho lớp mình rồi đấy.
Bé Ngọc tưởng như mình đang mơ.
– Sao mình được thầy quan tâm đến thế! Lần lượt 42 quyển sách đến tay các em như một phần thưởng diệu kì.
Lớp tôi làm chủ nhiệm có phong trào Văn nghệ, Báo tường, Lao động nhất trường, tôi tự hào và nhận được nhiều sự động viên của nhà trường và địa phương lúc ấy. Cuối năm học, tôi tình cờ đọc trên thân cây bạch đàn cổ thụ cạnh lớp tôi. Tôi cũng nhận được bức thư dài 4 trang giấy học trò, nét chữ nghiêng cùng giấy trắng đã bỏ quên 40 năm. Mãi đến ngày họp lớp, 20/5/2015, tôi mới nhớ lại đó là thư của người tôi đã từng thương mến.
Sẽ chẳng có nơi nào khác trong đời dạy học của tôi như thế! Mỗi khi nhắc đến Sơn Mỹ, lòng tôi se lại. Thầy cô, bạn bè, … với những hoài niệm khó quên trong đời.
Này N. có nhớ mùa phượng nở
Ngày tháng qua như chim hót trên cành
Chùm thơ ngây yêu cùng với lớp
Mãi hồn xưa tự chắp cánh bay lên.

… Dấu chân hoài niệm

Những lời yêu thương chào đón ngọt ngào
Từ bàn tay thơm lỡ dấu trong khăn…
Tôi nhớ phút giây ấy trong hành trình tiếp nối của tôi và các em, tại nơi tôi có nhiều kỉ niệm sâu sắc với lớp.
Thầy lại về cùng với các em
Tuổi xế chiều lòng còn ấp ủ
Đôi câu dân ca với vài giọng hát
Mãi với đời cùng hoài niệm 40 năm
Tôi hiểu rằng gieo mầm yêu thương, nay hái quả ngọt ngào từ cuộc sống. Tôi nghiệm ra rằng nghề dạy học là nghề có nhiều bạn bè nhất. Biết hi sinh, tha thứ không chưa đủ, hời hợt một chút thôi cũng đủ quá thừa. Tôi nhớ lại kí ức mà anh Năm, người anh, người thầy tuy không dạy chữ nhưng đã để lại cho thế hệ sau một tài sản vô giá, tài sản lịch sử dân tộc, vốn đã mất nhiều giấy bút nhưng chưa ghi được dấu son lịch sử văn minh mà chính tổ tiên đã để lại cho họ. Mỗi người bạn của chúng ta đều có khả năng chuyển đổi quá khứ u buồn thành niềm vui thực sự cho chính mình hôm nay. Tôi học được những điều này do cuộc sống mách bảo.

… Kí ức về những ngày họp mặt
Tôi còn nhớ mãi sự cố Y2K năm 2000 của cả địa cầu và sau đó cứ vào đợt Tết dương lịch, chúng tôi tự nhận là Gia đình Cựu Sinh viên Sư phạm Sắc tộc tại Ninh Thuận, cùng nhau hàn huyên tâm sự, tuy chưa được đông đủ lắm nhưng cũng đã sưởi ấm được lòng nhau sau 40 năm nhiều biến cố từ khi tuổi đời còn trẻ.
Khởi đầu từ một bạn quen có có khách sạn Trang Hà – quán ăn Bông Giấy – hai lần đến khách sạn Hoàn Cầu, đến gia đình các bạn Ngọc – Lạng, Tín – Trinh, Chiêu – Sáng – Mạch và nhất là các bạn Tày, Nùng ở Đà Lạt – Đức Trọng. Thuần, Tùng, Hữu, Chi, Hải, v.v… đều để lại những dấu chân ơn nghĩa.
Ngày mới lại tiếp nối ngày mới. Ngày 11-7-2015, một ngày sắp sửa kỉ niệm 42 năm (1973 – 2015). 40 anh chị em cựu sinh viên của 5 tỉnh, thành phố tề tựu về khách sạn Công đoàn Đà Lạt, chúng tôi được dịp lục lại kí ức, lại kể cho nhau nghe những bản tình ca đầy ắp của sinh viên thời chiến, cố nhớ ra nào Giảng đường, Sinh viên vụ, Khu thể thao, Câu lạc bộ sinh viên, Nữ kí túc xá … lại có dịp kết nối với bạn bè xa xứ luôn nhớ về chúng tôi, một thời để yêu, một thời khát khao hòa bình.
40 năm lại trở về
Với người bạn cũ nặng thề năm xưa
Mái trường Đại học cùng đưa
Chuyến xe lữ khách đi tìm Trường Sơn
Còn nữa và còn nữa những trang lưu bút, những bản tình ca, những hình ảnh âu yếm ngày còn là sinh viên, đến bây giờ lúc nào cũng theo chúng tôi như sống chung một nhà.
… Lại về. Ôi! Vijaya…
Ôi! Vijaya …
Ra đời vào thế kỷ thứ X vàng son và sụp đổ năm 1471. Không. Năm 1833 mới đúng, mới là sự thật.
Không nhỏ bé mà thành phố Qui Nhơn hiện nay trở thành trung tâm phát triển và hội nhập thuộc miền Trung gió cát nhưng có gỗ trầm tỏa hương, còn nhiều bí ẩn, linh thiêng, … Bạn nhỏ của tôi đưa tôi đến đó.
Đền Tháp Chăm xưa, nay tôi phải đi, phải đến và cùng mặc niệm với đồng loại.
Thời gian tàn phá, con người dựng xây một quần thể lâu đài với gạch chín, phù điêu được chạm khắc qua mô hình lá cây, không còn cô độc như Mĩ Sơn, ẩn trong đó là hồn Chăm vừa e lệ vừa khoe mình như đang vươn tới AngKor.
Trích “Hồn trôi” của Chế Lan Viên trong tập thơ “Điêu tàn”:
Cô em ơi! đằng xa cây toả bóng
Sao cô không ngồi đợi giấc mơ nồng?
Đến chi đây, cho thân cô rung động
Lớp hồn tôi êm rải khắp trời trong?
. . . . . . . . . . . . . .
Cô bảo: Hồn có hay không trở lại
Một khi trôi vào giữa giấc mơ cuồng?
– Có, cô ơi, hồn tôi rồi trở lại
Với lòng điên, ý chết, với tình thương

Tôi đến lặn về như định mệnh. Định mệnh với Vijaya.
Ôi! Vijaya…

Tôi đi góp nhặt màu thương nhớ
Để hái mang về một ý thơ
Hư thực ở đời trên ánh mắt
Và kết duyên tình lại với xuân …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *