THẾ NÀO LÀ ‘BBANG KHAR’ ĂN CHỮ?

1. ‘Bbang akhar’ là ăn chữ, còn ‘Akhar bbang’: chữ ăn.

Kẻ đọc sách đến mê muội, như tôi thuở 20, tay không rời khỏi sách; sách rơi vào tay là đọc, cắm cúi đọc, không suy nghĩ, cũng không thèm ghi chép, chỉ tương cận ‘bbang akhar’ chứ không là.

Bbang akhar’ là kẻ bị ‘akhar bbang’, chữ ăn, chữ hành cho khốn đốn.

Nếu dạng trên thuần lí thuyết, thì dạng dưới liên quan đến thực hành. Ông Phok Dhan Cơk họ nội tôi thuộc bộ phận này. Đây là nhân vật ám tôi kì lạ, chiếm mất 4 bài thơ và cả một chương tiểu thuyết của tôi.

Ông ‘bbang akhar’ yoga, ông dùng nó mà thiếu ‘guru’ thầy hướng dẫn thành tẩu hỏa nhập ma, hành xử khác trần đời.  

Qua hơn hai thế kỉ luân lạc, các ‘Halau janưng’ Cham giữ được kinh sách đến hôm nay là điều cực quý. Ta vô cùng cảm ơn và trân trọng các sinh linh chịu chép truyền, lưu giữ để phục vụ nhân quần. Nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp: 1945-1985, nơi các palei Cham nhiều thầy CAO ĐẠO vẫn còn tồn tại, và khiêm cung hành lễ.

Nay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì hơi khác, có vài hiện tượng lệch lạc ảnh hưởng không hay trong và ngoài cộng đồng…

2. Cộng đồng Cham có nhiều dạng “thầy” tín ngưỡng, trong đó để phục vụ cho các loài ‘đam’ thông thường có ‘gru kalơng’, ‘gru adam’, ‘gru urang, hay ‘thầy bhut’.

Ở thời hiện tại, tôi biết vài thầy làm càn, không biết hay biết sai vẫn làm. Bài phù chú chưa thuộc hay thuộc sai CỐ Ý mang ra dùng, không ‘thit’ hiệu nghiệm đã đành, nó còn trở lại HẠI “thầy”.

Rồi khi thầy nổi tiếng và có nhiều “sô”, ông có thể hành lễ từ xa, tỉnh thành khác và thậm chí tận ngoại quốc. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản thầy, khổ chủ bày lễ vật ra theo chỉ đạo của thầy, xong, thầy live stream đọc bài lễ tới…

Tiêu đời như chơi.

3. Không biết SAI mà làm, dạng này nhiều hơn. Kinh kệ, bài tụng qua thời gian dài loạn lạc thành tam sao thất bổn, thầy bày cho trò, và ta tự tin mang ra dùng. Bộ phận này có thể ‘thit’ có thể không – “phước thầy may chủ”. Dẫu sao nó vô hại.

Bởi như Cham nói: ‘Yang tabiak di pabah lôg’: Thần từ miệng thế gian mà sinh. Khi tâm ta thành, ta tin và thầy tin thì mọi việc đều ổn.

Thế nhưng, lẽ nào chuyện KINH KỆ thiêng liêng lại phó mặc cho may rủi?

Làm gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *