NỔI TIẾNG LÀ GÌ, KHÔNG HIỂU!

Cuối năm ngoái, tám chuyện với một Cham có học, bất chợt ấy kêu: Anh Trạm nổi tiếng đến thế rồi, còn mong gì nữa.

Mèng, chả hiểu luôn! Lẽ nào mọi mọi tôi làm đều trông chờ sự nổi tiếng, nghĩa là được dư luận công nhận. Chớ họ không công nhận thì sao? Tôi buồn tôi chán tôi rời bỏ để lao vào việc khác dễ nổi tiếng hơn ư?

Về làm, có 3 loài: [1] Không thích, nhưng vẫn hì hục để kiếm tiền lo cho đời sống, [2] Làm, bởi lí tưởng hay để cầu tiếng (công và danh), và [3] Làm, vì yêu thích và nhất là – vui.

Tôi làm, và vui. Chớ không kêu to tát vì lí tưởng cao xa hay lo cho xã hội nghiêm trọng chi chi cả.

Yêu thơ, tôi làm thơ. Thích triết học, tôi đọc triết. Muốn các cây bút Cham có sân chơi, tôi bày trò Tagalau… và tôi vui.

Ngay cả mấy việc ngẫu nhĩ rơi vào tay ở giai đoạn nào đó của cuộc đời, tôi làm và vẫn nghe thích thú: Chích heo, bán quán tạp hóa, làm Từ điển…

Hết mình & tới cùng, và hiệu quả. Còn thành quả kia có mang lại tiền, tiếng, tình hay không, là vấn đề khác rồi. Thế nên tôi rất hay trích dẫn Hoelderlin:

“Giàu sang trong công danh, sự nghiệp

dẫu sao

con người sống một cách thơ mông trên mặt đất này…”

Và, dù nể trọng sự nghiệp và tính cách của Nguyễn Công Trứ tới đâu, tôi không khoái nổi “Không công danh thà nát với cỏ cây” của ông.

Về “tiếng”, ngay tuổi 20 tôi đã nhận mặt nó. Bài thơ “Đoản thi thứ hai dành cho con” [khi tôi còn chưa có con]:

“Con lừa đi tìm gánh nặng

nhà văn đi tìm tiếng tăm

thầy tu đi tìm Thượng đế

riêng con đến gặp cuộc đời”.

Sau đó ở tiểu thuyết Chân dung Cát-2006, tôi còn mang “nó” ra đùa nghịch:

“Thuman phán tiếp: Như các vua Champa mà tên tuổi khắc trên bia tháp hiện chỉ còn là những les ruines kia đã không trông rộng. Dấu vết nào bất kì luôn gắn với nền tảng rộng lớn hơn, chắc chắn hơn để mà tồn tại thời hạn khả thể trong cái vũ trụ mênh mông bất khả tư nghì kia. Đằng này các Indra, Jaya, Simha vân vân Varman, từ thứ nhất đến vô cực [ví mà lịch sử cúi xuống chiếu cố] chỉ chăm lo cho vụ khắc tên mình lên bia đá đem gắn chặt vào cái tháp [dẫu khá chắc chắn] được xây từ bòn rút của cải dân mà chả tẻo teo quan tâm đến cần thiết làm sao cho dân được no ấm trước tiên, đất nước được tồn tại sau đó, như là nền tảng của nền tảng là tháp kia tồn tại cho dấu vết là tên tuổi nhỏ bé khốn khổ của mình được ăn theo mà đọng lại.

Còn Jaklan? Hắn làm khoa học, ba chân tám cẳng chạy vạy ngược xuôi cho dấu vết mình được các chuyên gia tận thế giới nào xa xôi xoa đầu có nhiều cố gắng cứ như thế như thế thì rất tốt em ơi mà không hiểu rằng nếu phó mặc quần chúng gần gụi mãi bị mù và tái mù thì có khác gì thả cho đầu của sợi dây kia bị sút hay đứt đuôi con thằn lằn, hỏi còn gì cho cái tên tuổi Jaklan-dân Chakleng-sinh Đinh Dậu bám lấy mà kí sinh, dẫu ở bề đồng đại hay lịch đại?”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *