Inrasara-TV-37. HÀNH TRÌNH ĐI TÌM MINH TRIẾT CHAM

[1. Cham có triết học không?, 2. Hành trình đi tìm Minh triết Cham của tôi, 3. Đâu là Minh triết Cham?]

Từ tuổi tìm học – tuổi 15, theo Khổng Tử, ba câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình:

1. Cham có triết học không? – triết học được hiểu như là tư duy có hệ thống.

Câu trả lời là không, bởi ta không thấy nó ở đâu. Tôi có video: “Ta không thấy nó không phải là nó không có”. Như văn học Cham, nhà dân tộc học nổi tiếng Pháp Paul Mus ở thập niên 1940 cho là không có gì đáng kể cả, 20 trang sách là cùng. Tôi nghĩ khác, để rồi sau 24 năm, tôi cho ra đời bộ Văn học Cham đồ sộ.

Còn triết học? Thế thuật ngữ ‘pacoh xakarai’ từ đâu mà ra? Thế hệ cha chú tôi, trong các lễ đám những người có chữ hay ‘pacoh xakarai’ “tranh luận triết học”, nghĩa là Cham có triết học, nhưng đã thất truyền.

Dù ở đó những người có chữ nghĩa chỉ là bộ phận ưu tú còn thừa lại sau trận sống sót, các cụ vẫn thích ‘pacoh xakarai’, và chỉ luận bàn về những mảnh vụn triết học ong bà xưa sót lại!

Tôi đi và tìm và thấy nó: ‘Haumkar’ là biểu tượng cho một triết lí sống, dù hôm nay triết lí đó gần như mất dấu vết trong tư duy Cham mà chỏi còn tồn tại mờ nhạt trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng.

Dẫu sao khi Cham thôi còn ‘pacoh xakarai’ nữa thì triết lí gần như không còn đất sống trong cộng đồng. Tôi tìm đến câu hỏi thứ hai: Minh triết.

2. Hành trình đi tìm Minh triết Cham

Trước hết cần làm rõ nghĩa “minh triết” là gì?

Đó là sự khôn sáng được tinh luyện qua lò thời gian nhuần nhị và vi tế đến không thể nhìn ra, như không khí; để mọi tầng lớp của cộng đồng đó có thể thở, ứng xử mỗi ngày; biết là nó có đó, nhưng vẫn khó gọi tên.

Minh triết khác triết học, không dành cho giới đặc tuyển, là vậy.

Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục – lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…

Khi đã minh định rõ như thế, sau bộ văn học Cham, tôi làm cuộc hành trình dài đi tìm… Để 20 năm sau cho ra đời ấn phẩn đầu tiên do Nhà xuất bản Tri Thức in năm 2016. Sách được tái bản và in nối bản 3 lần để 7 năm sau, ở lần in thứ tư, năm 2023, nó ra hình hài như thế này.

252 trang, khổ 16x24cm, 80 ảnh minh họa, giá bìa: 180.000đồng.

Quý vị và các bạn có nhu cầu mua sách, xin chuyển tiền vào Tài khoản bên dưới. Như ở lời giới thiệu, “Minh triết Cham không chỉ dành cho giới nghiên cứu, mà cần thiết cho tất cả mọi người”. 

3. Đâu là Minh triết Cham?

Bằng cách đặt câu hỏi, tôi tìm ra Minh triết Cham.

– Như từ tiếng nói ngày thường của giới bình dân, bà mẹ Việt bên kia rào reo: Trời đất ơi, trong khi mẹ tôi la chị Hám: ‘Lingik tathik lơy’ “Trời biển ơi”, tôi truy ra văn hóa Biển của Cham. Từ đó mới lần tìm thấy Tinh thần phiêu lưu khai phá của Cham.

– Từ đặc ngữ Bhap ilimo trong thi phẩm Pauh Catwai, tôi đi tìm huyền nghĩa của tinh hoa văn hóa Cham. Đó là văn hóa đại chúng, văn hóa toàn dân bởi nó không dành cho giới đặc tuyển, mà cho toàn thể. Nó từ và là của và cho đại chúng.

– Nhiều tác phẩm cổ Cham hiếm khi đề cập sự căm thù, trong khi trường ca nổi tiếng và mang đậm tính nhân văn là Ariya Glang Anak thì từ ‘mưbai, janưk’ xuất hiện dày đặc. Nhà thơ nêu ra, cho mọi người hiểu biết, để giải trừ. Tôi thấy tinh thần giải sân hận Cham.

– Suốt dòng lịch sử, người Champa không chiếm đất không phải của mình, tôi đọc thấy và suy tư sâu. Tinh thần đất không ở đâu xa mà được thể hiện ngay trong lời ăn tiếng nói dân gian. Người Việt: “Nơi chôn nhau cắt rốn”, Cham: Nơi chôn nhau [và] đặt viên gạch [xây tháp] mới là đất Cham ‘Dar thok padok kiak’. Ngoài đất đó ra, Cham không chiếm, không ở.

– Tuổi mới lớn, tôi nghe đầy tai tiếng chì tiếng bấc của thế hệ trước rằng Kut là mê tín, là Cham bị lường gạt, là ý đồ muốn bó Cham ở lại với làng xóm… Tôi nghĩ khác, và thấy khác: Đây là “nghĩa trang” nhân bản nhất tôi được biết, xuất phát từ Tinh thần vô danh Cham.

– Cham học như thế nào? Tại sao truyện cố mang tên “Đi tìm học bán vợ”? Học, để làm gì?… tôi mới thấy sự học vô cùng độc đáo của Cham: tìm cầu tri thức, chứ không phải tiền bạc, của cái.

– Cạnh đó Cham có gia huấn ca Kabbôn Muk Thruh Palei dạy người nữ Cham làm giàu thế nào? Có mâu thuẫn không?

– Nữa, tại sao tôn giáo Bà-ni? Ở đó có chức sắc Bà-la-môn ‘Halau janưng Ahiêr’, chức sắc Bà-ni ‘Halau janưng Awal’ rồi cả chức sắc Bà-la-môn Bà-ni ‘Halau janưng Ahiêr Awal’ nữa là sao? Tôn giáo gì lạ thế? Và tôi nghiễm ra đây là tinh thần hóa giải và hòa giải có một không hai trong lịch sử tôn giáo nhân loại.  

Xin nêu lại 10 tinh thần cốt tủy của Minh triết Cham:

1. Tinh thần sử, do quan niệm về đất, Cham có tinh thần bất tranh

2. Tinh thần phiêu lưu gắn với Hải sử & văn hóa biển

3. Tinh thần sáng tạo, từ nghệ thuật Kiến trúc & điêu khắc cho đến ‘Akhar thrah’

4. Tinh thần học, học không cầu lợi

5. Tinh thần lễ hội: chơi

6. Tinh thần Hóa giải & Hòa giải của Đạo Bà-ni

7. Tinh thần Mẫu & 3 cột trụ làm nên nhân cách Cham

8. Tinh thần “biến” của Pauh Catwai

9. Tinh thần vô danh thể hiện qua Kut & Ghur

10. Tinh thần Damnưy: học biết cười

Sau cùng là tinh thần cốt tủy của cốt tủy, cao hơn triết học là nghệ thuật, mà tôi muốn định danh là “Nghệ thuật giải sân hận”.

Lược qua nhanh là vậy, còn để hiểu tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham, mới quý vị và các bạn đi thẳng vào thế giới MINH TRIẾT CHAM, nghiền ngẫm để hiểu.

Hiểu để cùng sống, làm việc và sáng tạo.

+

Bổ sung cho lần tái bản này, tôi thêm hai chương quan trọng, đó là:

Chương-II. Bà-ni, Tôn giáo dân tộc, hòa bình & nhân văn

Chương-III. Minh triết giữa đời thường

Sống dưới dấu hiệu Ariya Glơng Anak

1. Chấp nhận định phận

2. Giải sân hận

3. Hiểu biết: văn hóa dân tộc, người ngoài 

4. Lan tóa

5. Rộng lượng đồng tộc xung quanh

6. Hi vọng: ‘bal

7. Khởi đầu từ điều nhỏ nhất

8. Làm giàu

9. Tồn tại: ‘hu urang hu drei’ có mình có ta

+

Quý vị và các bạn có nhu cầu mua sách, xin chuyển tiền vào Tài khoản:

PHÚ TRẠM, Ngân hàng ACB – TP Hồ Chí Minh, Chi nhánh Cộng Hòa – STK: 2419319. Và cho biết địa chỉ, sách sẽ được gửi đến tận nơi, miễn phí gửi.

Số ĐT: 0913-745764.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *