Nguyễn: Amasaty đã viết giới thiệu thơ Chế Mỹ Lan kém cỏi như thế nào?

Vài lời của BBT

Đây là phản hồi của Nguyễn, độc giả quen thuộc của Inrasara.com. Như mọi lần, nếu ý kiến dài và có vấn đề cần trao đổi, tôi dùng làm entry. Một tác giả mới và có tinh thần cống hiến như Chế Mỹ Lan nhận được ý kiến khích lệ thì hay hơn. Ở đây là ý kiến trái chiều. Thể hiện tinh thần tôn trọng độc giả, BBT web quyết định đăng lên để mọi người cùng nhận xét. Chế Mỹ Lan là người từng trải, hi vọng bạn thơ sẽ tiếp nhận phản biện này một cách tích cực, để cẩn trọng hơn trong các tác phẩm kế tiếp.

Tôi cũng muốn nói lời xin lỗi đến bạn đọc Nguyễn rằng, do tập trung bài vở cho buổi Ra mắt tập thơ Kiều Maily, nên đã khá chậm trễ đăng bài này.

Inrasara.

*

Tập thơ Dấu chân về nguồn, do Thanh niên mới cho ra lò vào quý II năm 2013. Hôm hội thảo ở Trung tâm Unesco, tôi đi một lát rồi về. Tôi nhận được tập thơ. Đọc qua một lần, rồi đọc lần thứ hai. Xin lỗi cô Chế Mỹ Lan, dù có quý tinh thần dân tộc của cô đến đâu, tôi cũng xin nói thật.

Nhìn thấy bìa cũng chán rồi. Loại chữ in tên tập thơ quê mùa chết đi được. Chả khác mấy chú bác tôi ở câu lạc bộ phường xã ở quê. Trình bày cũng chán nốt. Tôi cố gắng đọc, xem cô có tiến bộ không. Không thấy chút tiến bộ nào. Tập Em & màu mây qua tháp (Văn học, 2008) còn hồn nhiên nên thơ có sức sống. Tập này thì cô cương quá, nên mất đi hồn nhiên của hồn thơ. Thôi thì “kệ”, thơ dở Việt Nam đầy ra…

Điều tôi muốn nhấn mạnh trong “phản hồi” này là tại sao nhân vật Amasaty ở đâu xuất hiện viết “giới thiệu” cho tập thơ? Amasaty là ai, không ai biết! Viết giới thiệu hay viết tựa là phải kẻ uy tín trong ngành, còn nhân vật này là ai thì nọ hiểu! Ví dụ ông Inrasara viết cho nhiều nhà thơ trẻ hoặc là chưa nổi tiếng, thì được. Rồi chính ông ta viết cho cô tập trước. (ông này kiêu ngạo, không chấp nhận ai viết cho mình). Hay ví dụ nhà thơ người Tày là Lương Định mời nhà ngôn ngữ nổi tiếng Cao Xuân Hạo viết tựa cho thơ mình. Vì ông này nổi tiếng nhà ngữ học hàng đầu, ông còn là dịch giả văn học rất uy tín. Đằng này…

Nhưng “kệ”, vô danh tiểu tốt viết cũng chả sao, nếu viết hay. Đằng này nhân vật đây viết dở tệ, dở và trật lất!

Dở chỗ nhân vật này dùng nhiều chữ rất nhà quê. Tôi thử đếm: “da diết”, “hồn thơ lai láng”, “trải lòng về quê hương”, “viên gạch rêu phong cổ kính”, “xa xôi mà không cách trở”… Mấy cụm chữ đó người ta dùng mòn từ hơn nửa thế kỷ trước rồi, dùng lại thì quê một cục. Tiếng Việt gọi là sáo ngữ, vậy mà nhân vật này tưởng chúng ghê lắm, nên lượm nhặt dùng lại. Viết quê vậy, bỗng dưng nhân vật này khen tưới là: “Một chất thơ nữa trong thơ Chế Mỹ Lan được biểu hiện một cách xuất sắc”. Xuất sắc! Trời đất quỷ thần ơi.

Câu khen trên ngô nghê ai cũng thấy. Còn câu sau, xin hỏi, có ai hiểu nổi nhân vật này viết cái quái quỷ gì không: “Nhìn thấy hào quang vật chất nơi đô hội nhưng da diết đằng sau những trăn trở, suy tư của người Chăm trong thân phận con người”. Văn què quặt, câu không ra câu, ý không ra ý. Hiểu chết liền!

Thế nhưng, dở cũng được, sáo cũng chả chết thằng Tây nào. Tệ là nó trật lất. Sai rõ nhất là nhân vật này không hiểu thơ (vậy mà liều lĩnh viết giới thiệu thơ). Không hiểu cả thuật ngữ thơ ca (vậy mà gồng mình làm oai khí). Nguyên văn đây: “không phải thơ lục bát mà là thể thơ tự do không câu nệ số từ trong câu, đa số là thơ tứ tuyệt không gieo vần”.

– Tập thơ có đến 6 bài là lục bát, vậy mà bảo “không phải”, là sao, hử?

– Cả tập chỉ có 1 bài đúng nghĩa thể tự do là bài “Kệ”. Còn mấy bài nhân vật này nhầm lẫn là thể thơ tự do, chỉ là Thơ Mới biến thể.

– Tôi thấy cả tập tuyệt đối không có thơ tứ tuyệt, vậy mà nhân vật này phán như thánh: “đa số là thơ tứ tuyệt). Nhân vật này hiểu tứ tuyệt thế nào đây!!!! ??? !!!

Một thuật ngữ văn học đơn giản đến học sinh lớp Bảy cũng hiểu chỉ một người không hiểu là Amasaty. Từ điển phổ thông định nghĩa rõ: “Tứ tuyệt: Thể thơ mỗi bài gồm bốn câu, mỗi câu có năm hay bảy âm tiết” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học). Cần phải khiêm tốn học là thế đó. Không học mà viết bừa viết ẩu, công an thổi còi có ngày.

Viết về văn học mà dùng thuật ngữ văn học sai tệ như thế, hỏi bài giới thiệu kia có còn chút giá trị nào không?

 

Ôi ông Phú Trạm ơi là ngài Inrasara! Ông cũng phải chịu trách nhiệm về vụ thảm hại này. Vì thơ văn là chuyện của ông, chuyện ông sành. Thơ văn của người Chăm càng là chuyện của ông. Ông không thể phó mặc cho bạn thơ Chế Mỹ Lan người Chăm yêu quý của ông để cho Amasaty nào đó làm chuyện trời ơi đất hỡi này được.

Hết còm!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/06/2013

(Tôi viết dài, ông Inrasara muốn đăng ở còm hay đăng vào bài chính cũng xong. Cám ơn ông).

 

18 thoughts on “Nguyễn: Amasaty đã viết giới thiệu thơ Chế Mỹ Lan kém cỏi như thế nào?

  1. Nhận định của ông Nguyễn quá tinh tế, thật lòng nên… không sợ mếch lòng. Chỉ trách Amasaty nhận định quá ngây ngô với thơ thẩn. Riêng tôi, tôi cũng thấy phần thiết kế, từ bìa đến cách dàn trang và phông chữ… chán chết m…

    • Thật tội nghiệp! Thời buổi này mà vẫn có người không hiểu nổi từ tinh tế có giá trị ntn, nên mới ban phát cho nhau một cách vô tội vạ như thế. Tinh tế cái nỗi gì ông Nguyễn giọng xấc láo í, có khác gì đâu một kẻ ra đường với mái tóc láng mướt, đôi giày bóng loáng, áo quần bảnh bao, và … một cái đầu trống rỗng! Bài viết này của Nguyễn cũng không khác gì phong cách đó của ông cả – bước ra đường để đi tìm kẻ có bề ngoài bóng loáng như mình mà thôi!!!

  2. Tâm lý con người ta là DỐT thì ưa nói chữ. Xin hỏi có bạn nào biết tay Amasaty này là ai không để tui mách ổng đi học thêm trường bổ túc văn hóa mới mở…

  3. Theo ý tôi ô Nguyễn hay bạn đọc K. không nên phê bình nữ sĩ CML làm gì. Ở Việt Nam thơ trung bình kiểu đó thì kể không hết. Lối trình bày thơ sến như vậy cũng đầy ra. Ở quê tôi có cả đống, chở một xe bò.
    Chỉ tội cho nữ sĩ này, rất là tội nghiệp vì vớ phải cái ông Amasaty nào đó “vừa dốt vừa ưa nói chữ” (Dang Phan).
    Dốt là: “Một thuật ngữ văn học đơn giản đến học sinh lớp Bảy cũng hiểu chỉ một người không hiểu là Amasaty
    Ưa nói chữ (rởm) là: “Mấy cụm chữ đó người ta dùng mòn từ hơn nửa thế kỷ trước rồi, dùng lại thì quê một cục. Tiếng Việt gọi là sáo ngữ, vậy mà nhân vật này tưởng chúng ghê lắm, nên lượm nhặt dùng lại.”
    Tội nghiệp, vô cùng tội nghiệp em gái tôi!!!

  4. Mình chưa luận gì về nội dung thơ của nữ thi sĩ CML bạn Janhoh Ka ạ! Vả lại, tập thơ đã ra và bán trước công chúng rồi tự nó sống cuộc sống của nó thôi – chuyện độc giả bỏ tiền mua về đọc và luận bàn là một chuyện đương nhiên. Những gì công khai cần lời phê bình công khai – không cấm được độc giả bạn ạ!

    Thân ái!

  5. Các bạn Chăm thân mến!
    Xin phép cho tôi nói cảm tưởng hơi dài.
    Tôi và nhà thơ Inrasara xa nhau 6 năm rồi mới gặp lại ở buổi Ra mắt thơ Kiều Maily. Trước đó quen nhau đến 3 năm mà tôi không biết anh là người Chăm. Hôm chủ nhật anh mời tôi, tôi dự mà đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Tôi nghĩ sao người Chăm lắm người tài giỏi thế. Không có ai phát biểu dở cả, tuyệt vời! Thế là hai ngày liền tôi đọc website của anh. Nói thật là tôi bị cuốn hút như nam châm. Đó là bất ngờ lần thứ hai.
    Ngạc nhiên hơn nữa là bất ngờ lần ba, khi vừa đọc bài của Nguyễn chiều nay. May quá, tôi sực nhớ hôm Ra mắt sách tôi được người không quen tặng thơ Chế Mỹ Lan, tôi mới tìm cái túi và lấy ra đọc. Thành thật mà nói, tôi không chút ấn tượng, nếu không nói là thất vọng. Thôi thì dăm người giỏi cũng có một người chưa giỏi.
    Nhưng đến khi đọc lời giới thiệu của Amasaty tôi mới ngẩng tò te. Kêu ông ta dốt thì hơi nặng, nhưng chắc là đúng. Tội hơn cả là ông ta viết rất tự tin. Phiền là vậy. Trong bài hỏng nhiều thứ, có thể nói là hỏng hết. Ví dụ ông ta viết câu này là hỏng cả hai:
    “Một chất thơ nữa trong thơ Chế Mỹ Lan được biểu hiện một cách xuất sắc”.
    Một là câu trên vô nghĩa. Không ai đi viết “một chất thơ nữa trong thơ…”. Phải sửa như sau mới đúng: “Một đề tài (hay một ý) nữa được CML biểu hiện một cách xuất sắc”.
    Hai là khen “xuất sắc” thơ của CML là nịnh. Nịnh rất vô lối. Nhiều nhà thơ được khen là khá thôi, đã mừng hết biết.
    Tôi hơi thất vọng, vì tôi tin ông Amasaty cũng là người Chăm. Thôi thì có lẽ đó là thành phần cá biệt. Tôi tự an ủi tôi vậy.
    Thân mến.

  6. Tôi không hiểu Đàng Trinh nói gì? Nếu chê chữ “tinh tế” thôi thì chính xác, nhưng ông nói lan man thêm là không đúng.
    Công bình mà nói, giọng ông Nguyễn có hơi “ác” nhưng ông nói quá đúng.
    – Ông Amasaty viết về văn học mà không có giọng văn: mấy cụm từ mà ông ta tưởng văn chương chỉ là sến và sáo. Dùng một, hai chữ trong một bài ngắn đã là quá đáng, đằng này ông ta dùng khắp 4 trang in.
    – Ông Amasaty viết về thơ mà chỉ diễn giải nội dung, rằng nhà thơ nói này nọ (thơ đâu phải chỉ có nội dung). Cho nên ông Nguyễn bảo không hiểu thơ là thế.
    – Đến khi bàn qua hình thức, thì ông Amasaty sai nhiều quá. Mọi người nêu ra rồi, tôi xin không nói lại.
    – Nhất là ông Amasaty viết 1 câu văn về văn học mà sai đến 3 thuật ngữ văn học thông dụng.
    – Ngoài ra, có đến 3-4 câu văn ngô nghê vô nghĩa.
    Ông Đàng Trinh nếu có bênh nhau thì hãy bẻ lại mấy điều mà ông Nguyễn chỉ ra đi, chớ đừng bênh vực khơi khơi.

    Ông Nguyễn hay có giọng nói xốc tôi không thích lắm, nhưng bài này ông viết quá chính xác. Tôi tôn trọng ông. Tôi cũng nhất trí việc nhà văn Inrasara đưa bài này thành vào mục bài viết.

  7. Bạn Jaya K nên dùng chữ “sắc sảo” mới đúng. Còn bạn Đàng Trinh nói đía qua chuyện khác là lạc đề. Tui là kẻ ngoại đạo văn chương nhưng thấy bạn Đàng Trinh không cãi ông Nguyễn được, thì tôi đoán ông Nguyễn đúng.
    Vậy tôi hỏi lẽ nào ông Amasaty viết sai mà không nói? Lẽ nào ta để sinh viên đọc mấy cái sai và dở đó? Thơ CML viết bằng tiếng Việt người Kinh còn đọc, họ đọc trước hết là “Tựa”, họ nghĩ thế nào về một ông viết Tựa cho tập thơ mà cẩu thả (tôi không dám dùng chữ dốt)?
    Ta phải cám ơn ông Nguyễn mới đúng. Có lẽ ông là người Việt, ông đã chỉ ra cho các bạn Chăm biết, chỉ ra cho tui biết nữa.

  8. Tôi biết nhân vật này là ai rồi.
    1/- Năm ngoái nhân vật này viết một câu rất tai tiếng: “Đ đã đào tạo các nhà văn Chăm”.
    Ông ta nịnh bợ Đ và được cái thì ai cũng biết rồi.
    2/- Nay nhân vật này nịnh bợ CML bằng cách tụng ca thơ “CML biểu hiện một cách xuất sắc” (thơ xuất sắc thì vô cùng hiếm hoi).
    Ông ta nịnh bợ CML để được cái gì thì ai đoán ra sao thì tùy.
    3/- Tôi còn biết 1 thứ nịnh bợ nữa. Nhưng thôi. Miễn!

  9. Bài giới thiệu của Amasaty về tập thơ Dấu chân về nguồn của Chế Mỹ Lan sơ hở thế nào, bạn đọc Nguyễn đã chỉ ra quá rõ rồi. Bạn đọc Jaya Mrai cũng đã tổng kết và nói thêm. Cho nên, nếu không có ý gì mới, chúng ta nên ngưng ở đây. Nói thêm e sẽ lạc đề và động đến đời tư người khác.
    Thuk siam!

  10. Uôn karun Sara đã cho ngưng phần phê bình thơ CML ở đây. Mình thú thật ko mấy hứng thú với thơ và thẩn, và cũng ko thuộc lấy một bài thơ, nhưng thơ của CML đối với mình nó rất hay vì trong đó mình tìm thấy hồn Chăm, phong tục Chăm, văn hóa Chăm và hơi hướng Chăm.
    Nhớ ỡ những năm 98, 99 mình đã nghẹn ngào khi lần đầu tiên biết được Katê là gì qua những bài thơ về Katê, bài viết về văn hóa Chăm, con người Chăm của CML trên Chamyouth.com. Hai anh em chưa gặp mặt nhau nhưng xem như đã biết nhau từ lâu lắm. Lại càng quí mến em hơn khi biết em tính tình thật thà, cương trực. Thương em hơn qua những cuộc trao đổi, những toan tính, những âu lo chung cho Chăm.
    Thú thật mình rất đau lòng thấy các bạn Chăm và không Chăm lên mạng Inrasara phê bình, chê bai thơ của CML. Họ có lẽ cố ý phê phán anh chàng Amasaty nào đó nhưng lại vô tình (và cũng có thể là cố tình) lôi theo thơ của CML. Thơ của cô em tôi có dở thật, có cải lương thật, nhưng đó là từ trong tâm mà phát ra. Không che đậy, không tô vẽ cho bóng láng, cho có vẽ trí thức hay văn chương. Thích thì mua đọc. Còn ko thì thôi. Chứ đừng lên trên mạng ra vẻ ta đây phê bình mấy bài thơ dở ẹt này. Để dành mấy ông Chăm nhà quê tôi đọc với nhau được rồi. Thiếu gì thứ khác ở cái xứ Việt Nam này để dùng ngòi bút mà công kích. Đừng ở không mà làm chuyện dở hơi này. Vài hàng gởi bạn đọc.
    Lần đầu tiên mình thấy Sara suy nghĩ không đúng mấy, khi cho phép đăng bài viết của ông Nguyễn lên đây. Vừa vạch áo cho thiên hạ xem lưng vừa làm tổn thương một đứa em đáng quí.
    YC

  11. Bác INRA đóng rồi, nhưng bác YC còn được bàn, vậy cho tôi còm thêm cái này nữa, rồi nghỉ bác nhé.
    Bác YC mới đúng có một nửa thôi. Ai chê thơ chị CML là không nên. Đúng lắm, bác INRA cũng nói ý đó rồi. Bác ấy đăng là do tôn trọng độc giả Nguyễn. Bác INRA lâu nay thế, bài chê bác ấy bác ấy còn cho lên mà.
    Mà bài của Nguyễn là tập trung vào Amasaty thôi. Ông này viết DỐT thì cần chấn chỉnh. Ông viết ở đâu thì không sao, nhưng ông ta viết “giới thiệu” in ngay trang đầu tập thơ chị CML, mà thơ này được tặng nhiều cho sinh viên. Cần chấn chỉnh kịp thời là đúng. Cho nên có người nói cám ơn Nguyễn là lý do đó.
    Bác INRA cho hiện còm nhé. Karun bác.

  12. Người Yêu Tagalau viết:
    Thưa nữ sĩ Chế Mỹ Lan và anh YC.
    Vừa qua có người đọc Face thấy CML than phiền về bài này. Tôi cho là nữ sĩ không đúng. Tôi yêu Inrasara, tôi cũng quý CML. Ở bài này đa số người chê trách ông Amasaty chớ ít ai chê thơ CML. Vậy nữ sĩ than phiền như vậy là không cần. Theo tôi, đáng lẽ nữ sĩ phải cảm ơn họ. Có ai to tiếng hay dùng chữ bẩn với nữ sĩ đâu.
    Riêng tôi chê CML tại sao chọn ông Amasaty rất yếu kém về văn học viết giới thiệu cho mình.
    Còn anh YC trách là “lần đầu tiên thấy Inrasara quyết định sai” khi đưa bài của ông Nguyễn lên. Tôi cho là ngược lại, Inrasara đã rất là đúng đắn, dũng cảm và công bằng.
    – Công bằng là chứng tỏ Inrasara không theo phe nhóm.
    – Dũng cảm là dù Inrasara yêu quý CML, nhưng vẫn quyết định đưa lên để cảnh giác sự cẩu thả và vô trách nhiệm của ông Amasaty.
    Từ đó làm gương cho người khác.
    Inrasara chưa lên tiếng chính thức, nhưng Người Yêu Tagalau rất mong nữ sĩ và YC hiểu cho.

  13. Ông Inrasara cho phép tôi nói thêm điều ngoài lề nhé.
    Tôi không nói về lý (chuyên môn) mà nói về tình. Lý thì ông Amasaty nào đó sai không ai cãi được rồi. Nhưng xét về tình, nhóm Champaka tấn công CML ghê thế, nhưng có lẽ CML không đau bằng ông Inrasara đăng bài tôi viết.
    Vì sao? Vì CML nghĩ tại sao ông Inrasara phe ta lại chống mình!? Kẹt là thế.
    Ông Inrasara kẹt, vì tôi biết ông ta yêu quý CML, đăng bài “chống” CML trên web mình thì… kẹt cho ông. Ông phải nghĩ lung lắm mới đăng, chớ không vì lý do tập trung cho thơ chị nào đó, như ông ta kiếm cớ đâu.
    Ông không đăng cũng kẹt! Là ông kẹt ý kiến độc giả của web ông trong đó có tôi. Không đăng là ông bất công với độc giả. Mà tôi biết ông Inrasara luôn có thái độ công bằng, cả với các nhà văn Việt Nam. Cho nên ông mới có uy tín, mới sở hữu thứ quyền lực mềm.
    Nhưng các bạn Chăm ít chú ý, tôi đặt đầu đề là “Amasaty đã giới thiệu thơ CML kém cỏi như thế nào?”, nghĩa là tôi chê ông này chớ, có chê CML đâu là lấy làm điều. Hay CML bênh ông Ama này? Nếu CML cho tôi nói sai, thì cãi lại tôi đi.
    Ông Inrasara không lên tiếng, là do ông… kẹt thôi. Tôi thông cảm cho ông, và không bắt ép ông nữa.

    * Viết thêm: Thiết nghĩ, tại sao CML không mời Trà Vigia, Jalau Anưk, hay Tuệ Nguyên (toàn kẻ tài hoa) viết, mà mời ông Amasaty? Ông này vừa vô danh tiểu tốt, vừa không hiểu tí tí văn chương, và nhất là viết văn quá kém.

  14. Nguyễn đã đạt được ý nguyện của mình 50% rồi đó. Hãy cố lên nhé Nguyễn. Tôi biết ông là ai đấy. Lối viết của ông cũng hay thật, nếu cho ông Comment thêm chắc ông sẽ móc thêm chuyện khác vào và càng gây sốc thêm.
    Trân trọng

  15. Nhà thơ Inrasara muốn khép lại bài này vì ngại lọt ra lề là chính xác. Từ đầu, tôi đã nghĩ rằng, muốn nhìn nhận tròn trịa hơn về bài viết này thì phải đi bên lề cơ, nhưng nghe Nhà thơ bảo khép, nên tôi tôn trọng điều đó. Nay lại thấy chính tác giả bài viết đi lọt ra xa ngoài lề, vậy tôi mong Nhà thơ Inrasara mở lại đôi chút để bạn đọc cùng trao đổi rồi hãy khép.
    – Điểm thứ nhất, tại sao tôi nói phải đi bên lề mới nhìn nhận tròn trịa hơn về bài viết ?
    Như còm trên tôi đã nói, mà một số bạn không hiểu ý. Nếu nói về nội dung cuả bài viết không thôi thì mọi người đều thấy ông Nguyễn đã phản ánh đúng, đa số đọc giả khác và chính tôi cũng không phản bác điều đó (tất nhiên không phải là ông Ng đúng hoàn toàn). Điều tôi muốn nói ở đây là cái giọng điệu phê bình cái sai của người khác, mô típ giọng của ông Nguyễn không bao giờ thay đổi nếu xâu chuỗi lại các còm của Nguyễn trong web này. Tôi đã nói rằng ông Nguyễn giọng xấc láo là vì lẽ đó. Ông Nguyễn phê bình ông Amasaty nào đó viết ‘trật lất’ hoặc ‘không hiểu thơ’ bằng những dẫn chứng cụ thể thì không đến nỗi nào. Nhưng các bạn hãy xem giọng ông Nguyễn buông thả: Xuất sắc! Trời đất quỷ thần ơi y như các bà chê cá ươn ngoài chợ không bằng (các bạn đừng rời khỏi tâm thế mình đang đọc phê bình Lời tựa của một tác phẩm mà cảm). Những từ khác ông Nguyễn đã dùng: ’quê một cục’, ‘cái quái quỷ gì’, ‘văn què quặt’, ‘hiểu chết liền’… Những từ này tôi nghe quen quen đâu đó nơi đàn đúm ngoài đường thì phải, chứ trong phê bình văn chương thì chưa từng nghe chưa từng thấy! Vậy mà cũng có người khen “tinh” với “tế” đấy.
    Chưa dừng lại ở những lời lẽ trên, các bạn hãy xem ông Nguyễn đang “thăng hoa” hất hàm hỏi “hử?” ông Amasaty mới buồn cười làm sao. Hỏi Nguyễn chứ ông “hử?” kiểu này làm sao mà bác Amasaty thấy được 6 bài lục bát trong tập thơ “”hử?”” ông Nguyễn? Tưởng thăng hoa đến thế là cùng, đằng này ông Nguyễn còn lôi cả công an vào cuộc: Không học mà viết bừa viết ẩu, công an thổi còi có ngày. Các bạn có thấy ông Nguyễn này quá đáng không!
    Phê bình cái sai thì cũng có nhiều cách của nó, mỗi cách nó có tác dụng rõ ràng với người sai, không khéo thì sẽ có hiệu ứng ngược (chưa kể có thể lụy đến người khác ngoài đối tượng mình muốn nói). Không phải hễ cứ thấy mình đúng là cứ tấn công dồn dập, nói cho bỏ ghét, nói để người khác không còn ngửa mặt lên mà tiếp thu được. Vì ông Nguyễn không có tâm ý xây dựng nên mặc dù ông Ng có trăm phần đúng thì tôi cũng không khen hay cảm ơn ông Nguyễn là vậy. Vì cảm ơn ông khác gì tặng một cây súng cho con Cọp.

    – Điểm thứ hai (xin lỗi, nghỉ ăn cơm trưa tí rồi còm tiếp)

  16. Thông báo của BBT
    Đề nghị bạn đọc không viết còm vào mục này nữa, tôi sắp có bài viết giải minh chuyện này.
    Thân mến
    Inrasara

  17. BBT: Bạn đọc này có ý mới, nên tôi chấp nhận đăng, dù là đề tài đã cũ.

    Tôi chưa có dịp theo dõi đề tài này, nhà thơ Inrasara cho phép tôi nói đôi điều. Có 3 điều:
    Một là, đây là đề tài nhỏ nhưng thành lớn. Tôi đọc thấy 1 bài báo Mỹ hôm qua vừa viết là ông Tổng biên tập tạp chí nọ giữ nguyên tắc về điểm sách là không chê tác phẩm đầu tay, nếu tác phẩm đó dở quá thì bỏ qua. Tổng biên tập có tâm mới làm được như vậy.
    Về phần này, nhà thơ Inrasara rất có tâm với tác phẩm đầu tay cũng CML: đăng liên tục thơ CML cả tháng liền, sau đó đăng 3 bài viết ca ngợi là chính. Đó là cách khích lệ tác giả trẻ.

    Hai là, 2 tập thơ theo tôi chất lượng (tôi không bình luận hay, dở) như nhau. Nhà thơ Inrasara đã bỏ qua không viết ngợi khen mà chỉ giới thiệu vài dòng như đã giới thiệu tác phẩm bình thường khác. Theo tôi như thế là được rồi.

    Ba là, chỉ khi ông Nguyễn đọc thấy lời giới thiệu quá dở, ông này mới viết phê bình. Ông này viết phê bình Amasaty chớ không phải phê bình CML. Ý này chưa ai nói: nhà thơ Inrasara đăng là để NGẦM cảnh giác cô CML rằng, hãy coi chừng, trò chơi văn chương rất khó lường. Đừng vì ưu ái lần đầu mà làm tới, cô em ạ.
    Theo tôi một nhà phê bình từng trải như Inrasara mới dạy khéo đàn em như vậy.
    Chúc đoàn kết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *