Tiêu điểm-5. SAU TIẾN SĨ, LÀM GÌ?

Học để làm quan, là truyền thống Việt.

Hôm trước còn vô danh tiểu tốt, hôm sau khi “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”, cả làng ra đón, anh đã ra thế giá nghênh ngang một cõi. Lắm khi chưa gì cả, anh còn tư thế đe nẹt thiên hạ: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”. Không ham mới lạ.

Làm quan, muốn leo cao, anh học [lắm lúc không cần học] để giật cái bằng to hơn nữa. Là điều cần thiết – không có gì trầm trọng cả! Kẹt nỗi, sau đó chấm hết. Ta không có gì hơn, gì thêm.

Mặc cho người đời kêu, các Đại học, Viện tiến sĩ cho lắm mà hiếm sáng chế, phát minh khan như nước nắng Phan Rang; chốn quan trường – tiến sĩ hàng đầu thế giới mà đất nước cứ bị chèo lái ì à ì ạch.

Đó là ta đặt sai mục tiêu của học. Tiến sĩ dù là học vị cao nhất vẫn chỉ là mục tiêu của mục tiêu là sáng tạo cống hiến, chứ không là mục đích tối hậu. Sai mục tiêu, vô số tiến sĩ sau khi đút túi tấm bằng, đã thôi học. Và thôi học vĩnh viễn.

Cham rất khác: Học, bất cần trường ốc. Không dưới hai lần, Trung Hoa qua Champa truyền bá lối học thi cử [thi và/ để cử], Cham đã từ chối nó. Lối học của Cham, thầy với vài trò, hay chỉ học nhóm. Nhà vua soi tìm người tài [thực] mà trọng dụng, thậm chí thay vai chính mình trị vì thiên hạ.

Thế nhưng đời, cái gì thái quá cũng hỏng.

Cham xưa đã hỏng, mà ,Việt Nam nay cũng hỏng nốt.

Đó là chưa nói Việt Nam vẫn chưa truyền thống học để BIẾT, yêu cái biết [thiện tri thức] – là đỉnh cao nhất của HỌC.

Đó là còn chưa nói, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, ở đó tiến sĩ là người học cao nhất trong khối đông “thất phu” đó, đâu là tiếng nói trí thức của bà/ ông?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *