THẾ NÀO LÀ CAO THỦ?

Nóng tính, hấp tấp, bộp chộp… để rồi nhận lấy đòn chí mạng đến ngã đài không kịp ngáp, chắc chắn không là cao thủ rồi.

Hơn nửa đời hư lăn lộn cộng đồng và quan sát, tôi nghiệm thấy sinh linh Cham sở hữu hầu hết đức tính trên. Từ người ít học đến kẻ học cao, không chừa. Hở chút là nóng giận nhắm mắt nói bừa. Bị bắt bẻ xíu là sôi máu lên chưởi bới bất kể tuổi tác, máu mủ. Tưởng mình nắm cán chân lí, chưa nghĩ đầu đuôi đã vội vã ra búa tạ để phải nhận đòn hồi mã thương.

Cao thủ phải là cao thủ ở mọi tình huống, hoàn cảnh, thế trận.

Xin kể vài chuyện vui, ôn cố tri tân, làm bài học cho ai còn muốn học làm… cao thủ.

 

Thuở thủ quán tạp hóa ở quê, anh SVN ghé tôi chơi. Đang trà đạo chữ nghĩa cao cấp, thì Th. đỗ xịch xe máy ngoài quán, bước mạnh vào. Anh bạn học ấy là chủ đại lí bỏ mối phân bón cho tôi. Bởi một hiểu lầm nho nhỏ, vừa ngồi vào ván gụ, liền cho tôi bài học một hơi một thể về kinh doanh. Dĩ nhiên không thiếu màn đập bàn, quát tháo tưng bừng.

Th vừa đi ra, anh SVN kêu:

– Chi dữ dằn thế chứ, mà chú nó chịu đựng được mới kì!

– Có chịu đựng gì đâu, chuyện nhỏ mà, – tôi nói.

Mà chuyện nhỏ thật. Hãy tưởng tượng, trước bàn dân thiên hạ, nếu tôi cũng đập bàn lại, thì còn ra thể thống gì nữa.

Là bài học về biết IM LẶNG.

 

Hồi soạn Từ điển ở Đại học, tôi mai mối cho anh N. và bà Hani làm show diễn âm nhạc Cham “chào hàng” khách ngoại quốc. Thù lao ngon phải biết. Sẵn “thẻ” mục từ, tôi nguệch ngoạc vài dòng, chạy xe ngang qua phòng trọ anh đút hộp thư ngoài cổng. Ngay trưa hôm sau, anh sai đứa con đang sinh viên mang thư qua tôi, chửi: Ông xem thường tôi, tầm như tôi mà đi hát “chào hàng” thổ cẩm cho bà xã ông à, và vân vân.

– Cháu mang thư trả lại ba nhé, – tôi nói, nhắn là ba hiểu lầm cei Sara rồi…

Đơn giản vậy thôi, trong khi bà Trụ [như mọi mọi Cham khác] nổi khùng lên, muốn làm dữ. Hai năm sau gặp anh, tôi giải thích về chữ “chào hàng”, anh mới ngớ người ra.

Bài học về ĐIỀM TĨNH.

 

Khoảng đầu thế kỉ XXI, không biết nhận thông tin từ đâu, hai bạn học cũ + một “trí thức” Cham viết thư gửi Bộ trưởng Văn hóa Thông tin tố cáo tôi “muốn bán thánh địa Mỹ Sơn cho người Việt”, phần tôi nhận bản photocopy có chữ kí.

Tôi dặn yut LVĐ rằng, ở quê nhà nếu có gặp các anh, bảo giúp là Tòa nào đó muốn kết án ai cũng phải nghe cả bên nguyên lẫn bên bị, chớ ai lại đi nghe một chiều mà bỏ tù nhau.

Năm năm sau, gặp bạn đồng môn giải thích, anh kêu: Sao mầy không nói cho tao biết sớm hơn? Từ nay tao chỉ tin có mình mầy thôi. Tôi nói, anh làm vậy càng sai nữa!

Chuyện này mới ác liệt và mang tính “trí thức” hơn, đã kể dài dòng ở Hàng Mã Kí Ức rồi, xin tóm gọn lại. Ở nhà thầy S, hôm chuẩn bị đi Mỹ, thầy mời khoảng 20 nhân vật cộm cán ở Sài Gòn dự tiệc. Thầy bảo, gặp mặt vui thôi. Nhưng rồi chả vui tí nào cả. Một vị khi không tấn công Tagalau, lây lan cá nhân Sara. Vài người còn nói đi nói lại, chứ tôi: góp vài tiếng cho có, và im lặng, dù hiện diện ở đó toàn người “phe” tôi. Cuối rốt, tôi nói: Sara buồn ngủ, xin mọi người được về trước nhé. Và tôi đèo bà xã về.

Hai bài học về biết CÚI MÌNH.

 

Riêng về Akhar thrah, dù bà con Cham ai cũng biết Sara cao thủ [học & hành], nhưng tôi từ chối tham dự “chiến trường Akhar thrah”, lâu lâu nổi hứng ghé qua đùa cho bớt căng xíu.

Kết. Thế nào là cao thủ?

Ở mọi tình huống, hoàn cảnh, thế trận… luôn ĐIỀM TĨNH.

Dù ở vị trí nói, vẫn biết im lặng; dù ở thế thắng, vẫn làm giả thua; dù ở thế thượng phong vẫn biết cúi mình. Để chiến thắng ở trận lớn, cuối cùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *