TẠI SAO LÀ LỖI Ở TAGALAU?

Chuyện chữ nghĩa, biết mười nói một mới ngoan, phiền là có kẻ biết một mà đã nói hai, ba. Khi nói ấy diễn ra ngoài chợ hay chốn công đường thì ẹ hơn nữa. 2 chuyện:

 

  1. Bài viết của Thập Liên Trưởng đăng từ 4 năm trước trên Tagalau (2015, tr. 143-149), mãi có người méc và trách, hôm nay tôi mới đọc.

Từ giờ phút “chiến trường Akhar thrah” nổ ra vào năm 2007, cá nhân tôi né xa; điều hành Tagalau tôi càng cho nó tránh xa hơn nữa. Tại sao? – Bởi cãi nhau về ngôn ngữ là vô cùng, mà Cham có mấy chuyên gia ngôn ngữ học đâu; thứ nữa: Tagalau mỗi năm một kì, có chịu nai lưng ra cũng không gánh thấu. Thế mà bỗng nhiên từ đâu lòi ra bài phê phán người thiên hạ về “chữ Cham” ở đây. 

Lỗi của đương kim chủ biên Jalau Anưk, và cả tôi nữa. Nêu 1 chi tiết:

 

Chữ MƯNƯNG RAYWAK (mânâng rayuak), Từ điển Moussay dịch là: phương pháp; Từ điển Đại học cũng hệt. Cả các vị chức sắc Cham hôm nay thường xuyên dùng nó theo nghĩa tương tự: phương pháp, cách thức, kĩ thuật. BBS và người viết báo ảnh Dân tộc & Miền núi dùng lại “ngữ nghĩa” đó thì chả có gì là sai quấy cả. Ví dụ Cham nói:

Ngak twei mưnưng raywak ni: Làm theo phương pháp (cách thức) này.

Vậy mà TLT truy Từ điển Aymonier chào đời tận… 1906, còn chia đôi cặp này thành MƯNƯNG: chiến thắng – RAYWAK: lưới cá – để bắt bẻ, mới vô duyên.

 

Aymonier không sai, mà:

– Nhiều cặp từ đơn tạo thành từ ghép, từ ghép này lắm khi có ngữ nghĩa khác hẳn nghĩa gốc của chúng.

– Từ điển Aymonier thiếu rất nhiều từ ghép, là chuyện chúng tôi đã phân tích kĩ trước khi biên soạn Từ điển ở Đại học 1992.

– Thứ nữa, nghĩa “phương pháp”, “cách thức” đã được Cham dùng ít ra cũng hơn nửa thế kỉ rồi. Các bác, quý thầy được cho là giỏi chữ Cham nhất thuở ấy khi tham gia soạn Từ điển Moussay không tự dưng nổi hứng ba gai bày ra ngữ nghĩa đó.

 

TLT muốn thể hiện cho mọi người hay là ta biết chữ Pháp. Vâng, nhà bác thể hiện ở đâu thì tùy, chớ trên Tagalau thì cho em xin, không nên tí nào cả. “Quan trên ngó xuống, người ta nhìn vào”, nhất là các vị chức sắc tôn giáo Cham dòm – kẹt lắm.

Chớ cái trình độ Pháp văn nhà bác tới đâu thì chỉ có Bà Trời và Ông Sara biết.

 

  1. TLT có cuốn sách về Tiền tố = Lang likuk in năm trước, và đã bị đời cho lên thớt; năm sau ở bài này bạn lặp lại cái sai TO CON kia y chang.

Chuyện kể. Năm 1986, anh SVN mang bản thảo Từ điển anh đang soạn qua Chakleng khoe với tôi. Khoe và tán. Tôi hỏi: Ông anh biết âm tiết MƯ trong 2 từ MƯTAI và MƯBOH khác nhau thế nào không? Anh kêu: Là tiền tố, là “lang likuk”. Tôi nói: Vậy thì ông anh chớ biên soạn từ điển chi cho nhọc công. Thế là… giận.

Không căn bản ngôn ngữ học mà đi biên soạn từ điển hay viết sách về ngôn ngữ thì tội tày rế. Xin phân tích dễ hiểu như sau:

 

Tiếng Cham đa âm tiết, trong đó âm tiết mang trọng âm thường đứng sau. Âm tiết tiền trọng âm Cham gọi chung là “lang likuk” (giải thích ở đằng sau). Bởi âm tiết mang trọng âm khi đứng riêng không có nghĩa, nên cần đến sự “giải thích” đó.

Ví dụ:

SALATAN (gió nồm): 3 âm tiết, SALA: 2 âm tiết tiền trọng âm, TAN: âm tiết trọng âm. Cham hay đọc rút gọn thành S’TAN.

MƯTA (mắt): 2 âm tiết. Mỗi âm tách ra không có nghĩa, Cham đọc rút gọn thành M’TA hay TA.

Cả hai từ này, bỏ âm tiết đầu thì KHÔNG CÓ NGHĨA; nếu có chăng, thì nó mang nghĩa khác.

 

Ví dụ về 2 dạng từ song tiết để đối chiếu:

MƯTAI (chết), là từ 2 âm tiết. Xét về âm vị học, MƯ là tiền trọng âm. Tiền trọng âm khi đứng riêng ra thì hoàn toàn không có nghĩa.

MƯBOH (đẻ trứng), là từ 2 âm tiết. Xét về từ vựng học, MƯ là hình vị tiền tố (có nghĩa là: “mang”, “chứa, “có”…) kết hợp với BOH (có nghĩa: “trứng”) = MƯBOH: đẻ trứng.

“Thuật ngữ” lang likuk được Cham dùng cho cả tiền tố lẫn tiền trọng âm, nên dễ bị lẫn lộn nếu thiếu kiến thức ngôn ngữ học. Người viết cần nhận biết để tách bạch hai món đó.

Cho vài ví dụ để bà con nhận ra sự khác biệt rõ hơn:

– Mưlau: xấu hổ, mưbai: thù, mưgei: rung rinh; mưtah: non…

– Mưtian [mư+tian: bụng]: mang thai; mưgru [mư+gru: thầy]: học (có khả năng làm thầy);  mưpoh [mư+poh: đập]: đánh nhau; mưhaup [mư+haup: hương]: có hương…

 

Tagalau không chủ trương phê phán tổ chức, hay cá nhân ai đó về vấn đề nào đó, nhất là khi vấn đề còn tranh tối tranh sáng 50-50. Thế nên không lạ, cầm chịch Tagalau, dù cá nhân tôi bị phê phán rất nhiều ngoài trần gian muôn màu, tôi không bao giờ kéo mấy nỗi ấy qua Tagalau để thanh minh, hay gì gì khác.

Tagalau các kì sau cần kĩ càng hơn để tránh vết xe đổ như vầy.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *