LÀM SAO ĐỂ TUỔI GIÀ CÓ Ý NGHĨA?

Ở buổi họp lớp, vài bạn học hỏi hiện Sara đang đâu? Tôi nói, từ tuổi 60 tôi không còn sở hữu gì cả, cũng không ở đâu cả – vô sở trú!

– Tội thế! – một bạn kêu lên. Tôi nói, không đâu, tôi chọn cô đơn cho suy tư và sáng tạo. Tôi là kẻ hạnh phúc nhất trần gian, và thêm:

– Như cái tên “phú trạm” vận vào mình, từ bé tôi đã như vậy. Chuyển dịch và cư ngụ nhiều nơi, cô đơn, mãi mãi cô đơn. Dù lúc này trên danh nghĩa, tôi đang “định” ở nhà cháu tại đất Chakleng, được cháu nấu cho ngày hai bữa, tôi vẫn “dịch” khắp nơi nếu muốn, nhất là khi nó làm cho tôi vui. Có vé, là tôi… đi, bất kì đâu, “phong phanh giữa trời đất”.

Hôm nay xin nói về tuổi “già”, và huyền nghĩa của tuổi già.

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Cham

có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?

nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó

dù chỉ còn dăm ba người

                  dù chỉ còn một người

                                    hay ngay cả chẳng còn ai.

(Tháp nắng-1996)

Già – cô đơn, ta sanh tâm ‘bbang rup bbang pabhap’ hành thân hoại thể, than trời trách người. Tội mình và tội lây cả con cháu với sinh linh xung quanh.

Già, ta chấp nhận tuổi già, tự đóng khung trong gia đình tìm niềm vui bên cháu chắt, chịu làm cô nuôi dạy trẻ cho đám con thời buổi bận rộn. Thỉnh thoảng gặp bạn già lai rai, cũng đủ lãng quên đời, không phải không hay.

Tôi thấy còn có cái già khác – hướng ngoại.

Già, hai ông anh họ tôi: Dương Tấn Ngọc và Quảng Đại Thính nhập cuộc đời sống làng xóm, góp tài hèn sức mọn còn tồn đọng nhằm cải tổ phong tục để làm đẹp quê nhà – cũng vui chán!

Già, nhạc sĩ Tantu – tác giả ca khúc “Ikak tian rong anưk nao baic” nổi tiếng, lần mò từng trang Từ điển Aymonier lượm nhặt các từ độc, không gì không ngoài học và tặng cho tôi làm Từ điển!  

Già, ông anh tôi Ysa Cosiem đang tận đất Hoa Kỳ, ngày qua ngày đánh vật với chữ và tiếng mẹ đẻ. Anh đăng nó lên facebook, để học và rủ rê mọi người cùng học. Cho dù “mọi người” kia “chỉ còn dăm ba người/ dù chỉ còn một người/ hay ngay cả chẳng còn ai”, anh vẫn cứ miệt mài.

Không nhằm ra oai ta giỏi ‘Akhar thrah’ hơn người, cũng chẳng phải để lãng quên tuổi già, mà là cái gì vi diệu hơn. Vừa níu kéo ngôn ngữ dân tộc đang tàn phai ở lại trần đời, qua đó làm nên ý nghĩa của tuổi già anh.

Không tuyệt sao!

Phần tôi, lạ không – chưa bao giờ thấy mình già cả!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *