Nghĩ-91. HỌC GÌ TỪ CHUYỆN TÌNH BINGUN CHAKLENG

Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất

chỉ cần một cơn bão rớt

cũng đủ làm chúng run bấn lên

(Sinh nhật cây xương rồng-1997)

“Năm 1960, quý bô lão Chakleng thỉnh Pô Riyak từ Vĩnh Trường về làm thần làng, Thần Tri thức. Tại sao? Tiền bạc dễ mất, ruộng đất có thể bị tịch thu, lâu đài rồi cũng bị đổ nát, riêng ‘akhar’ tri thức “chữ” cất trong lòng thì mãi còn…”

 (Phát biểu trước bà con Chakleng, tại lễ Pô Riyak 4-2023)

Nóng lòng muốn được việc, thất bại. Bao nhiêu người hùng xưa đã vậy, thương thay. Tài năng phát lộ sớm, không biết giú mình đợi mùa chín tới, nóng vội xuất hiện – tắt. Bao nhiêu thi tài trẻ Cham hiện tại cũng hệt, tội không.

Truyền thuyết về ‘Bingun Ia Ralông’ palei Chakleng ra đời, từ nỗi chờ và nhớ.

Căp tình nhân đi Yang Pô Riyak miệt biển về trưa nắng, còn chừng điếu thuốc nữa tới nhà thì cơn khát hành nàng đến không lê bước. Đặt người yêu nghỉ dưới bóng râm, chàng đi, đi miết. Đi khắp đằng đông đằng tây, không thấy đâu nguồn nước. Xung quanh trắng mênh mông. 

Lả người, chàng trở lại với người tình, nghĩ bụng sẽ cõng nàng về làng. Thì ơ kìa, ngay cạnh gốc cây cổ thụ bên bóng râm, một vũng nước nhỏ long lanh dưới nắng trưa nhiệt đới. Lạ quá, chàng trờ tới, ngó nhằm nhằm giây lâu rồi vội múc đầy sọ dừa về cho nàng.

Từ đó, ‘Bingun Ia Ralông’ “Giếng Nước Ngàn” có mặt, cung cấp nguồn nước uống cho đứa con của đất Chakleng văn vật đến hôm nay. Mạch nước nhỏ chưa bao giờ làm đứt. ‘Ia ralông’ đựng trong lu gốm Bàu Trúc thì ngọt và mát không đâu bằng. Một lần uống nhớ một đời. Người Chakleng cần ‘cang ia’ “chờ nước” mùa khô hạn khi ‘ia cang’ “nước chờ”, để từ nỗi CHỜ ấy, vô số cuộc tình với bát ngát câu chuyện xảy đến và tồn tại, hình thành “Đất và Người Chakleng”.

Tình thủy chung và sự biết chờ đợi, làm nên bài học của ‘Bingun Ia Ralông’ lưu truyền xuyên thế hệ. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *