Inrasara: Nói chuyện ở Hội VHNT Tuyên Quang, 19&19-8-2022

Ngày 1. Sáng: CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI

Tìm trào lưu thơ Việt ở đâu?

Nếu không có thơ cách tân, không có tân hình thức, hậu hiện đại, văn chương mạng, thơ trình diễn… không biết chúng ta hình dung thơ Việt hôm nay ra sao nữa.

Vậy mà chúng cứ bị kì thị, bị đẩy ra ngoài lề, nghĩa là phía chính thống ít/ không chấp nhận chúng, luận bàn về chúng – ngoại trừ thơ cách tân.

Toàn cầu hóa và phương tiện internet cho ta cái nhìn khác.

Thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa hay thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng lên mạng, thơ của nhà thơ là người dân tộc thiểu số hay thơ nữ, thơ của người làm thơ chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tất cả!

Các trào lưu thơ Việt đương đại

Ba dòng lớn: Thơ truyền thống, Thơ cách tân các loại và Thơ phiêu lưu khai phá. Riêng dòng thứ 3, có: Thơ hậu hiện đại, Thơ Tân hình thức, Thơ nữ quyền, Thơ trẻ Cham, Thơ trình diễn.

Chống cứ chống, nhưng làm sao các bên cùng sống hòa bình và phát triển? Tham khảo: Inrasara: “Quá trình sáng tạo của tôi là quá trình phá hủy bản sắc tôi”, “Quá trình hiện đại hóa thơ là quá trình cắt bỏ thi tính”, Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”.

a. Lục bát

Nhiều người chuyên trị thơ lục bát, cả đời làm mỗi thể thơ lục bát, thế mà hiếm ai hiểu đủ đầy về lục bát. 4 điểm cốt tủy:

Làm lục bát mà không nghiên cứu kĩ các thể thơ khác, thì không thể nói là đã hiểu hết lục bát; chưa đọc toàn cảnh lục bát Việt với những dòng khác nhau là chưa thấm nhuần lục bát; chưa biết đến lục bát ‘ariya’ Cham trong tương quan với lục bát Việt, thì chưa mở rộng tầm hiểu; chưa tìm tòi và thử nghiệm các kĩ thuật mới cho lục bát, là chưa đóng góp gì vào sự phát triển của lục bát.

[1] Lục bát truyền thống

Từ ca dao đến Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu

[2] 4 dòng lục bát Việt

– Dòng dân gian: Từ Nguyễn Bính tới Đồng Đức Bốn

– Dòng hiện đại: Huy Cần, Trần Xuân Kiêm

– Dòng huyền ảo: Phạm Thiên Thư

– Dòng hậu hiện đại: Bùi Giáng

[3] Lục bát ‘ariya’ Cham trong tương quan với lục bát Việt

– Số lượng từ trong câu, 2 cách: đếm âm tiết và đếm trọng âm

– Vần trắc và bằng trắc xen kẽ

– Hiệp vần chữ thứ 4 câu bát

– Thể ‘pauh catwai’ với cặp “lục bát” liên hoàn

[4] Lục bát, các khai phá kĩ thuật mới

– Thơ phụ âm: Từ ngẫu nhĩ của Tố Hữu đến thơ phụ âm của Đặng Thân

– Từ vắt dòng và nhịp lẻ của Bùi Giáng đến lối chẻ nát lục bát Việt của Du Tử Lê

– Ngắt dòng: Phạm Thiên Thư đi trước Nguyễn Trọng Tạo non nửa thế kỉ như thế nào?

Chiều. DÒNG THƠ KHAI PHÁ

1. Phong trào thơ nữ quyền

Cần xác minh rõ: thơ nữ quyền không chỉ ở người nữ làm thơ, mà là [và nhất là] thơ được sáng tác trong tinh thần nữ quyền. Nữ quyền từ cảm thức cho đến cách sử dụng ngôn từ.

– Khởi động: Dư Thị Hoàn ở miền Bắc, và Thảo Phương ở Sài Gòn.

– Nỗ lực bất thành với Lê Thị Thanh Tâm và chấp nhận tòng thuộc đàn ông của Vi Thùy Linh

– Phá vỡ giới chấp: Nguyễn Thị Hoàng Bắc với “Ngọn cỏ”, để cho giới như là thế: thơ khách quan, thơ suy tưởng, thơ thời sự, thơ suy niệm về thơ, như Phan Quỳnh Trâm.

– Từ lối dụng ngôn: mi, nàng, tôi, tui… “một nhà phê bình, anh phải” đến cách xuất hiện của Đoàn Minh Châu, Lưu Mêlan.

2. Trào lưu thơ trẻ Cham

– Từ thơ cách tân của Tuệ Nguyên đến hậu hiện đại của Trần Wũ Khang, và Kiều Maily thơ nữ quyền.

– Thơ khác, cách xuất hiện khác… thơ DTTS miền Bắc.

Đây là thế hệ [nhóm] thơ đồng hương, xuất hiện cùng thời (từ năm 2005-2012) thường sinh hoạt chung, có xu hướng làm mới thơ Việt bằng tinh thần và tâm cảm Cham, có diễn đàn là đặc san Tagalau, có tác phẩm in chung: Văn học Chăm hiện đại, thơ (2009), thì việc dành một dòng chảy riêng cho họ, không phải không chính đáng.

Riêng Inrasara trước đó, phá hủy và sáng tạo bằng dịch từ tiếng Cham đưa vào thơ Việt, tạo từ mới hay sự vật, khái niệm mới.

3. Thơ Tân hình thức

Trào lưu thơ cách tân các loại đẩy thơ xa khỏi cộng đồng văn học, là cơ hội tốt cho trào lưu thơ mới. Tân hình thức dường tìm thấy đất dụng võ. 4 cột trụ của thơ tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và vần – lặp lại.

Hạn chế lớn nhất của thơ tân hình thức Việt chính là thiếu cảm thức thời cuộc hôm nay.

4. Thơ hậu hiện đại

Phi tâm hóa là tinh thần [và hành động] căn cốt của hậu hiện đại.

– Phi tâm hóa đề tài: Vũ Thành Sơn

– Phi tâm hóa sự thật với hư cấu: Phan Bá Thọ

– Phi tâm hóa thể loại: Đinh Linh, nhất là ở Lê Vĩnh Tài

– Phi tâm hóa ngôn từ: lối viết “ngọng” của Bùi Chát

– Phi tâm hóa ngôn từ và các nguyên liệu khác: sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, bàn cờ tướng, đoạn phim, nét vẽ, khúc nhạc…

– Sáng tạo cũng là tái tạo: Đinh Linh và Lý Đợi

– Phi tâm hóa phụ âm và vần: Thơ phụ âm của Đặng Thân

+ Tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại: Bất tín nhận thức, giọng thơ giễu cợt.

5. Thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry performance) là một nhánh nổi bật.

Thơ thị giác kết hợp thơ với ảnh chụp, với hình vẽ, video…

– Nguyễn Hoàng Nam & thơ Cụ thể của Lê Văn Tài, cách chú thích hình ảnh của Lê Vĩnh Tài…

– Thơ trình diễn. So sánh Đêm thơ Vi Thùy Linh, Dương Tường tại Văn Miếu và CUT của Lê Anh Hoài ở Sài Gòn.

6. Dòng thơ phản tỉnh và phản kháng [khác với thơ chống cộng]

Từ Nguyễn Quốc Chánh (1990) đến phong trào thơ trước/ về sự kiện Hoàng Sa-TS 2007 và sau đó.

Lê Vĩnh Tài: “Khi nào bà muốn, xin hãy đến…”, Inrasara: “Ở nơi ấy hảo hảo hảo”.

Bắc tiến-12. Ở Tuyên Quang: THẾ NÀO LÀ MỘT BÚT KÝ HAY?

[Tâm thế, Yếu tố, Thể loại mở và Cảm tạ – sáng ngày 18-8-2022]

“Thế nào là một bút ký hay?”

Văn chương vô bằng. Tôi được cho là nhà thơ chuyên nghiệp, vậy mà không thể trả lời rốt ráo: Thế nào là thơ hay, huống chi bút kí. Dẫu có vô bằng đến đâu, không phải là không thể.

Tôi sẽ nói với các bạn điều các bạn chưa biết, hay chưa có ông/ bà thầy nào từng đứng trên diễn đàn này nói kiểu ấy về bút kí.

TÂM THẾ

Xin phép các bạn dành cho tôi 20 phút…

Giải minh về “Văn hóa Cham nhìn từ Cham” và “Thế nào là Phê bình Lập biên bản?” trong đó hình thức 3 là phê bình đi vào trong, tưởng lạc đề, nhưng không.

Tiếp, tôi gọi tên tác phẩm lớn: Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng của Ngô Thế Vinh, tác giả dành cả đời cho một chủ đề và “bút kí” nó đến với thế giới.

Cuối cùng là bút kí của tôi: “Mở cõi đất, mở chân trời” sau chuyến thực tế Cần Thơ đăng ba kì ở tạp chí Văn nghệ Cửu Long, gây tai nạn nhỏ cho các bạn văn nơi ấy

Đó chính là ba tâm thế cho câu chuyện về bút kí, không thể khác – nếu bạn muốn làm nên tác phẩm bút kí lớn.

[1] Không trên cao ngó xuống, hay ngoài nhìn vào, mà cần đi vào trong và nhìn từ trong;

[2] Không sợ hãi, cô đơn toàn phần [“Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”-2004];

[3] Hết mình, và tới cùng.

YẾU TỐ

Thế nào để có một bút ký hay? Tôi nêu 7 yếu tố:

[1] Chủ đề hay sự kiện nóng, câu chuyện tâm huyết

[2] Sự thực và sự thực, chi tiết và chi tiết

[3] Cái nhìn mới, khác từ đó có nhận định khác

[4] Có câu chuyện để kể

[5] Lối viết phức điệu, xóa nhòa ranh giới thể loại dù vẫn là bút kí

[6] Mang tính đánh động

[7] Và có tính dự báo.

Gọi tên hai tác phẩm của Svetlana Alexievich, nhà báo – nhà văn Belarus sinh năm 1948, Nobel Văn học 2015: Lời cầu nguyện từ Chernobyl, Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ; Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng của Ngô Thế Vinh; và Đối thoại Fukushima của… Inrasara!

Lạ, không có ai trong hội trường biết đến chúng cả!

Lời cầu nguyện từ ChernobylĐối thoại Fukushima động cập đến vấn đề nóng nhất của thế giới hôm nay, còn Việt Nam là Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng [1].

Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ: là cách nhìn khác, từ đó có nhận định và thể hiện khác, điều chưa từng nhà văn nào nhìn trước đó [2].

Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng mang tính đánh động và dự báo, nó được viết trước khi sự kiện Hoàng Sa-TS bùng nổ khá lâu [6, 7]

Tất cả đều có câu chuyện để kể, với nhiều chi tiết độc qua “lối viết phức điệu”.

THỂ LOẠI

Tại sao cứ bút kí truyền thống, ngắn mà không mở rộng, không “phức hợp”, hay không liên hoàn?

Nó có thể là faction (tiểu thuyết sự kiện) như Ngô Thế Vinh, hồi kí như Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ, tự truyện như Lời cầu nguyện từ Chernobyl, hay các “đối thoại” như tôi đã làm. Hoặc xáo trộn tất cả làm một. Miễn nó phải là phi hư cấu?

Thử nhìn lại mình, Sự kiện Hoàng Sa-TS 15 năm đi qua, mới đây là đại nạn Covid-19 cùng bát ngát chuyện khóc cười mệnh nước và mệnh đồng bào nổi trôi diễn ra ở nơi ấy, hỏi ai trong chúng ta có thể?!

Ngoài tài năng, nếu chưa có xúc động lớn, chưa có dũng cảm và nỗ lực lớn, thì chớ mong có tác phẩm lớn!

CẢM TẠ

Qua một ngày rưỡi gặp mặt trao đổi, anh chị em văn nghệ Tuyên Quang đã dành cho tôi nhiều cảm tình đặc biệt, dù đây là lần đầu tôi ghé đất này. Tôi có “tập huấn” được cho các bạn điều gì không không biết, phần tôi nhận được nhiều, rất nhiều. Đất và người.

Xin được nói to lên lời CẢM TẠ Đwa Apakaal!

Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *