Đối thoại Cham-29. TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT & AGAL KINH CHO NGÀY SAU

[Đối thoại ‘Akhar thrah’]

– Làm thế nào ở một tương lai xa, tiếng/ chữ Cham có thể thống nhất, trong khi Cham hiện đang tản mác khắp nơi, nhất là khi mà ngay lúc này tiếng/ chữ Cham đã khá khác nhau? Là câu hỏi đáng suy ngẫm chín chắn…

Là dân tộc từng có nền văn hóa-văn minh sớm, Cham gồm đủ bộ ba: Kinh, Sử và Truyện.

[1] KINH là Agal ‘Ahiêr Awal’

Agal ‘Ahiêr’ được viết trên lá buông, có mặt trên 300 năm, có lẽ chỉ sau thời Pô Rômê ngay khi ‘Akhar thrah’ ra đời. Tiếng Cham cổ xen tiếng Sanskrit phiên âm nên khá khó hiểu, khó đến vài đoạn không thể dịch.

Bên cạnh Kinh là ‘Danak’ gồm các bài hướng dẫn hành lễ.

Agal ‘Awal’ ngược lại, được viết bằng ‘Akhar Bini’ chữ Ả Rập, hiện nay đa số chức sắc Awal tụng mà không [cần] hiểu. Gần đây có người dịch ra tiếng Cham, vài vị ‘Halau janưng’ đọc thấy và kêu: mất thiêng rồi còn gì!

Cham Awal cũng có ‘Danak’ như bên ‘Ahiêr’. ‘Danak’ được viết bằng ‘Akhar thrah’, là các bài hướng dẫn hành lễ.  

Agal ‘Ahiêr’ dù được viết bằng thứ ‘Akhar thrah’ cố, sau đó chúng được sao đi chép lại để dùng. Dù có những sai lệch, đó lại là văn bản cổ nhất còn được lưu giữ.

[2] SỬ gồm các bi kí viết bằng tiếng Sanskrit và tiếng/ chữ Cham cổ.

Dak Ray Pataw Cham Biên niên sử Hoàng gia Cham, cùng phần sử liệu trong Tư liệu Hoàng gia Cham bằng ‘Akhar thrah’ thế kỉ XVIII, là những văn bản cố định; cạnh đó là các ghi chép sau này trên giấy bản Tàu và cả giấy xi-măng thời Pháp.

Ngoài ra, hàng trăm ‘Damnưy’ của ‘Mưdôn’ và ‘Kadhar’ là “truyện kể” về vua, chúa, anh hùng liệt nữ có công với đất nước cũng có thể kể vào kho tàng sử liệu.

[3] TRUYỆN

Gồm 5 ‘akayêt’ sử thi, các trường ca trữ tình, trường ca thế sự… viết bằng ‘Akhar thrah’ từ thế kỉ XVII đến hôm nay. Do được chép đi chép lại nhiều lần, nên văn bản luôn thay đổi, cả nét chữ lẫn nội dung. Dẫu sao ở các văn bản thuộc thể loại này – dù rất hiếm, người ta vẫn tìm thấy “sách/ chữ gốc” ‘Akhar tapang’.

Có thể kể cả ba gia huấn ca Ariya Pato Adat và cả văn học dân gian vào mục truyện. Văn học dân gian được truyền khẩu, chỉ sau này mới được ghi bằng ‘Akhar thrah’, nên văn bản này vừa mới vừa có nhiều dị bản.

Phân tích cho ta thấy, để chọn ‘Akhar thrah’ khả tín cho tương lai xa hầu phục dựng tiếng Cham chung, ta có: Tiếng/ chữ Cham trên bi kí; AgalDanak ‘Ahiêr’ [bên Awal là Danak], văn bản Hoàng gia, và ‘Akhar tapang’ từ các loại Truyện.

Tháng 4-2017, một vị Cham hải ngoại viết cái tút tỏ ý chê thế hệ cha chú Cham từ Lưu Quý Tân, Thiên Sanh Cảnh… đến Bạch Thanh Chạy do thiếu chuyên môn ngôn ngữ học, thế nên phạm sai lầm.

Nhận định hầu như bị mọi Cham phản đối. Phản đối có thể tóm vào hai ý chính: [1] Họ là những người có uy tín xã hội, có công lớn trong truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Cham. Phê phán như thế là hỗn với bậc tiền bối. [2] Ông đã làm được gì cho văn hóa Cham mà dám xúc phạm các vị đáng kính đó?

Cả hai ý đều đúng, nhưng do chung chung nên thiếu thuyết phục. Theo tôi, chỉ cần đặt câu hỏi và đưa duy nhất một ví dụ:

Xưa, [sự thể biểu hiện ngay trong Từ điển Aymonier], các cặp chữ cái ‘Akhar thrah’ được viết giống nhau: PP/ D, DH/ B, G/ L, KH/ NHƯK, P/ S… Chúng chỉ được chuẩn hóa tách bạch vào giữa thập niên 1960, từ đó cộng đồng Cham gồm cả “chuyên gia chê” trên dùng. Công đó CỦA AI? Đó không là “chế biến” đầy sáng tạo của Lưu Quý Tân sao?! Một người “thiếu chuyên môn” có thể làm được điều đó?

Một câu hỏi thôi cũng đủ đẩy ấy vào thế không thể chống đỡ.

Kẻ phát ngôn thể hiện sự vô ơn, là không thể chối! Vô ơn, bởi thiếu thông tin. Không biết thành nói càn. Một phản biện ngắn, mang tính điểm huyệt như thế mới làm cho người bị phản biện tâm phục khẩu phục.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *