Inrasara-TV. Đối thoại Inrasara-3. GIẢI PHẢN ĐỘNG

30 năm nhập cuộc chữ nghĩa, tôi nhận được vô số phản hồi từ độc giả, nhà trí thức hay giới văn học. Đó là vinh dự lớn của nhà văn đồng thời là người hoạt động xã hội.

Tôi là người của công chúng, ở nhiều lĩnh vực. Nỗi ấy nhận dư luận đa chiều là không thể tránh. Tiếc rằng, ở đó quá nhiều sai trật lây lan tác hại đến sự việc chung. Nhất là khi chúng không dừng lại ở lời nói gió bay, mà xuất hiện ngay trong chữ nghĩa, ở các trang báo lớn chính thống lẫn phi chính thống.

Chúng cần được giải minh, giải tán, để đưa chúng trở về đúng địa chỉ ban đầu của chúng. 

Tôi thường nói, ngoài chuyện gia đình và tính cảm riêng tư, còn lại mọi vấn đề liên quan đến xã hội cộng đồng, tôi sẵn sàng đối thoại, song thoại – mặt đối mặt hay trên diễn đàn bất kì đâu. Đối mặt, hay diễn đàn thì chưa, hôm nay Youtube là cơ hội tốt. Ở đây có 2 điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, tôi chỉ giải minh các ý kiến có địa chỉ, nghĩa là “giấy trắng mực đen”. Thứ hai, các ý kiến có liên quan và tác hại đến bên thứ ba, cá nhân hay cộng đồng. Thế nên, ý kiến như:

“Inrasara ít nhất cũng phải chục tuổi Đảng” của bạn thơ Trầm Ngọc Lan hay cô giáo quen thân Hoàn Lương; hoặc Inrasara “mang nỗi mặc cảm của đồng bào thiểu số” của Nguyễn Đình Thiên Khôi, xin bỏ qua. Bởi cả hai chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi, nếu có.

30 năm quy về 10 nốt bổng:

1. Ý đồ chính trị chống Cham, 2. Chia rẽ tôn giáo Cham, 3. Ý đồ chính trị chống Việt Nam, 4. Có tính vọng ngoại, 5. Tham vọng chủ soái văn đàn, 6. Cho là cái gì Cham cũng nhất, 7. Inrasara coi thường độc giả ta, 8. Giải thưởng này nọ chỉ nhờ ưu ái, 9. Nịnh bợ để lên chức, 10. Bị phân biệt đối xử, và cuối cùng là 11. Inrasara dường có ý đồ phục quốc.

Tôi sử dụng 11 nốt trầm hóa giải. Xin tuần tự…

[1] Tôi có chống Cham hải ngoại như Champaka quy chụp không?

Inrasara thuộc nhóm “dựa trên thế lực chính trị Việt Nam… để bôi nhọ một số nhân vật Chăm ở nước ngoài. Inrasara dựa trên thế lực văn chương chính trị để tẩy chay một số hội đoàn Chăm… Để làm hài lòng đảng và nhà nước, Inrasara đứng lên kết tội một cách tuỳ tiện người Chăm là dân tộc ‘cục bộ, tính khí tiêu cực, không trung dung” (Bản tin Champaka 2- 2002).

Tôi không Đảng viên, không cán bộ Nhà nước, chữ nghĩa tôi không đề cập đến ĐCS, sao lại mang Đảng và Nhà nước vào đây? Rồi Inrasara “dựa vào thế lực chính trị Việt Nam” nữa!

Muốn chống tôi, các anh đẩy tôi về phía Đảng và Nhà nước, 7 năm sau, để chống tôi, Nguyễn Thành Thống lại đẩy tôi về phía các anh – lạ thế!

Còn tẩy chay hội đoàn Cham hải ngoại, ở thời điểm năm 2002 tôi còn không biết Cham hải ngoại có hội đoàn nào, bây giờ cũng hệt luôn. Ở đó rất nhiều bạn bè, anh chị em và người thân của tôi. Hội đoàn Cham tên gì, gồm những ai, tôn chỉ thế nào – không biết. Ai lại đi chống cái mình không biết!?

[2] Văn Ngọc Sáng cho tôi kích động gây chia rẽ tôn giáo Cham, có thật không?

Inrasara kích động chia rẽ tôn giáo” (Văn Ngọc Sáng, Kauthara, 4-2021).

Một kẻ gây chia rẽ tôn giáo mà, mỗi khi ở cộng đồng Cham có chuyện, các chức sắc nhờ đến, là sao? 30 vụ lớn nhỏ, cả Cham Ahiêr lẫn Awal (Bà-la-môn lẫn Bà-ni), trong đó đa phần thành công. Là việc bà con Cham đều biết, chớ có ai biết tiến sĩ Sáng ở đâu mô.

Tôi có phân biệt đối xử với Islam không?

Phân tích lịch sử là tìm sự thật, qua đó khai mở cho vấn đề của hiện tại, là ý tưởng từ tâm sáng. Thời còn Champa, Ấn Độ giáo và Islam đã xung đột sống còn mang tính ý thức hệ đến vương quốc lẫn lòng người tanh bành. Phật, Lão, Khổng bên Đại Việt có bị vậy đâu! Sau 1960 lần nữa ta lại bị như xưa. Đó là sự thật rất đau lòng cho những ai ưu tư về thân phận dân tộc.

Nhận chân sự thật đó, tôi đặt câu hỏi: Vậy làm thế nào để 3 tôn giáo Cham: Bà-la-môn, Bà-ni và Islam sống hòa bình? Một bài học LỚN không đáng phải học sao?

Cham là vậy, Việt thì sao?

[3] Tôi có mang ý đồ trả thù, ước mơ chính trị chống Việt Nam như giáo sư Mai Quốc Liên hay nhà thơ Đông La tố không?

Tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này (…) thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy” (Vũ Hồng Ngự, tạp chí Hồn Việt, Mai Quốc Liên chủ biên, 12-2007).

– Tạp chí Hồn Việt nhân phê bình bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh, đã tạt qua tôi, chụp cái mũ chí nguy như thế đây. Trong khi tôi chưa hề có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ trên cả!

Hồn Việt của Mai Quốc Liên thì vậy, còn đây là nhà thơ Đông La:

Với tư tưởng như vậy, Inrasara đã khao khát trả thù qua bài thơ mang đích danh “Trả thù”. Inrasara nhân danh yêu dân tộc Chăm đã trở thành kẻ chống cộng thứ thiệt”  (Đông La, facebook ngày 27-10-2021: “Đơn trình bầy gởi TBT Nguyễn Phú Trọng”).

Bài thơ “Trả thù” trong trường ca Đánh Thức Lãng Quên, 8-2021 là độc thoại của Corona Virus, như là hệ quả do tâm ích kỉ của nhân loại đã khai thác cạn kiệt tự nhiên, Bà Mẹ Thiên Nhiên Mother Nature quay lại TRẢ THÙ để cảnh báo loài người.

Bài thơ thuộc giai độ địa cầu là thế, đơn giản đến học sinh Trung học Cơ sở đều hiểu một nghĩa, vậy mà Đông La đọc thành như vậy, mới… tài. 

[4] Nhà phê bình Bùi Công Thuấn thấy tôi có tính vọng ngoại, có hay không?

Tôi lại ngờ rằng Inrasara có tính vọng ngoại… Chủ nghĩa Hậu hiện đại từ bỏ những Đại tự sự, chủ trương đa nguyên văn hoá, điều này khó được chấp nhận ở Việt Nam” (Bùi Công Thuấn, Phongdiep.net, 4-2008).

– Nhà phê bình Bùi Công Thuấn lại nhân danh rồi, sao không nói tôi khó chấp nhận, mà phải viện đến… Việt Nam?

Hậu hiện đại là trào lưu lớn ảnh hưởng toàn cần, và không hạn định ở văn học, mà tất cả. Không phải mọi ý niệm hậu hiện đại tất cả đều hay, tốt, và cũng như mọi trào lưu khác, vẫn có nhiều hạn chế ở hậu hiện đại.

Trào lưu này qua đi, tôi rút được 3 điểm chính:

Tư tưởng phi tâm hóa. Phi tâm hóa không phải là hủy trung tâm mà là giải trung tâm. Nó đạp đổ mọi bức tường phân biệt đối xử các loại, để nhiều trung tâm nhỏ kia kể câu chuyện của chính mình.

Tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Có thể không hay chưa hiểu, nhưng tôn trọng. Chỉ khi nào làm được điều này, nhân loại mới hi vọng học biết tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình.

Hành động: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Bạn biết trái đất đang bị tàn phá, môi trường sống đang bị hủy diệt, bạn hiểu và hành động bằng cách trồng cây trong nhà bạn, khuyên bà con thôi vứt rác ra đường, không lên núi phá rừng… là bạn đã hậu hiện đại.

Viết nhiều về hậu hiện đại và xiển dương phong trào văn học này, tôi chưa bao giờ và không ở đâu cho hậu hiện đại tiến bộ hơn hiện đại, hay siêu thực thì cao hơn hiện thực, mà nhấn mạnh ở sự khác biệt. Chính những khác biệt đã làm phong phú tinh thần con người, đẩy nền văn minh nhân loại phát triển.

[5] Tôi có mang tham vọng làm chủ soái văn đàn không, như vài nhà văn suy diễn không?

Inrasara có lẽ đã cho mình là một trong vài nhà thơ tiên phong trong “cách tân, hiện đại hóa” của Việt Nam – có lẽ điều đó còn quá sớm – và không phải lúc” (Mang Viên Long, Vanchuongviet.org, 1-5-2008).

“… tôi có cảm giác anh đã đi quá xa khi muốn trở thành một chủ soái văn nghệ và lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh” (Nguyễn Thành Nhân, FB, 2014).

– Đây là các bạn văn định kiến, rồi cảm nhận và suy diễn thế, chứ tôi không dại gì kêu mình “chủ soái văn đàn” cả.

Ở cộng đồng nhỏ bé Cham, tổ trường biên soạn Từ điển Cham Việt là do anh chị em trong Ban ấy bầu lên. Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, hay Trưởng ban Lí luận Phê bình của Hội VHNT các DTTS Việt Nam là các bạn văn bầu, chớ tôi chưa từng ra ứng cử bao giờ.

Chủ trì Bàn tròn Văn chương, chủ trì Cà phê thứ Bảy Văn học về các chủ đề cộm là thiên hạ đề nghị, khi tôi nghỉ, mấy món nóng ấy tắt luôn!

[6] Inrasara có luôn cho Cham là nhất, như PQT quy chụp không?

Các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara… đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát, VÀ CỐ NHIÊN, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác” (“Đối thoại cùng Inrasara” đăng tạp chí Nhà văn, số 6, 2011).

– Khắp bài báo, Phạm Quang Trung luôn quy chụp rằng Inrasara cho cái gì của Cham cũng nhất. “Cố nhiên” là chữ ông suy diễn, chớ tôi có kêu Cham “nhất”, Cham “hơn hẳn” ai ở đâu bao giờ!

Tôi nói Cham có chữ viết bản địa sớm nhất Đông Nam Á, thế nên lối tư duy của Cham cũng khác: Từ tư duy phức hợp đến siêu hình, từ tư duy phản biện đến tư duy tư biện… Từ đó các nhà thơ trẻ Cham có lối suy nghĩ khác, lối viết khác và khác cả cách xuất hiện. 

Thêm, nhà thơ nữ trong buổi trao đổi riêng với tôi, sau Bàn tròn Văn chương ở Vũng Tàu 2015, bảo: “Em phản đối anh về câu anh bảo chỉ Cham mới có lục bát!”

– Sara có hô thế đâu, có thu âm mà! Tôi nói lâu nay nhiều người cho lục bát thuần Việt, là lầm to! Đó là tài sản chung Đông Nam Á, Cham cũng có thể thơ hệt lục bát, do cấu trúc ngôn ngữ khác nhau, lục bát phát triển ở mỗi dân tộc mỗi khác.

Bàn tròn Văn chương tôi nói, trong 54 dân tộc thiểu số Việt Nam, chỉ có Cham duy nhất làm được 21 kì đặc san là Tagalau. Bạn nhầm lộn giữa hai thứ rồi đó. Nhắc về Tagalau là tôi muốn kích các bạn văn DTTS khác làm đặc san cho dân tộc mình, nhất là các dân tộc có nhiều nhà văn như Tày, Thái…

[7] Inrasara có coi thường độc giả, như nhà thơ Anh Chi gán không?

Thưa nhà thơ Inrasarra, cháu tôi cùng một số bạn của cháu, đang học lớp 11, đã rất thích đọc qua bản dịch hoặc qua Anh ngữ các tác phẩm của… là những đại biểu lớn của những trào lưu văn chương lớn trên thế giới.

Văn lý luận phê bình của anh rất không bình thường… cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường… anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!” (Anh Chi, báo Nhân dân Cuối tuần, số 23-2013).

– “Công chúng mỹ thuật TA” là mĩ thuật nào? Làm như Inrasara tôi từ một xứ sở nào xa xôi ghé qua Việt Nam!

Tôi viết một đằng: Cùng thời với Huy Cận, Xuân Diệuhọc sinh Trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị] làm quen với thơ lãng mạn, tượng trưng thế nên họ dễ dàng tiếp cận với sáng tác lãng mạn Việt, khi Thơ Mới xuất hiện, Anh Chi nói một nẻo: “cháu tôi đang học lớp 11 đã rất thích đọc”.

Chương trình học với sự hướng dẫn của thầy cô thì khác cả trời vực vụ “rất thích đọc” đơn lẻ. Anh chưa rạch ròi giữa nỗi cá biệt và tính phổ quát.

Cá nhân tôi đã đọc Gide, Sartre, Hemingway… ngay từ lớp 9, nhưng mãi tuổi 20 vào Sài Gòn, khi “tự đào tạo” về triết học hiện sinh, tôi mới yêu được Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền… Còn học sinh, sinh viên hiện nay không được trang bị về hậu hiện đại, thì chuyện họ không thể tiếp nhận sáng tác thuộc hệ mĩ học này là điều không lạ. Và không thể trách!

Vài tít bài của tôi đăng báo chính thống: “Độc giả cũng cần được đào tạo”, “Nhà phê bình thiếu tư tưởng nên ăn theo sáng tác”, hay “Nhà thơ biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ”, chủ yếu để nêu sự thật để góp phần giúp mọi người thức nhận sự thật ấy!

[8] Các giải thưởng tôi nhận được, có phải từ vị thế chính trị của tôi không?

Giải thưởng CHCPI (Sorbonne-Pháp) dành cho tôi bị Nguyễn Thành Thống cho “văn chương ít, chính trị thì nhiều” (“Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” trên Ganesha.sky.vn ngày 30-8-2009)!

Giải thưởng trong nước thì nhà văn Nguyễn Đình Bổn suy là do Nhà nước “mị dân” bởi tên Cham của tôi. Có ngưng tại đó đâu, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, website Litviet, 2010 kêu tôi “ôm toàn giải thưởng ma cô.” 20 giải thưởng từ 4 nước khác nhau, từ nhiều tổ chức khác nhau, họ là “ma cô” hay “mị dân” cả sao?!

Tôi nhiều lần cho rằng chính sách của Nhà nước Việt Nam với DTTS so với 2 nước tôi khá rành là Thái Lan và Nhật, là tuyệt. Các DTTS để cho mất bản sắc, là lỗi của mình chứ không thể trách ai khác. Riêng giải thưởng cần sòng phẳng. Nếu ở đây có dấu vết gọi là “châm chế hay ưu ái sắc tộc”, tôi trả lại ngay!  

Phía chính thống nhà thơ Đỗ Hoàng ghê hơn nữa: “Thơ Inrasara không có một chút nghệ thuật gì, toàn tòng vô lối mà ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!” (Đỗ Hoàng, Blog dohoang, 22-12-2013).

Nếu là “tát tại ông cha ta”, thì cả Úc, Thái Lan, Pháp hay các trang mạng như Epoetry, Tienve… cũng tự tát tai ông bà họ tuốt tuồn tuột hay sao đây!

Nữa, nhà thơ Trần Thiên Thị, trên facebook năm 2014 viết: “Mâm nào cũng có ổng”. Tôi hoạt động nhiều lĩnh vực: sáng tác, nghiên cứu, phê bình, báo chí… động cập nhiều chủ đề, tham gia nhiều diễn đàn khác nhau, thì mâm nào cũng có ổng thì không có gì sai cả!

Tôi hiếm khi gửi bài cho báo chí, chỉ khi nào ở đâu mời tôi mới gửi. Tác phẩm tôi in ra, nơi nào thấy được thì trao giải.

Tôi trân trọng tất cả những giải thưởng mà tôi đã nhận được, từ giải lớn, nhỏ, chính thống, phi chính thống, bởi tôi mang tinh thần hậu hiện đại, không phân biệt đối xử với tất tần tật mọi thứ. Nơi nào trao thì tôi nhận, xong, tôi nói lời cảm ơn rồi thôi.

[9] Nịnh bợ để lên chức, tôi có phải như nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết không?

Inrasara là “nhà Thiều học”, “nhắm mắt khen bừa”, ca tụng Thiều lên “tận mây xanh”, và do nịnh bợ này mà được Nguyễn Quang Thiều “đề bạt Chủ tịch Hội đồng Thơ” (Trần Mạnh Hảo, facebook ngày 5-4-2021).

– Trời biển, đây là lần đầu trong đời tôi vinh dự nhận huy chương này!

Tôi đã viết về hơn trăm nhà thơ, từ DTTS đến đa số, trong đến ngoài nước. Cùng thế hệ như Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Trần Hữu Dũng hay thế hệ sau, như Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Bùi Chát, Lý Đợi, có người tôi viết đến 2-3 bài, riêng Thiều – không bài nào. Gán cho tôi “nhà Thiều học”, anh Hảo moi ở đâu ra?

Anh hô to như thế, dẫn ra 2 bài làm chứng: “Việt Nam thơ, vùng trũng hay cường quốc?”, BBCvietnamese.com, 18-2-2012; “Inrasara trả lởi phỏng vấn về ‘hiện tượng’ thơ Nguyễn Quang Thiều”, RFA, 6-8-2012.

Bài trên tôi phê bình phát ngôn của Thiều về “cường quốc thơ”, bài dưới phê bình 3 luận điểm trong hội thảo về thơ Thiều của Viện Văn học.

Tôi đố TMH tìm ra 1 chữ nịnh bợ Thiều ở đó, tôi cho điểm 10 luôn.

Rốt cục anh chả được điểm nào. Vậy mà số độc giả cả tin, không chịu kiểm tra thông tin, đã vào facebook anh công kích cá nhân tôi vô tội vạ.

Chuyện không nói có, là sao? Anh Hảo lớn hơn tôi ít nhất một giáp, anh làm chi vậy, không biết.

Nếu ta thiếu trung thực trong chữ nghĩa [CHÂN], không phục THIỆN, thì khó mà nói đến phụng sự cái đẹp [MỸ].

Thêm: Năm 1999, tôi nhận thư do Hà Xuân Trường kí mời ra Hà Nội “hiệp thương” làm ở Trung ương, Mặt trận Tổ quốc hay Quốc hội. Vậy mà tôi còn để cho trể hạn, tìm cớ thoái thác, huống chi phải nịnh ai đó để nhận cái ghế “nóng” không lương!

Tôi ba hội viên của hội Trung ương, làm việc 3 cơ quan, có ai thấy đơn xin việc của tôi chưa? Tôi chủ trì nhiều Bàn tròn Văn chương, tham gia nhiều Ban giám khảo cho cuộc chơi chữ nghĩa lớn, là tôi được mời, chớ có xin ai bao giờ.

Nhập cuộc vui vẻ, khi không thấy hợp nữa, tôi từ nhiệm. Vui vẻ nốt!

[10] Inrasara bị phân biệt đối xử thế nào?

Năm 2007, nhà thơ Hồ Chí Bửu mới mang sơ sơ tâm phân biệt dân tộc trong một cuộc phỏng vấn, rằng ông Inrasara có viết chi chi thì tiếng Việt với ông cũng là ngoại ngữ, nên thông cảm! Tôi mới có thư phản ứng, Ban biên tập VanchuongViet gỡ bài và xin lỗi. Cũng văn minh phong vận đáo để!

Chớ Đỗ Hoàng thì không là không. Bên cạnh đăng lại bài viết cũ đầy hẳn học, anh còn chịu khó làm cả bài thơ Đường luật có câu: “Đại Việt chưa bao giờ nhục thế/ Dân Hời chủ tịch Thơ nhà ta”.

Đúng là hết thuốc chữa.

[11] Inrasara có ý đồ phục quốc như nhà thơ Lệ Thu suy diễn không?

Nhà thơ Lệ Thu, nguyên cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam phán rằng bài thơ “Kẻ canh đêm” trong Sinh nhật cây xương rồng-1997, “sôi sục căm thù, ước mơ đảo ngược” đăng báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam 1997.

– Trong khi đây thuần túy là một bài thơ triết lí! Tôi chỉ đáp lại bằng bài thơ khác (tạp chí Văn TPHCM 1998), vui vẻ:

Làm sao gọi em ngược về thế kỷ Huyền Trân?

làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử?

để em có thể tầm nguyên tâm hồn tôi

mà không phải đọc tôi qua sương mù dị bản

cho ngực trần tôi mãi là trang sách mở

để hai bàn tay lửa em vươn tới tự tin hơn…

Tôi mấy bận nêu vụ Việt Nam thiếu triết học, nhà trường cũng chưa sẵn sàng cho sự thiếu vắng ấy. Thiếu, thế nên ta cứ suy tư thiếu căn bản, từ đó suy diễn và suy diễn lệch lạc. “Ngôi nhà”, “con đường”, “Quê hương”, hay “sự thiếu vắng Quê hương” là tôi suy tư trên bình diện lịch sử Tính thể, chứ không liên quan đến chính trị quốc gia, hay phục quốc chi chi cả!

Văn đàn là vậy, ở ngoài đời, tôi bao lần đụng phải câu hỏi: Hiện tại người Cham còn có ý định phục quốc không? Bởi thỉnh thoảng tôi cũng có đọc thấy đây đó…

Hỏi chớ bạn đọc thấy Cham nào viết, và bài viết ấy đăng ở đâu? Nếu sinh linh Cham nào đó nói hay tút vu vơ ở đâu đó, thì có đáng bàn không? Tôi thêm, CHỈ CÓ KHỜ mới nghĩ đến chuyện ấy, nói chi là làm.

Kết.

30 năm nhập cuộc chữ nghĩa, tôi hiếm khi tấn công ai trước. Ở thế buộc, tôi mới “va quẹt” khi thật cần thiết, còn lại đa phần là đỡ đòn – vô số đòn hiểm.

Ở Cham, “Chiến trường Akhar thrah” kéo dài mươi năm, các mẻ văng qua tôi không ít, vài Cham nghĩ tôi đã lập nick đáp trả ghê lắm, sau này bà con mới vỡ lẽ là không. Các vụ khác, dù là đối tượng trực tiếp bị đạn, tôi cũng “pha” bởi tôi thấy chả đáng. 

Cộng đồng văn giới, vụ Mai Quốc Liên phê phán hậu hiện đại về “giáo sư Mỹ viết trên một tờ báo…”, hay Nguyễn Hòa là văn học hậu hiện đại chưa có mặt ở Việt Nam và yêu cầu Hoàng Ngọc-Tuấn đính chính, còn Trần Mạnh Hảo là vụ “thơ Tây giả cầy”, tôi cần giải minh. Để đánh tan dư luận.

Tôi gọi đó là hóa giải và hòa giải, để hiểu biết và đả thông. Vui vẻ!

Như ở câu chuyện này, từ 11 nốt bổng, tôi cho 11 nốt trầm hóa giải, để chúng ta cùng sống, làm việc và sáng tạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *