Câu chuyện thơ-13. INRASARA TRONG LÀNG THƠ CHAM

[hay. Biểu tượng trong thơ Inrasara – từ Cham ra thế giới]

Hôm qua một nhà giáo kiêm nhà phê bình yêu cầu: “Anh Sara giúp em vài gạch đầu dòng về văn học Cham 20 năm trở lại đây với, dĩ nhiên trong đó anh là cây bút sáng giá”. Xin trích phần về minh:

“Trước 1975, có hai tác giả thơ thường xuyên đăng thơ trên Nội san Panrang: Jalau và Huyền Hoa được cộng đồng độc giả Cham biết đến. Ở nội san Ước Vọng của Trường Trung học Pô-Klong, Jaya Yut Cam [Nguyễn Văn Tỷ] có bài thơ tiếng Cham “Thu-ôn bhum Cam” nổi tiếng, thêm cây thơ trẻ: Trầm Ngọc Lan.

Sau 1975, mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật Cham tắt ngúm.

Mãi khi Inrasara xuất hiện với tập thơ đầu tay Tháp nắng, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997, các cây bút Cham mới rục rịch sáng tác trở lại.

Nhưng phải đợi đến đặc san Tagalau – Tuyển tập Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu văn hóa Chăm ra đời năm 2000, hàng loạt cây bút Cham có đất diễn, cấp tập viết, tạo thế đứng riêng biệt. Cham viết bằng cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Việt.

Thơ Cham đa phần đề cập đến tình yêu quê hương và hiện trạng đời sống dân tộc với nhiều phản biện và tư duy cùng lối thể hiện rất đặc trưng, khác hẳn thơ dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc.

Dẫu sao, các bạn thơ Cham chưa [hay thấy không cần thiết] xây dựng các biểu tượng cho và trong thơ mình. Inrasara ngược lại, rất nhiều biểu tượng có mặt:

Tháp Chàm muôn mặt, thay hình đổi dạng qua thời gian, mà vẫn trường tồn như thách thức thời gian;

Cây xương rồng biểu tượng cho sự sống dậy mạnh mẽ từ cằn khô, đau khổ;

Akhar thrah’ chữ Cham truyền thống biểu tượng cho thân phận nổi trôi, quyết định sự tồn vong của dân tộc;

Apsara: cái đẹp luân lạc, và hành trình của thi nhân đi tìm cái đẹp đó;

Người nữ: nền tảng của tồn tại và vươn vượt của và cho cộng đồng Cham;

Lễ tẩy trần biểu tượng cho sự dứt bỏ cái cũ, điều xấu ác để đón nhận cái mới, tốt lành khác vào;

Biểu tượng Sông Lu, đồi cát Nam Kương…

Ngoài ra, với loạt bài “Chuyện người đời thường” trong Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức-2006, tôi đã vẽ nên chân dung Cham đa dạng, đa sắc thái…

Hai thái độ thơ: làm một tập thơ với gom nhiều bài thơ thành tập, khác nhau là vậy.

Không dừng lại đời sống Cham, không gian thơ Sara còn vươn ra cõi Việt Nam, ở đó tập thơ Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ-2019, là một.

Và cả thế giới rộng lớn hơn ngoài kia: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]-2012. Từ Tây Tang, Australia, Orchid Island Taiwan, Fukushima cho đến Afghanistan, Iraq… Tìm đối thoại với sinh linh toàn cầu, vô phân biệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *