Nghĩ.10-19

Nghĩ-10. BIỂN, VIỆT & CHAM

Người Việt sợ biển. Mở cõi về phương Nam, người Việt biết mỗi đất liền. Suốt dòng lịch sử, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi xa hơn. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Đại Việt hoàn toàn thiếu vắng hải sử.

Người Cham yêu biển, mê biển, sống với và qua biển, từ đó Champa có nền hải sử dài và xa.

Môi trường sống hình thành căn tính Việt và Cham. Việt chuộng nề nếp, ổn định; Cham: phiêu lưu khai phá. Từ hai căn tính khác biệt này, lãnh đạo biết kết hợp, sẽ tạo nên một Việt Nam có thế giá trên thế giới (Inrasara.com, 2021).

Nghĩ-19. TỪ KIÊU HÃNH ĐẾN DÓC PHÁCH

“Đâu là đức tính tốt nhất của Cham? – ‘chơk’, còn tật xấu nhất, vẫn là ‘chơk’.

Chơk’ mang nghĩa kiêu hãnh, kiêu ngạo. ‘Chơk’ không căn cơ, không có gì mà ‘chơk’, là không biết ‘chơk’ – nghĩa là dóc, đẩy lên cấp độ thành ‘chơk karơk’: dóc phách vô lối.

(Inrasara.com, 3-2017)

Hãy nhìn tháp Pô Klong Girai: kiêu hãnh độc trọi giữa trời đất, thách thức tàn phá của thời gian và hờ hững của lòng người.

THÁP NẮNG – 1996

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng

Biển bên kia và cát bên này

Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng

Trên đồi hoang 

                     như dấu lặng 

                                        phơi bày

Không một bụi cây, không một cụm mây

Bao la nắng và mênh mông cát

Âm thanh câm, thời gian vắng mặt

Trắng không gian đậm đặc tư bề 

Không có một bài thơ ngợi ca

Không lấy một lời ca ngợi ca

Tháp vẫn đứng miệt mài với nắng

Trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần

Tháp có đó, tôi vờ như không có

Thoáng sát-na không gian bùng vỡ

Tháp hiện nguyên hình

                      tháp nắng

                                         thênh thang.                                           

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *