Văn chương & Tư tưởng II-02

VỀ THƠ THẾ SỰ CHĂM
Xin trích đoan để kính tặng các bác Cham drei khoái mấy màn tố cáo nhau mấy năm qua.


Dòng thơ thế sự bắt đầu với Ariya Glơng Anak xuất hiện vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, khi đoàn quân hùng mạnh của Tây Sơn vượt qua đất nhỏ hẹp của vương quốc Champa để thanh toán nốt ổ kháng chiến cuối cùng của quân nhà Nguyễn; phát triển mạnh trong và sau biến cố Lê Văn Khôi – biến cố có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ cơ cấu xã hội Chăm; và nở rộ vào cuối thế kỉ XIX – thời xã hội Chăm từng bước đi vào ổn định, dân tộc Chăm chấp nhận và tự thích ứng với một định phận mới.
Đây là dòng văn học phát triển phong phú và đa dạng hơn cả; dù việc sưu tầm – nghiên cứu văn học Chăm chưa được xúc tiến mạnh, nên khó ước lượng số tác phẩm thuộc dòng thế sự sáng tác vào giai đoạn này. Đến nay, người viết chỉ thu thập được mười bốn đầu sách (với các dị bản khác nhau), tạm thời được phân thành ba dòng như sau:
– Dòng dân tộc: Ariya Glơng Anak, Ariya Ppo Cơng, Ariya Ppo Parơng.
– Dòng chiến tranh: Ariya Twơn Phauw, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Kalin Nưsak Asaih.
– Dòng thế thái nhân tình: Pauh Catwai, Hatai Paran, Ar Bingu, Dauh Tơy Lơy.
Dĩ nhiên lối phân loại này ít nhiều có tính gượng ép, vì mỗi tác phẩm thuộc dòng thơ thế sự đều mang nặng tính giáo dục, và ít nhiều có chất sấm kí mà cái nền của nó luôn luôn là cái thực trạng bi đát của xã hội Chăm đương thời.
Nước đã mất:

Tơl thun gihluw abih ginrơh
Bhum siam harơh klak ka urang
Đến năm trầm đã hết thiêng(1)
Đất nước quê hương bỏ cho kẻ lạ.

Cảnh chết chóc xảy ra khắp xung quanh, hằng ngày, hằng giờ:

Mưtai lihik yuw apwei bbơng harơk di ralong
Chết như rừng cháy cỏ rừng khô

Người Chăm chết như rạ (mưtai yuw urang kruw), chết mỗi năm mỗi tăng (dak thun dak mưtai). Cái chết làm tan nhà, nát xóm:

Mưtai lo klak sang đih di glai
Adei calah di xa-ai, anưk calah di inư
Chết quá (họ) chạy bỏ nhà cửa lên rừng
Anh lạc em, con lạc mẹ

Từng đoàn người lũ lượt rời bỏ làng xóm lên rừng núi ẩn náu, đói khát, khổ sở. Người vượt đại dương sang Mã Lai, người băng hàng trăm dặm đường đi lánh nạn tận xứ Xiêm La, Cambốt xa xôi.

___________

(1) asal gihluw: dòng trầm, chỉ dòng dõi quý phái, dòng vua chúa Chăm.
____________________

Thời thế đảo lộn. Bọn xu thời sẵn sàng bán đứng dân tộc và văn hóa dân tộc mong cầu lợi, cầu danh:

Krung adat mưng muk kei
Kwơc nau ppablei lac o xanak
Đạo lí cha ông từ ngàn xưa
Hốt đi bán bảo là không thiêng nữa
.

Nhân tình đảo điên:

Ray ni đom pwơc o krưn ka mik wa
(Thế hệ) đời nay ăn nói kể chi người lớn tuổi
.

Xã hội chỉ gồm toàn của kiep (ếch), arauk (cóc), kra (khỉ), caguw (gấu)… (III.6.a) thừa nước đục thả câu, thả sức thao túng đám quần chúng khốn khổ. Trong khi đám đông bị cuốn trôi trong dòng thác của thời cuộc thì phần tử trí thức cảm thấy bất lực và cô đơn. Cả phần tử ưu tú này của xã hội Chăm cũng chịu sự phân hóa chung, phân hóa cả trong tư tưởng lẫn hành động. Có người chủ trương nối dậy, quyết đánh một trận danh dự cuối cùng (Twơn Phauw, Thak Wa… ), có kẻ lớn tiếng ngạo đời, chửi đời cho hả giận (Pauh Catwai). Nhưng cũng có kẻ bình tâm hơn, giữa mê hồn trận của lịch sử, quyết đi tìm một lối thoát khả dĩ vớt vát cái gì đó để còn được hi vọng vào ngày mai (Ariya Glơng Anak). Trí thức không còn im lặng và quay lưng với thời cuộc nữa mà đã tỏ thái độ. Muốn có được một hướng đi khả dĩ chấp nhận được, họ cố gắng đi tìm nguyên nhân lí giải cho cuộc đại khủng hoảng kia. Cái tham vọng bành trướng của các thế lực ngoại xâm được kêu lên trước nhất:

Tathik praung bhum mưda
Grơp abih ia jang khing mưrai
Đất đẹp giàu, biển mênh mông
Là miếng mồi cho người ngoài dòm ngó
Dơm bbơng dơm o trei
Cawak gơm drei kiem basei khing ka raung
Kiếm ăn tươi kiếm chẳng no
Lo cuốn cả ta mong nhai nát sắt
(2)
________________________________

(2) Thời Tây Sơn – Chúa Nguyễn phân tranh, nhất là vào thời Minh Mạng (1820-1840) dân tộc Chăm là một lực lượng đáng kể luôn bị hết thế lực này đến thế lực khác thao túng.
______________________

Kế đó là sự phân hóa, chia rẽ trầm trọng trong nội bộ dân tộc Chăm:

Sa ia min nưh Cam nưh Bini
Một nước thôi lại phân rẽ Chăm – Bàni

Lối đối xử vô đạo giữa con người với nhau:

Ai o krưn ka adei, mik o krưn lac kamwơn
Anh không nhìn nhận em, chú không nhìn nhận cháu

Và “siêu hình” hơn, phong tục tập quán dân tộc bị bỏ rơi nên thần Yang đã ra tay trừng phạt:

Lihik phwơl drơh yuw uni Ppo Nưbi plơk likuk
Thất đức như thế ni khiến Thánh thần ngoảnh mặt
.

Đặc biệt hơn là Xakawi (lịch Chăm), bị dùng một cách sai lệch giữa vùng Phan Rang – Phan Rí, giữa Chăm – Bàni và cả giữa Chăm ở hai làng khác, hai gru (thầy) khác. Xakawi bak nưgar (Xakawi khắp xứ) là vậy.

Ray ni anưk Bini anưk Cam
Pwơc karei harei mưlơm o laik saung gơp.
Đời nay cả Chăm lẫn Bàni.
Lịch tính sai, tháng ngày không hợp
.

Dù tác giả của Ariya Harei Mưlơm có lớn tiếng cảnh cáo rằng nếu ai dùng sai Xakawi thì sẽ bị tàn mạt cả dòng họ. Người Chăm dùng nó càng sai lệch hơn. Khốn khổ xiết bao!
Ngày nay chúng ta dễ lầm tưởng rằng cha ông chúng ta đã làm trầm trọng hóa vấn đề. Bởi mỗi chi tiết vặt vãnh thế kia mà hơn mươi tác giả đề cập đến. Có vị còn sáng tác cả một tập thơ diễn cách tính lịch (Ariya Klan Thu, Ariya Harei Mưlơm…) lưu lại cho thế hệ mai sau nữa. Ngớ ngẩn ư? Không! Vì chính chi tiết này đã nói lên đầy đủ thực trạng phân hóa trầm trọng của xã hội Chăm suốt cả hai thế kỉ nay.

Nhưng không phải vì thế mà tất cả đã trở nên tuyệt vọng. Chủ trương bạo lực đã phải chịu sự thất bại nặng nề. Không thể phó mặc cho cả dân tộc chịu sự đầu độc của thời cuộc. Dân tộc Chăm không thể là một con tốt trong bàn cờ chính trị cho một cá nhân hay một thế lực nào đó lợi dụng. Ariya Glơng Anak tin tưởng vào sự sống còn qua cơn sóng gió của định mệnh dân tộc. Pauh Catwai nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của nền văn hóa Champa. Có tác giả chú í đến việc lưu giữ phong tục tập quán truyền thống của tổ tiên. Và đặc biệt là mối đoàn kết dân tộc luôn được nêu cao hàng đầu. Đó là vài ngọn lửa yếu đuối được thắp lên trong đêm tối của định mệnh dân tộc.

Khik baik adat Cam drei
Bilan saung harei jang tơl pajơ
Cố giữ nhé, đạo cha ông
Sắp đến rồi kia ngày mai tươi sáng
.

(Inrasara, Trích đoạn Văn học Chăm khái luận, 1994)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *