HÃY THỬ KHIÊM TỐN MỘT LẦN-04

Tút “Tôi là kẻ… khiêm tốn” [hay “Hãy thử khiêm tốn một lần-03”] có gây vài ngộ nhận, qua còm và tin nhắn. Xin lưu ý vài điểm:

– Trước tuổi tứ thập, tôi khiêm tốn là chuyện thật. Không khoe, nên không ai biết tôi thơ hay chữ giỏi, ít biết tôi đọc vạn cuốn sách nặng kí. Rồi cả khi tôi xuất tướng, rất hiếm Cham biết tôi còn tung hoành cả chốn văn chương chữ nghĩa Việt.

– Nhưng hà cớ sau tuổi 40 tôi lại đổ đốn khoe khoang? Khoe thiệt, và khoe bạo. Một tâm lí ngược đời: Thường còn trai trẻ hăng dái người ta mới gáy, ai lại đi nổ khi qua nửa đời hư, đã nếm trải đủ cay đắng mùi đời ôi là sang ngang đổ lễ?

Là câu hỏi cốt tử.

Hiểu được nó, là hiểu được tinh thần ông Inrasara! Chứ tôi giải thích nữa, e bà con lại kêu tôi thiếu… khiêm tốn.

Trích Tự truyện Inrasara:

Xuống núi hoàn tục…

Đó là năm 1978, Tỉnh chọn hai làng Cham Phước Nhơn và Mỹ Nghiệp chơi món thí điểm HTX nông nghiệp. Dượng Dương Dọng chủ nhiệm kêu tôi dự khóa đào tạo 6 tháng kế toán tại Phan Rang. Hơn trăm mạng từ ba tỉnh tụ về: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, gồm đủ thành phần, lứa tuổi, giáo viên nghỉ việc, sinh viên dang dở, hay cử nhân thất nghiệp cũng có luôn. Nhà nước sắm đủ nơi ăn chốn ngủ. Ngủ tập thể, ăn siêu độn.

Ở đây, mỗi chiều tôi trốn trại đạp xe về ăn cơm nhà, còn học thì tôi liên tù tì trốn. Thi giữa học kì, bài thầy cho 3 tiếng đồng hồ, chưa đầy 20 phút, tôi đã xong. Và điểm tối đa. Anh Khéo ở Pabblap cùng khóa, kêu:

– Trạm nghe nói giỏi văn, sao toán lại cừ thế chứ.

Vài người nhao nhao đòi làm theo “phương pháp Phú Trạm”: đơn giản, ngắn gọn. Nhưng ông thầy mà, có chịu đâu. Tôi bỏ học, khi mới qua một phần ba thời gian.

Ở HTX sau năm mùa lúa, anh Bạch Thanh Chạy ghé nhà mời tôi qua Ban Biên soạn sách chữ Chăm, đang thiếu kế toán có nghề. Tôi, ừ. Phiêu lưu xíu có sao đâu. Kế toán HTX, mỗi ngày tôi tiêu tốn một tiếng đồng hồ, ở đây cũng hệt, để còn có thời gian đọc, rỗi thì vào thư viện Tỉnh làm mọt sách.

Ở Ban những giờ trống, tôi ôm Ngữ văn tiếng Chăm ra đọc, phát hiện không ít lỗi chính tả, ngữ pháp, lẫn cách hành văn. Tôi nói riêng với anh Chạy, anh không tin, nhưng rồi sau khi tôi chỉ ra cụ thể, anh toát mồ hôi hột. Tôi trở thành người thẩm định “tác phẩm” của Ban từ đó, cả sau này, khi rời Ban, Bộ Giáo dục tiếp tục đặt tôi ngồi ghế “thẩm định”, cái ghế bổng lộc khá nặng túi.

Chú ý, bởi là dân kế toán, về chữ nghĩa tôi chỉ góp ý vui, và NÓI RIÊNG với phó Ban chuyên môn là anh Chạy, nên Ban không ai biết tôi “giỏi” ‘Akhar thrah’. Hơn nữa, ở đó toàn bậc thầy tuổi cha chú, đâu có đùa.

Anh Chạy mất, thầy Nguyễn Văn Tỷ lên Trưởng Ban phân công tôi làm “báo” cơ quan. Rồi số đầu tiên cũng là số cuối cùng. Bởi ở đó bên cạnh vài bài thơ tiếng Cham, tôi có tiểu luận bàn về ngôn ngữ: “’Laang likuuk’ và tiền tố khác nhau thế nào?”, gây bức xúc trong Ban. Hầu như tất cả chống tôi, kẻ ít tuổi nhất. Cham chưa có thói quen trao đổi học thuật, và chỉ nói sau lưng. 27 tuổi, tôi biết rút bài học lớn:

– Tuyệt không tranh luận với Cham, nếu không có kẻ thứ ba ở đó.

Tôi xin thầy Tỷ cho thôi “chủ biên”. Và năm sau thôi việc luôn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *