Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-22. CHÍNH TRỊ

Lớp 12 Nguyễn Trãi Phan Rang. Chiều muộn ở buổi lao động xã hội chủ nghĩa, lớp Văn chúng tôi ngồi sinh hoạt cạnh lớp Toán. Sinh hoạt vãn, tôi tách đàn để qua ngồi chung cùng 7  anh em bạn học Cham bên cạnh.

Hơn nửa giờ sau, Lân [hay Lâm] bạn chung lớp tôi đi qua, ngồi xuống.

– Các bạn coi màn ảo thuật nè, – bạn nói, nắm tay đặt xuống mặt đất, tay kia cầm cái mũ úp lên. – Nửa phút thôi con cu đen bay ra từ đây…

Mọi con mắt đổ dồn lên chiếc mũ. Bạn giở nó lên, cùng lúc ngón cái bật lên thẳng đứng. Không một lời, bạn đứng dậy…

Mọi người trong đó gần phân nửa là nữ bên lớp tôi trố mắt, im lặng. Quảng Đại Mãn thầy Cham phụ trách phó Chủ nhiệm lớp tôi đứng ngây người. Cả 7 bạn Cham không cử động. Tôi lặng đi, hơi thở như mất hẳn, mãi khi có tiếng thằng bạn: ‘Nhoh mek baan Yôn ni’ tôi mới sực tỉnh, và đưa bàn tay ra về phía các bạn.

Tôi đi qua lớp mình, lặng lẽ. Lặng lẽ, cả lớp lên xe về [khi ấy vẫn còn là] thị xã Phan Rang. Nhớ, lớp Văn toàn Việt, tôi là Cham duy nhất, lại là học sinh ngoan và giỏi nhất lớp.

Buổi sáng đầu giờ, dường được Chủ nhiệm lớp là thầy Huyền phân công, thầy Mãn lên lớp phê bình nhẹ bạn ấy, nhắc nhở sự tế nhị về dân tộc. Thế thôi, giờ học mới bắt đầu.

Giờ giải lao, biết mình lỡ chơi dại, Lân qua quàng nhẹ vai tôi không nói một lời. Từ đó hai tôi vẫn tốt với nhau, tốt cho đến khi tôi vào Đại học về thấy bạn ngồi trước tủ thuốc lá nhỏ trước cửa chợ Phan Rang, sau đó tôi thấy bạn chở bao than từ vùng núi Vụ Bổn xuống phố…

Tôi vẫn học, quan hệ và nói năng bình thường, như chẳng có điều gì xảy ra. Các bạn Cham chung nhà trọ thấy thế, bạn học lớp Văn toàn Việt cũng thấy thế, riêng tôi gần như cả tuần liền suy nghĩ. Qua vết thương đầu đời sâu hoắm đó, tôi đã khôn ra, và tôi biết chính trị, từ đó. 

Cũng từ đó, tôi tự trui luyện ngày qua ngày – để tâm tôi vô nhiễm, thân tôi bất khả bị thương bất kì lần nào nữa.

Câu hỏi: Nếu khi ấy tôi không biết nén cơn giận, thì điều gì sẽ xảy ra?…

Trích Tự truyện Inrasara 2019:

Năm 2004, trong cuộc lai rai bạn bè ở quận Tư gần nhà, Tuấn Huy bất đồ đưa ra cái nhận định cắc cớ về tôi:

– Cháu thấy Cham mình chú Sara mới chính trị siêu.

– Có lẽ vụ này cháu hố rồi đó, – tôi đùa cho qua chuyện.

Trà Vigia giơ cả hai tay phản bác:

– Lầm to! Chàm mình kém nhất về chính trị phải là Sara. Nếu không nói là nhất thế giới.

– Chính xác luôn, – tôi kêu lên.

Nhớ, tôi ở tuổi 25, ông Thông giáo sư toán Đại học Đà Lạt ghé Ban Biên soạn, đang chuyện bao đồng, bất ngờ trỏ vào tôi, tuyên:

– Tay này mới chính trị, còn bác – ông ngó qua thầy Nguyễn Văn Tỷ – bản chất nông dân lộ rõ lắm.

Giọng ông tự tin đến cả hai chúng tôi lúng túng chẳng biết đàng mà rờ. Bởi dẫu sao tôi vừa là học trò cũ vừa đương kim cấp dưới thầy Tỷ. Tôi nói:

– Vừa vừa chớ ông, công an nó tó tui mất.

Chính trị là gì? Vấn đề cốt lõi là hiệu quả.

Câu chuyện.

[1] Tôi tổ trưởng biên soạn Từ điển Cham Việt ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-ĐNÁ, Đại học Tổng hợp TPHCM, khi ấy tôi hãy vô danh. Cộng đồng Cham không tin, thêm vài trí thức Cham xuyên tạc, thế là Trung tâm mở Hội nghị Góp ý Từ điển. Ngay Thị xã Phan Rang, là khu vực đông Cham nhất, có tiếng nói nặng nhất.

Hơn 100 đại biểu Cham các nơi tụ về, các chuyên gia từ Hà Nội và Sài Gòn, các nhà lãnh đạo Tỉnh với thủ đô… Tại đó, qua một buổi cho đại biểu góp ý, tôi đã hóa giải mọi thắc mắc cách nhẹ nhàng và thuyết phục trong hơn tiếng đồng hồ. “Tiếng tăm” nổi như cồn. Tôi nói:

– Đây là công lao của Trung tâm, của thầy Bùi Khánh Thế, nhất là của bà con Cham đã từng đọc bản thảo và đưa ra những ý kiến xác đáng trước đó.

Về, thầy Nguyễn Văn Tỷ kêu:

– Sao lại phải làm như thế kia chứ, công lao của mình, sao lại đổ hết cho người khác?

Tôi: im lặng. Đó chính là chính trị!

Vụ tương tự là Ghur Raneh. Sau hai năm chiến, xong việc, tôi in 70 bản “Hồ sơ Ghur Raneh” 48 trang với nhiều ảnh tư liệu đẹp, gửi đến 7 Halau Bini, và nói:

– Đừng kể công tôi. Ở đây tôi chỉ lên tiếng với tư cách trí thức, còn vụ việc thành là nhờ các vị và bà con Bà-ni chúng ta.

[2] Ở Vụ Video clip Yeah-1, Cham đã thắng [ở phần kết], và còn có thể ghi vài bàn thắng nữa [nếu đưa ra tòa]. Nhưng tại sao cần phải dừng lại?

Họ đã biết lỗi, và rút đoạn phim xuống ngay; phạm lỗi lần đầu chứ không tái phạm; chị làm phim đã xin lỗi, đã bị làm kiểm điểm, đã bị phạt hành chính; và Tập đoàn cũng đã chính thức xin lỗi [dù văn bản tôi chỉ đưa lên một nửa].

Nếu kiện, họ cũng chỉ giải quyết tới mức đó;

Kiện, dù được hơn xíu, nhưng Cham sẽ mất tình cảm ở phía trung lập: mình hơi quá quắt!

Đẩy chó dại tới cùng, nó sẽ quay lại cắn ta, không lúc này thì lúc khác – nguy hơn;

Quan trọng nhất và quyết định nhất: chính quyền là của người Việt!

Hai vụ tương đương.

‘Kut’ Boh Dana, ta đã đạt 95% nhưng do ta quá quắt: tha fcheets chớ không chịu dời ‘Kut’ đi. Cuối cùng ta mất trắng: ‘Kut’ bị hốt đi, ta ở tù, và chẳng có gì khác.

Biểu tình ở Trường PTCS Mai Thúc Loan, ta muốn được cả hai: Hiệu trưởng Cham ở lại trường [nhấn mạnh], và hai cô giáo Việt phải bị đuổi đi. Cuối rốt, ta chẳng được gì cả!

[3]

Chuyện dài tập ‘Chiến trường Akhar thrah’ với Po Dharma và Pgs-Tiến sĩ Thành Phần, kể vài lần rồi, miễn nhắc lại. Nêu ra để biết, tôi đã cố ý chịu thủng lưới vài bàn, để giành chiến thắng lớn ở các phút cuối cùng của cuộc chiến.

Sinh hoạt văn học với giới chữ nghĩa Việt, tôi xác minh ngay từ đầu tư thế đường biên của mình. Đường biên mà không ba hay bốn phải. Qua đó tôi chiếm cảm tình từ trong nước đến hải ngoại, từ chính thống đến phi chính thống, từ Hội Nhà văn của Đảng cho đến cây bút ngoài luồng hay “phản động”.

Một cây bút Cham từ làng Cham nghèo ở một tỉnh nghèo vô danh tiểu tốt, nhập cuộc chữ nghĩa để dần dần chinh phục mọi bộ phận văn giới Việt; sắm vai Chủ trì Bàn tròn Văn chương, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đến Trưởng ban Lí luận – phê bình của Hội VHNT-DTTS Việt Nam… không phải chỉ do tài năng mà còn… chính trị.

Tôi gọi đó là quyền lực mềm.

Có tác phẩm, sự nghiệp là một chuyện, điều quan yếu là tôi còn biết tự PR quảng cáo tinh thần của mình: Dân tộc, nhân văn, và hòa bình, để chinh phục văn giới và cả giới Đại học ở ngoài Việt Nam nữa.

Bị thương, tôi học từ người Tàu: Biết người biết ta.. Vị thế của ta và ai xung quanh ta; tư thế của người, và thế lực đằng sau họ. Học từ lịch sử Việt, sau mỗi chiến thắng, Đại Việt luôn chủ động qua Tàu làm hòa…  

Tóm, chính trị là gì?

Là hiệu quả, là có thể để cho đối thủ ghi bàn, miễn sao kẻ thắng trận là ta;

Khi chiến thắng, không nên giành hết công lao về mình;

Là biết giảm nhiệt sự vinh quang của chiến thắng ấy;

Tất cả để chiến thắng ở lâu dài…

Chakleng, Tết 2022.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *