KHỞI ĐỘNG GIÁO DỤC KHAI PHÓNG

[nói thêm về Hannah Arendt & Giữa quá khứ và tương lai: 8 bài thực hành tư duy chính trị]

Inrasara-TV. “Mỗi kì 1 chân dung-04. Hơn cả 1 tác phẩm hay”, tôi cho Hannah Arendt là một khuôn mặt triết học vô cùng độc đáo, và Giữa quá khứ và tương lai là một tác phẩm cần thiết. Cuốn sách nhận Giải Thưởng Sách Hay năm 2022, với số phiếu tuyệt đối. Tôi là 1 trong 5 thành viên ấy.

Vô cùng cần thiết, bởi nó dành cho trí thức Việt Nam hôm nay. Nếu cuốn Chính trị Bình dân là cho chung như tên gọi của nó, thì đây là cho trí thức tư duy chính trị ở cấp độ cao. Inrasara-TV đã bàn lướt, ở đây xin tập trung vào “giáo dục & chân lí”.

Cảnh báo về quyền uy suy tàn: quyền uy tôn giáo, thầy giáo và cha mẹ; cảnh báo tự do lâm nguy, không chỉ ta phó thác con em cho xã hội mà còn mặc cho “nhà trường” nhồi sọ; qua đó Hannah – không bạo động, không bạo lực, mà – đưa ra những bài thực hành tư duy mang tính thử nghiệm. Một khởi động giáo dục mang tính khai phóng.

Hannah viết: “Quy tắc có thể xem là phổ biến của thế kỉ này là bất kì điều gì có thể xảy ra ở một đất nước này có thể cũng sẽ xảy ra ở hầu như bất kì một nước nào khác trong tương lai”.

Thế nên vấn đề địa phương là vấn đề chung của toàn nhân loại.

Trẻ con bị ném vào đời [throwness], ở đó – trong thế giới Hồi giáo, Công giáo, Cộng sản hay gì gì khác, người lớn luôn ý định “giáo dục”, uốn nắn chúng “theo” ý mình [chủ nghĩa Theo-ism], tiếp nối sự nghiệp mình, thực hiện tiếp giấc mơ dang dở của mình. Nghĩa là biến con người thành công cụ thô lậu hay tinh vi cũng vậy.

Giáo dục đích thực thì khác, như Khổng Tử: Đại học chi đạo tại minh minh đức, làm sáng cái đức sáng của người học.

Người lớn trách nhiệm chuẩn bị cho thế hệ mới có tư duy độc lập, tinh thần tự do và ý hướng sáng tạo. Cho chúng sống đời sống của chính chúng, thực hiện ước mơ của chính chúng. Chúng đi vào trong thế giới [being-in-the-world] sống với những con người khác [being-with], chứ không phải đối chọi, đối kháng. 

Đó là yếu tố tiên quyết cho con người khám phá chân lí.

Chân lí theo nghĩa tuyệt đích của Heidegger: “Yếu tính của chân lí là khai lộ ra như là tự do. Tự do là sự để-cho-là thế, một để-cho-là hữu thể khai hoa và làm hết ẩn giấu”.

Đến đây Hannah Arendt đã dừng lại, bởi nó thuộc chiều kích khác.

Và dành cho tiếng nói của thi ca. Một bài thơ ngắn của thi sĩ Quách Thoại nói lên đủ đầy hàm nghĩa ấy của chân lí của nhà tư tưởng lớn nhất của thế kỉ XX. BÔNG THƯỢC DƯỢC

Đứng im bên hàng dậu

Em nở nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Ta lắng nghe em hát

Lời em ca thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

___________________

Trong sát-na bắt gặp ánh sáng chân lí, thật bất ngờ, thi sĩ đã nhìn và thấy. Một cái thấy toàn triệt. Ông lặng nhìn đóa hoa hát. Tiếng hát không lời. Như thể tâm hồn ông đang hát. Ông thấy vũ trụ, cuộc sống, đóa hoa mầu nhiệm.  Mầu nhiệm cả định mệnh đau khổ ông. Ông sụp lạy tạ ơn. Tất cả!

Không mảy may gắng gượng, không tì vết can thiệp của lí trí. Chỉ có ánh sáng trí huệ tràn trào qua giản đơn của ngôn ngữ thi ca mà thi sĩ mệnh yểu này gửi lại cho đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *