Chuyện đời thường. CHẾT CHƯA PHẢI LÀ HẾT

Dù bạn chưa hề dự cuộc vào chuyện cộng đồng, làng nước, hay cả khi bạn không có mụn con cái nối dõi, chết chưa hẳn là hết.

Ông Phok Dhan Cơk ông họ tôi là một. Không vợ không con, vô lo chuyện họ hàng làng xóm, ông vẫn để lại dấu vết. Ông sống, thiên hạ bàn tán về thói tật ông, ông chết đi tính cách đặc dị ông được/ bị “lưu danh sử sách” trong thơ văn của cháu nội ông là tôi!

Khi bạn có vai vế trong xã hội, giữ vị trí trong chính quyền hay lãnh tụ một phong trào, vân vân thì càng. Khi ấy hành vị, lời nói bạn ảnh hưởng đến cộng đồng, bạn luôn chịu tiếng khen chê. Không bia đá thì cũng bia miệng.

Một hôm, người thầy tôi phê bạn cũ mình rằng, “đây là tật rất tệ của ổng, hà cớ lại đi nói xấu một người đã mất, hãy để ông ta mồ yên đi”. Bình vậy tưởng phải lẽ, nghĩ sâu và rộng xíu: sai to!

Bạn là mạnh thường quân ủng hộ xây đền cho làng, dân làng nhắc tên bạn qua vài đời đến khi kí ức làng phai nhạt. Bạn tài trợ một tác giả in sách, tên tuổi bạn vẫn còn lại cho đến lúc tác phẩm của nhà kia… chết [có khi tác giả còn sống nhăn!].

Vị trí bạn càng cao, ảnh hưởng bạn càng rộng, tiếng khen chê càng nhiều. Tác phẩm bạn càng hay, dư vang nó càng dài, lời bàn càng lắm.

Vụ việc của hôm nay chẳng hạn dù tưởng không đáng kể, nhưng nó cứ được… lưu danh sử sách hay bia miệng hậu hiện đại: facebook, youtube… Dài ngắn tùy tác động của nó đến chính sách, đến sinh phận cá nhân hay sinh hoạt cộng đồng.

Ông ngoại, ông anh, bánh mì không là mặt hàng thiết yếu, hay việc cho mượn 5 ngàn liều vaccin Pfizer… cũng hệt.

Cánh bướm nhỏ vô tư vỗ cánh ở một đám rẫy tưởng chả là gì vẫn có thể gây nên một trận bão lớn ở một nơi rất xa mà con bướm kia không ngờ được. Hiện tượng này tục gọi là: Butterfly effect hiệu ứng cánh bướm.

Ở đó không chỉ trận bão kinh hoàng kia mà cả cánh bướm thơ mộng ấy cũng lưu danh sử sách.

Sống, không hết đã đành. Chết, chưa phải là hết!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *