Câu chuyện Cham-88: Dừng lại suy nghĩ. GỬI CÁC BẠN MUSLIM & CHAM ‘AHIÊR AWAL’

Henri Miller:

“Nếu chúng ta không tập nhìn chúng ta như kẻ khác nhìn chúng ta thì vết thương sẽ không bao giờ được lành, và chúng ta đời đời sống trong phân li và ngăn cách”

Với văn giới Việt, tôi từng là một cây bút dễ thương. Dễ thương cho đến khi tôi cổ súy phong trào hậu hiện đại thì thành… dễ ghét. Nỗi này kéo dài gần 10 năm, mãi sau mới đỡ đỡ phần nào. Té ra Inrasara là kẻ tôn trọng Cái Khác Others.

Với Cham, tôi là “nhà” dễ thương, cho đến xảy ra “Chiến trường Akhar thrah” thì thành dễ ghét với Champaka. Các anh cứ nghĩ tôi theo phe Ban Biên soạn! Vài năm qua, khi tôi “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, sau đó bàn ráo riết sự vụ liên quan đến tôn giáo, thì thành dễ ghét với một bộ phận nhỏ người anh em Muslim.  

Ở loạt bài “Tồn tại hày không Tồn tại?”, tôi có đặt vấn đề: Cham đã hiểu Cham chưa? Cham có hiểu Việt Nam và thế giới chưa? – Hoàn toàn chưa! Ta chỉ biết có mình, tệ hơn: chỉ biết tôn giáo mình, trong khi thế giới mênh mông ngoài kia…

Hầu giúp các bạn nắm căn bản chủ đề tế vi, nhiêu khê dễ đỗ vỡ này, tôi xin ngắn gọn, qua đó hi vọng ta tránh lạc đề, ngộ nhận từ đó ngày càng khoét sâu hơn vào vết thương của nhau.

Không bàn lý thuyết cao xa, mà chỉ đề cập việc thật đang diễn ra trong cộng đồng nhỏ bé Cham. Hiện 4 hệ “tôn giáo” là:

[1] Đa thần có Ấn Độ giáo. Tôi quá quen với triết học Ấn, nên tinh thần tôn giáo đa thần không xa lạ với tôi. Tôn giáo này ảnh hưởng nặng nhất đến Cham ‘Ahiêr’.

[2] Độc thần có: Công giáo, Islam và Tin Lành. Bản thân tôi dịch Tân Ước lẫn Cựu Ước, thường xuyên sinh hoạt chung với Ki-tô hữu lẫn Muslim, nên ít nhiều hiểu tinh thần tín đồ hệ tôn giáo này.

[3] [Tôn giáo] thờ cúng Tổ tiên [cả vua chúa được thần hóa lẫn ông bà tổ tiên các loại] là Cham ‘Ahiêr Awal’. Cham Bà-la-môn và Bà-ni cũng nhận ảnh hưởng từ tôn giáo Đa thần lẫn Độc thần vào tín ngưỡng mình.

[4] Tôtem là ‘Cham dar’ (Cham chôn) ở palei Ia Li-u, Ia Binguk… Tôtem cũng ảnh hưởng đến ‘Ahiêr Awal’

Trong 4 hệ, ngoài tục thờ cúng dạng Tôtem đã nhạt nhòa ở đại bộ phận nhân loại, còn thì 3 hệ trên vẫn tam hành tồn tại.

Câu hỏi “đàng hoàng” nhất tôi thường gặp là: “Theo Islam có đánh mất bản sắc Cham không?”. Chú ý, tôi dùng chữ “chạy theo quốc tế” không chỉ nói riêng Islam, mà cả tôn giáo khác tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, ở đó “mất bản sắc” chỉ là một khía cạnh của vấn đề.

Ở loạt bài “Tôn giáo nào cũng tốt?” tôi đã bàn, rằng tôn giáo hay ý hệ tốt cần được NHÌN TOÀN CẢNH soi chiếu qua 4 điểm chính:

[1] BẢN SẮC để làm đa dạng nền văn hóa nhân loại. Ở tôn giáo ‘Ahiêr Awal’: Pô Yang (vua chúa được thần hóa), Muk kei Tổ tiên và các nét đẹp truyền thống được thể hiện thường xuyên, mạnh mẽ và khá đầy đủ trong nghi lễ, trong ngôn từ, trong mọi sinh hoạt ngày thường.

[Ví dụ lễ cúng Pô Riyak – là anh hùng dân tộc được thần hóa: Đẹp, độc đáo và tổng hợp. Nơi đó có lịch sử, nghệ thuật ca múa nhạc, thơ ca, hài hòa 3 hệ cùng phối hợp thực hiện, ngôn ngữ thể hiện và sinh hoạt đời thường.

Một Muslim hiểu biết chỉ có thể biết một khía cạnh là Pô Riyak như nhân vật lịch sử – nghĩa là đánh mất rất nhiều. Không vấn đề gì cả, vì các bạn không hành lễ và có thể cho rằng nhiều thứ trong đó lạc hậu. Ở đây tôi chỉ đề cập “sự mất mát bản sắc”!]

[2] CHẤP NHẬN CÁI KHÁC. Cham ‘Ahiêr Awal’ không miệt thị ai là ‘haruk haram’, càng không khinh thường ai là “đồ ngoại đạo”, dễ dàng hòa đồng với mọi tín đồ tôn giáo khác. Hòa đồng thật sự, chả ngán.

[3] YÊU HÒA BÌNH. Từ khi Pô Rômê làm cuộc hóa giải và hòa giải vĩ đại, hai hệ ‘Ahiêr Awal’ chưa hề có dấu vết xung đột nhỏ suốt non 4 thế kỉ;

[Quá khứ xa: Phật giáo vào Champa không gì cả, Islam vào thì gây xung đột đến tan hoang đất nước, tanh bành lòng người; gần, ở thập niên 1960: Islam vào Pangdurangga xảy ra đâm chém, đổ máu, án mạng – là sự thật].

[4] ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo MỞ, tôn trọng tự do cá nhân, khuyến khích sáng tạo. Đặc tính này thể hiện rất rõ ở Cham Pangdurangga, là điều tôi đã phân tích nhiều lần, miễn nhắc lại.

[Khi so sánh Chàm Tây với Chàm Đông, không phải chê bai, phân biệt đối xử mà là nhận định. Một nhà văn đúng nghĩa không ngại mổ xẻ vấn đề xã hội xung quanh. Mổ xẻ với ý cho bà con nhìn lại mình, tỉnh thức và thay đổi [không phải tôn giáo mà cách nhìn] từ đó phát triển và tiến bộ. Nếu gọi như vậy là chê bai thì qua các tiểu luận văn học, tôi chê bai văn giới Việt Nam mới ghê!]  

Nói chung – với thế giới, tôn giáo hay ý hệ chính trị được cho là TỐT khi nó đảm bảo nhân phẩm, nhân quyền cho mọi người; tạo khí quyển tự do cho dân chủ cộng đồng, cho phát kiến và sáng tạo cá nhân.

Là giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *