Minh-triết-Cham-16-17. ĐÂU LÀ NIỀM HI VỌNG?

Ông Les mơ giấc mơ ĐẢO, nhưng giấc mơ kia đã làm lạc loài.

Hơn 150 năm trước, Ariya Glang Anak đã thấy khác và tìm niềm tin ở chỗ khác – không ngờ được. Gần cuối thi phẩm, ông viết:

Ngap bal di Mưlithit đa ka ra long

… Hajiơng ra ngap nưm di ngok tara

Paak akiêng takai kara di tưh thek lingal

Đất nước đã suy vong, nguy cơ mất còn còn miếng nào trong tay.

Dựng thủ đô ở bất kì đâu cũng không yên, thế nên hãy nghĩ cách khác: Thủ đô trên không trung, giữa hình Sao Cày. Đó là ngôi sao trẻ con Cham nào cũng có thể nhìn thấy mỗi tối về.

Nhìn thấy và tin, tin để mà hi vọng. Một ngày mai dù xa vời đến đâu, cũng cần thiết. Cho sống, làm việc và sáng tạo.

Không tuyệt vời sao?

Minh-triết-Cham-17. KHỞI ĐẦU TỪ CÁI NHỎ NHẤT

Là bậc Đạt nhân Quân tử – ông Glang Anak hoảng, nhưng không [bấn] loạn; ông sợ, mà không hèn.

Dơh tanan ưn ka’: Ngưng nơi đấy, nhịn đã.

Than vãn, không gì vô ích hơn:

Bbwah kar duix ruup min likei’: Trách oán thì tội mình thôi em.

Chửi rủa không giải quyết được gì:

Jôi pôic tui hatai’: Chớ chửi theo tâm sân hận.

Ông Glang Anak buồn nhưng không [buồn] phiền, buồn mà không [buồn] não, buồn chứ không [buồn] chán.

Trước hết, làm gì? Thành tâm ‘THAAT TIAK’ giải sân hận: ‘PALAI TUNG TIAN’.

Tiếp, làm thế nào? HIỂU, để TÌM HỖ TRỢ:

Kunal di tian đom bibiak uraang tanhi’: Nhớ nằm lòng, thuộc thực sự, [khi] người ta hỏi [để biết đàng trả lời]

Sau cùng là, MỞ HƯỚNG GIẢI QUYẾT, khiêm cung bắt đầu từ điều nhỏ bé nhất:

Ngap rideh paga waal roong kabao

Bilimưk khang di nao, pajiơng jađun thong hatam

Ppabơk banơk ppakôic riboong bidalam

Gan agha gan ram, tha prưn tha hatai

Hadang hajaan ia xwa lek mưrai

Li-ua hamu draak padai, li-ua apuh pala tangơi

Bloh pala njam paya thong plôi

Yah ơơk caang thrôi, bbang plôi thong daak

Đóng xe, dựng chuồng nuôi trâu

Cho thật béo mập để chở cọc với trụ

Đắp đập, khai nương cho thật sâu

Băng rừng băng sông, chung lòng chung sức

Đợi khi mùa mưa kịp xuống

Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy tỉa ngô

Rồi trồng bí đỏ với khổ qua

Ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chin

Đó là cơ sở của niềm HI VỌNG.

Sống dưới dấu hiệu Glang Anak “sous le signe de” Glang Anak, tôi đã hành xử thế nào? SUY NGHĨ LỚN: làm bộ Văn học Cham, tôi LÀM NHỎ – bắt đầu từ tuổi 14-15:

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

[những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua]

để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở

lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế.

(Tháp nắng, 1996)

+
Ví dụ, trước sự xâm hại mồ mả tổ tiên Ghur Raneh, hay hiểm họa Dự án Điện hạt nhân dành cho Cham, tôi đã:

– không chửi rủa rằng, “Yuon muốn tiêu diệt Cham”;

– không vô tư, “ta sao mình vậy”;

– không hoảng lên, để kéo cả gia đình vào thành phố.

Mà,

– thu thập nhiều nguồn thông tin, để HIỂU;

– lên tiếng đánh động dư luận, cả Cham, Việt lẫn nước ngoài;

– tìm tiếng nói hỗ trợ;

– cuối cùng là, đối thoại với người của chính quyền để cùng mở hướng giải quyết khả dĩ nhất. 

Được, thì VUI; không được cũng vui, vì dẫu sao tôi cũng đã hết mình với nó.

Không dám nhận mình đồng hạng Đạt nhân Quân tử với bậc tiền bối mà tôi nghĩ, mình xứng đáng là đồ đệ của Ông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *