Minh triết Cham-17. NGƯỜI TA CHỈ CÓ THỂ LỚN, KHI…

[Trí thức, thơ ca & tôn giáo]

Con người chỉ có thể lớn, khi hắn học biết nhìn ra ngoài, và nhìn mình từ bên ngoài. Từ nghệ thuật, xã hội cho đến tôn giáo, vân vân.

Nhiều người ưa nói: Sao cứ đi chõ mỏ vào chuyện người khác, nữa: Tôi không quan tâm đến những gì không thuộc về tôi. Nói, như thể hàng đạt đạo không bằng.

Bình dân hơn: Rảnh quá mới đi lo chuyện thiên hạ, với cái giọng khinh khỉnh, trên ngó xuống.

Cả hai tự tố cáo không gì hơn một đầu óc nông cạn.

Trí thức là kẻ quan tâm đến chuyện ngoài mình, vấn đề thiên hạ. Nói như ông bà xưa: Trí thức là kẻ ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng. Kẻ thấy trước, lo trước và nói trước.

Ở Huyện ấy, quan hiếp làng bên, bạn nói: không phải việc làng mình. Quan hiếp làng bạn, bạn cho không liên quan đến mình. Quan hiếp người láng giềng, bạn nghĩ không phải chuyện nhà mình. Đến khi quan hiếp chính nhà bạn, bạn la làng không thấy người làng nước nào tới. Bởi, những người khác cũng từng nghĩ hệt bạn.

Cả Huyện không có trí thức. Tội hôn!

Chuyện xã hội dễ nhận biết, thơ có vẻ siêu hình hơn.

Hãy là mình, là chính mình – là phát âm thời thượng của các bạn thơ thế hệ @ ở Việt Nam. Phát âm, tôi dùng chữ này bởi, họ nói mà không biết mình nói gì, cứ tưởng một phát hiện ghê gớm lắm.

Thế nào là mình? Đẩy câu hỏi tới cùng, mới vỡ lẽ cái “mình” ấy chỉ là thứ văn bản từ vô số mảnh vụn rớt lại. Từ di truyền, môi trường sống, nền giáo dục và văn hóa ta thụ hưởng cho đến thế chế chính trị ta chịu đựng lẫn ý hệ tôn giáo ta bị khuôn định, vân vân.

Khi “mình” ấy tự bộc lộ qua vần điệu, thơ không gì hơn mấy xúc cảm nhỏ lẻ, yêu ghét vụn vặt, suy nghĩ hời hợt qua đó chữ nghĩa chỉ là mớ bầy nhầy, chắp vá. Trong khi thơ cần đến cái khác lớn hơn, ngoài “mình”, để có thể lớn.

[Vụ này không chút liên quan đến anti-hậu hiện đại].

Lĩnh vực tôn giáo, có ba cấp độ.

Bất lực trước huyền bí của tự nhiên, con người nghe mình yếu đuối, và sợ. Đủ thứ sợ, nhìn đâu cũng ra điều để sợ. Ta biến mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi non, cây cối vân vân thành thứ thần, mà thờ phụng. Đó là tôn giáo sanh ra từ sợ hãi, Marx nhìn thấy thế, và ngưng tại đó!

Cao hơn, khi con người hiểu và phần nào khắc chế được tự nhiên, hắn sanh tâm cao ngạo coi trời bằng vung. Tôn giáo cấp độ thứ hai mang tính luân lí với vô số điều răn và cấm kị, “tội ác và hình phạt” được bày ra để điều tiết, chế ngự và hăm dọa nỗi tham sân si của loài này.

Ở tầm cao nhất, tôn giáo mang cảm thức vũ trụ. Cái tôi bé nhỏ hòa điệu cùng cái TA vũ trụ, qua đó con người suy tư, hành động và tạ ơn.

Ở cộng đồng Cham Pangdurangga, đến tận hôm nay vẫn tồn tại cả ba.

Ai, sinh linh Cham nào có thể đạt tới cấp độ thứ ba: Tin Pô Yang, sống linh thánh mà không phải cúng tế?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *