THUẦN PHONG MỸ TỤC TRONG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI-2

9:30g sáng 27-11-2021, LIT Magazine – Đại học Fulbright.

[Xung đột sáng tạo và truyền thống Vai trò của nhà phê bình – Ngày hội Văn hóa]

1. Sáng tạo xung đột với truyền thống

Có phải mỗi sáng tạo là mỗi va đập với truyền thống?

– Đúng, nếu đó là một sáng tạo đích thực. Sản phẩm được tạo nên từ cái chưa hề có, lập ra từ vay mượn nơi phương xa làm xa lạ với người đương thời, từ đó gậy xung đột, là điều không thể tránh.

Hỏi chứ trước đây Champa có tháp Chàm bao giờ? Cham phiêu lưu qua đó khiêng về hay Ấn Độ mang tới cũng thế, tiếp nhận nó là dũng cảm, còn kẻ dám phá nó để làm nên tháp Cham là dũng cảm và tài năng mươi lần hơn. Mà Cham có dừng ở đó đâu, dân tộc đó còn tạo nên 7 phong cách lớn khác nhau nữa.

Chắc chắn ở đó không thể thiếu màn va đập, đấu tố [như hôm nay các nhà Việt Nam đang đấu tố thơ Inrasara về chính trị, đạo đức lẫn vu khống!].

Nhìn xa hơn, tận bên kia trái đất, W. Whitman khi mới ló mặt đã chịu bao nhiêu miệt thị, tẩy chay để rồi nửa thế kỉ sau, Leaves of Grass – sản phẩm bạt mạng của tay chơi này là trở thành tượng đài văn chương tự do Mỹ!

Các bạn hỏi về Bài thơ của một người yêu nước mình vừa được xuất bản và vinh danh, đúng lắm. Nhưng đâu phải mỗi Trần Vàng Sao, bao nhiêu tài năng bị vùi giập thuở sinh thời để khi họ nằm xuống ta mới dựng bia tưởng niệm.

Xa hơn, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Mai Thảo… đang bị cố tình lãng quên. Sự thể chẳng những thiệt thòi cho độc giả Việt Nam, mà còn cho cả nền văn học đang vừa nhỏ vừa yếu này. Buồn không?!

2. Làm sao hóa giải và hòa giải xung đột?

Xung đột, không thể tránh. Và cần thiết nữa. Bởi chính xung đột làm cho văn hóa, phạm vi nhỏ hơn – văn học chuyển động. Làm sao công chúng không rơi vào nỗi loại trừ, dùng đến thứ văn hóa triệt hạ cancel culture?

Đây chính là trách nhiệm nhiệm của chương trình giáo dục.

Thử ngoảnh lại thời Thơ Mới. Ngay từ cấp Trung học, chương trình [thực dân] Pháp đã cho học sinh làm quen với Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng… nghĩa là một lớp độc giả của Lamartine, Vigny, Verlaine, Rimbaud… đã hình thành. Thế nên không lạ, khi sáng tác của những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận… xuất hiện, họ không khó đón nhận. Và cho dù cánh hủ Nho kịch liệt phê phán, phong trào này đã tạo nên cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XX (xem thêm: Inrasara, “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006).   

Hôm nay, ta làm gì với Hậu hiện đại, Tân hình thức, và…? Trường học, không; báo chí, không. Hơn thế, ta còn nghi kị, phê phán mang tính trù giập, thì làm gì có cuộc cách mạng xảy tới ở đây!?

Văn học Việt Nam tiếp tục nhỏ, và yếu.

3. Vai trò của nhà phê bình

Bạn hỏi tương quan giữa phê bình và sáng tác, tôi đã từng có bài “Thiếu tư tưởng, nên phê bình mãi ăn theo sáng tác?” (báo Lao động, số 185, 11-8-2007).

Hai cánh này mãi nghi kị, khích bác nhau. Phê bình cứ đòi xoa đầu sáng tác và ngược lại, sáng tác mỉa phê bình ăn theo, không có tao làm sao có mầy. Tôi nghĩ khác: Phê bình đi sau, song hành, thậm chí đi trước sáng tác.   

Làm sao để có sự tương thoại giữa hai nhà này? Thử trích lại mình:

“Một hiện tượng văn chương bất kì, không thể bị giập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở” (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006).

“Lâu nay, ngoài thiếu tư thế tự do và hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho… phê bình [không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng] là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/ chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết dù khen hay chê thiếu vật chứng ấy sinh ra bao hệ lụy” (trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô, 6-9-2014).

Cô đơn cho/ của phê bình, sự hiểu biết về hệ mĩ học [tức lí thuyết] và tình yêu tạo nên thông lộ cho đối thoại. Thế còn gu nghệ thuật? Ai dám bảo Hoài Thanh, Xuân Diệu không hiểu Tượng trưng, Siêu thực? Nhưng xem hai nhà này phê Hàn Mặc Tử thời kì sau cũng đủ thấy. Cản trở là ở gu thưởng thức văn chương.   

Công bằng là biết chấp nhận cái khác mình.

4. Ngày hội Văn hóa

Hội này đang diễn ra, nhà thơ thấy thế nào?

Không thế nào cả! Bệnh của ta là ưa diễn, đó là nỗi diễn đầy tốn kém mà chả đi tới đâu, lắm khi còn bị ngộ nhận là ta đang làm, đang có… văn hóa.

Sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật để cho ra trọn bộ 64 cuốn dày, bìa cứng [tôi cũng có tên trong hội đồng biên soạn ấy]. Để làm gì, khi chúng chỉ được “diễn” trong các thư viện, các tủ sách của nhà nghiên cứu mà vắng bóng ở gia đình các dân tộc Bana, Êđê, Raglai…? Không gian sử thi đang chết, chúng ta còn mong nó chết sớm để được diễn trên sân khấu, thì còn gì là văn hóa với ngày hội.

Lễ Katê Cham cũng được/ bị lên chương trình hệt thế, may sinh lực nội tại của văn hóa Cham mạnh, nên không gian văn hóa Katê vẫn còn sống giữa cộng đồng dân tộc này.

Ta sưu tầm, nghiên cứu sử thi, ta sân khấu hóa, đồng thời ta chăm lo cho nó được sống giữa cộng đồng, như tôi đã và đang làm với Cham [tự khoe khoang, tặng bạn Nhất Phương] – đó mới là văn hóa đích thực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *