Tết giải trí-5. DÂN TỘC TÍNH, MẶC CẢM & GIẢI MẶC CẢM

Dân tộc tính là gì?

[1] Einstein cợt rằng, nếu thuyết tương đối của tôi được chứng minh, thì Đức bảo tôi là người Đức, còn dân Pháp khẳng định tôi là công dân thế giới. Bằng không, Pháp kêu tôi là tên Đức Quốc xã, còn người Đức thì nhất định tôi Do Thái.

Tôi có chuyện khác.

Người Đức [Freud chẳng hạn] nằm mơ thì đem giấc mơ ra phân tích – tổng hợp để dựng lên lâu đài triết học. Cham nằm mơ sáng dậy coi mình còn nợ nần gì với Yang không để còn lo trả nợ. Chớ người Việt liền giải giấc mơ rồi chạy ngay ra chợ đánh đề.

Cũng là dân tộc tính!

[2] Đọc phải tuyệt bút Đường luật của Đỗ Hoàng “Đại Việt chưa bao giờ nhục thế/ Dân Hời chủ tịch thơ nhà ta”, một bạn hỏi: Sara có mặc cảm không? Tôi nói, nhà kia mặc cảm nên ra nông nỗi ấy, chớ có liên quan gì đến Inrasara nhỉ?

Cũng liên quan đến Hời là chữ cực nhạy cảm, thuở trước các bạn Việt ưa mang ra chọc đồng môn Cham. Ở lớp 12 Nguyễn Trãi, khai lí lịch, tôi viết: Phú Trạm, dân tộc: Hời Nho-me, quốc tịch Việt Nam. Anh trưởng lớp mở to mắt: kì vậy mậy! Tôi kêu, thì lâu nay các bạn bảo thế, tôi khai thế mà.

Kiểu ấy thôi cũng giải mặc cảm, để từ đó không ai kêu tôi Hời nữa.

[3] Hồi làm ở Trung tâm Việt Nam-ĐNÁ thuộc Đại học Tổng hợp, ngồi bàn trà, một bạn dường từ nước ngoài về, hỏi tôi:

– Xin lỗi, trước anh học ở đâu nhỉ?

Anh chàng nghĩ tôi học đâu Đại học ngoài kia tiếng tăm lắm!

Bạn nữ bên kia bàn liền đá chân anh, nhưng không kịp rồi, tôi nói:

– Mình chả học hành ở đâu cả, Việt Nam cũng không luôn…

[4] Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc từ Úc ghé nhà tôi, sau buổi tám vui vẻ, anh ngạc nhiên kêu: Sara kể vụ có vợ hơn 9 tuổi với giọng khoái hoạt rất lạ.

Nữa, hôm thuyết trước 300 dân học thức cao tại Đồng Nai do Hội đồng Lí luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, tôi dành nửa thời gian cho trao đổi. Thế là cả mớ câu hỏi dồn tới, vài ông còn sanh tâm công phá tôi nữa [làm gì có chuyện nhà văn sắc tộc lên giảng cho mình nghe về văn chương chữ nghĩa Việt!]

Xong cuộc, các bạn đến bắt tay, nói với giọng nghe ái ngại cho tôi [bởi các vị khác không chơi đẹp như tôi, cứ giảng hết bài thì về], tôi nói:

– Sara khoái thế mà, càng bị dí tôi càng học được nhiều món, chả sướng sao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *