Đường về Cham. CHAM, VIỆT NAM & THẾ GIỚI [trích]

Cuối cùng, một Cham ở tương lai cần nhập cuộc về hướng mở, và nâng tầm lên: Từ CHAM hòa đồng VIỆT NAM hội nhập THẾ GIỚI. Thế nào?

[1] Người ngoài nhìn Cham

Ý kiến của 2 sử gia Việt: Nguyễn Thành Khôi và Trần Trọng Kim: Các cụm từ được gán cho Cham xưa: “người đi biển”, “tên cướp biển” “hung hãn và gan dạ”, “hiếu chiến và độc ác”, “quậy phá”, “quấy nhiễu”…

– Hiểu, tôi dành 3 trang để giải minh.

[2] Cham tự nhìn mình

Ý kiến của 2 trí thức Cham: Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ: Cham ‘jhaak hatai’: xấu tâm, ‘lô kanjah hatai’: lòng dạ lắm nhỏ nhen. Nhà giáo Nguyễn Văn Tỷ: ‘jhaak hatai’, ‘chơơk karơơk’: dóc phách, thiếu khiêm tốn.

– Tôi có lối nhìn khác: “Đâu là đức tính tốt nhất của Cham? – ‘chơk’, còn tật xấu nhất, vẫn là ‘chơk’. ‘Chơk’ mang nghĩa kiêu hãnh, kiêu ngạo. ‘Chơk’ không căn cơ, không có gì mà ‘chơk’, là không biết ‘chơk’ – nghĩa là dóc, đẩy lên cấp độ thành ‘chơk karơk’: dóc phách vô lối.

[3] Biết, để minh giải Cham với thế giới

Kazuo Ishiguro nhà văn Anh gốc Nhật – Nobel 2017 cho rằng, đa số nhà văn Đông phương khuynh hướng giải thích mình đến với thế giới. Họ sợ thế giới không hiểu hay hiểu sai mình. Ông tự nhận, cả ông giai đoạn đầu cũng hệt.

Tôi cũng thế! Ở phần kết Văn học Cham khái luận-1994, tôi cho mình không ý định làm nhà nghiên cứu thuần túy, mà là kẻ sắm vai giúp thế giới bên ngoài hiểu Cham.

Tôi đã làm được gì?

Các công trình nghiên cứu: Bộ Văn học Cham, Những cuộc đi & cái NhàMinh triết Cham, nêu bật tinh thần văn hóa Cham. Còn các sáng tác, từ Tháp nắng đến Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chuyện người đời thường, là tụng ca đời sống và tâm hồn con người Cham. 

Trước đây, người Pháp, và phần nào Việt [vô tình, qua nghiên cứu của họ] giúp thế giới hiểu Cham qua các công trình lịch sử và kiến trúc – điêu khắc. Tôi muốn làm khác, không chỉ bổ sung và làm đầy sự hiểu kia, mà sâu thắm và lãng đãng hơn.

Kazuo Ishiguro tiếp: Lẽ nào một nhà văn Đông phương mãi làm công việc “khảo cổ” kia. Sau thời gian ngắn, ông rời bỏ “nghĩa vụ” giải thích phương Đông cho phương Tây, để hướng đến những câu hỏi mang tính phổ quát hơn về con người.

Đồng thanh đồng khí, không phải bắt chước ông [bởi tôi làm chuyện này khi còn chưa biết đến ông] – lần nữa, Inrasara cũng làm thế!

[4] Có Cham nào ý định hiểu Việt và thế giới chưa?

Chưa ai cả! Chúng ta chưa hiểu Việt, chưa hiểu các dân tộc thiểu số anh chị em trên đất nước này, chưa ý định hiểu thế giới ngoài kia, thì làm sao ta mong hiểu mình sâu hơn, toàn diện hơn? Chưa, chúng ta còn không ngạc nhiên về nỗi chưa ấy nữa!

Tôi có người quen, anh vừa in cuốn Lịch sử văn học Anh Quốc. Muốn làm được cuốn này, – anh nói, giọng khá cứng rằng, anh đã phải nghiễn ngẫm ba cuốn văn học sử Anh! Như thể đẻ sách từ sách ấy, vẫn là thứ F-2.

Muốn hiểu tâm hồn con người Việt, tôi đọc văn chương Việt, đọc sớm, đọc nhiều rất nhiều, nhất là đọc hệ thống.

Hết nửa đời hư, tôi nhìn thấy NÓ – ở phía ngoại vi. Ở phía ấy mới thể hiện chân thực, và đủ đầy. Không giấu giếm hay quanh co nói tránh, không cần ám chỉ với ẩn dụ kiểu tự kiểm duyệt.

Văn học ngoại vi là đâu? Văn học miền Nam trước 1975, Văn học Việt hải ngoại, các tác giả với tác phẩm in ngoài luồng, tác giả chưa là [hay không muốn vào] Hội Nhà văn Việt Nam, văn học dân tộc thiểu số, các cây bút vùng sâu vùng xa, văn học ngoài luồng, cả tác giả Việt viết bằng ngoại ngữ, vân vân.

Tất cả chúng bị phân biệt đối xử, không nhiều thì ít. Bị cấm, bị bóp méo, bị đẩy ra ngoài rìa, bị làm ngơ như thể không có, và gì nữa? Người đọc hoặc không biết đến, hoặc biết mơ hồ, lắm khi biết sai về chúng.

Không đếm xỉa tới chúng là thiệt thòi lớn cho độc giả, cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền. Hòa giải hòa hợp dân tộc trong văn học phải khởi từ suy nghĩ, thái độ và hành động thực lòng. Phân biệt đối xử với loại trừ, chúng ta mất, chứ chả được gì cả.

Tôi đọc chúng, đọc chính tác phẩm chứ không qua tay nhà nghiên cứu hay phê bình, ngoảnh lại cả văn học chính thống nữa – đương nhiên, để hiểu tâm hồn con người Việt. Tôi gom tất cả chúng lại, bày chúng ra để làm giàu sang nền văn học đất nước, và cả giới thiệu chúng với độc giả Việt Nam, và thế giới.

Còn thế giới?

Đâu là tâm thức chủ đạo toàn cầu? Sự chuyển dịch của ý hệ triết học, tôn giáo, chính trị, văn học nghệ thuật, ít ra ở vài trung tâm đang ảnh hưởng và thao túng tâm hồn và lối sống của nhân loại hôm nay. Ba khu vực văn hóa phương Đông: Ấn Độ, Trung Hoa, Hồi giáo; phương Tây như Pháp, Đức, Nga, Mỹ…

Đọc, không phải để viết về nó như một nhà nghiên cứu, mà cho suy tư.  

Suy tư để hiểu, hành và sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *