Đời là vui 10. NHẮC VỞ [VUI] BẠN VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Nguyễn Hoàng Đức: “Muốn có chủ nghĩa hậu hiện đại thì ít nhất nó đòi hỏi con người hậu hiện đại.”
Hai tháng trước, tôi có Stt: “Tôi thích Nguyễn Hoàng Đức”, đăng Inrasara.com, 27-9-2017. Ừ thích thì có thích, nhưng không phải [hâm] mộ. Bởi tôi thấy bạn văn [triết] có một mớ trục trặc. Tạm nêu 2.

1. Ưa chú NGOẠI NGỮ, và hơi bị… sai.
Tôi có một bận còm nhắc bạn ấy về chữ “Trancendental, trancendentalism”, nay lại đụng phải “công lý là người thứ ba” (le juge est un tier)” ở Stt: “Lí do người Việt Nam còn chưa biết chào”, viết 16-1-2016, post 16-1-2018.
Chữ Tây của tôi chả ngon lành gì dù học nó từ bé, nhưng tôi không thấy tiếng Tây có chữ UN TIER, mà chỉ có UN TIERS (có S) = người thứ ba, người ngoài. Có lẽ do anh bạn nghĩ UN (số ít) nên đã bỏ bớt S đi .
Nữa, LE JUGE = thẩm phán, người xét xử, người đánh giá; còn LA JUSTICE mới có nghĩa “công lý”. Câu này phải dịch là: Người đánh giá [đúng/ sai] là người thứ ba hay người ngoài, dù “dịch” như bạn, người đọc vẫn có thể [đoán mà] hiểu… đúng.
Tại sao phải nhắc nhở chuyện nhí này? Vì bận trước đã có người nghe theo bạn mà sai chánh tạ, lần này một người nữa chép theo bạn cũng không sựa, rồi sai [Blog Nguyentuongthuy].

2. Ừ, thì thôi, ta nói chuyện đại sự hơn: THỂ TẠNG & CHỮ NGHĨA
Bạn khoái chê người Việt về thể tạng, từ đó chê lây lan sang dân tộc khác. Ở Stt 15-1-2018: “Nhà văn Việt Nam có nên ảo tưởng quá về hậu hiện đại” đăng 3 kì, bạn cũng lặp lại. Coi nè:
“… sức vóc và thể tạng của người châu Á cho dù cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn còn quá yếu, chưa nói đến lúa nước bì bõm Việt Nam”. “… liệu người Việt nói riêng, người châu Á nói chung có thể tạng phù hợp với tư tưởng hay trường phái cách tân không?”

Tháng 2-2006 [ở tiểu luận: “Văn học ĐNÁ trong tâm thế hậu thuộc địa”], tôi viết:
“Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không cần bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của các nước Châu Phi hay Nam Mĩ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân ĐNÁ. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao lại phải chịu chung số phận?”

Sau đó là lí giải dài về những “tại sao” ấy, chứ hoàn toàn không dính đến thể tạng.

3. Lớn hơn nữa: TÂY PHƯƠNG & ĐÔNG PHƯƠNG
Có lẽ bạn NHĐ hơi bị nhuốm cái bệnh “dĩ Âu vi trung”, nên mọi mọi diễn ngôn của bạn xuất phát từ trung tâm ấy, qua đó lệch lạc. Văn hóa-văn minh thế giới chuyển di theo khu vực khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử dài. Thời cận và hiện đại, Âu Mỹ là trung tâm, chứ trước đó có thế đâu.
Thứ nữa, có lẽ bạn mới biết [và sùng] Tây phương Siêu hình học, chứ chưa hay biết Tây phương hậu-Siêu hình học; thêm: bạn chưa đi hết Đông phương, nên mới ra nông nỗi. Chỉ tính riêng Ấn Độ thôi, sau Áo Nghĩa thư và Chí Tôn ca, bỏ cả đời để đi vào rừng già Kinh Phật thôi cũng không thấu. Còn nếu không đủ thì giờ, hãy tạm đọc Kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già, Kim Cang, hoặc sau này, đâm thẳng vào thế giới Krishnamurti hay Thiền Luận của Suzuki (tất cả đã được dịch ra tiếng Việt) hẳn bạn sẽ nghĩ khác.

Trích Inrasara: “Hậu hiện đại gặp gỡ Đông phương” [tháng 3-2009]:
“Làm thế nào tư tưởng mà không tiền tưởng, không phải diễn ngôn? Khác đi, làm thế nào sống giữa lòng đời – nghĩa là tương quan với hiện vật, với con người và với ý tưởng – mà không phải qua bức màn kí ức, tri thức, kinh nghiệm, quá khứ…? Chính nơi điểm này, Krishnamurti và Heidegger đề nghị một cái nhảy. Nhảy, không phải bằng chối bỏ kiến thức, kinh nghiệm, diễn ngôn, hay siêu hình học… mà nhìn nó như là thế.
Tiếp bước nhưng khác với Nietzsche, Heidegger nỗ lực đưa tư tưởng vượt qua siêu hình học. Đây là bước ngoặt quan trọng trong truyền thống triết học Tây phương, mà cuộc gặp gỡ giữa ông và Suzuki vào giữa thế kỉ XX mang ý nghĩa tượng trưng. Nó báo hiệu một đối thoại giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương một cách nền tảng.
Cả Nietzsche lẫn Heidegger được xem là người khởi đầu tinh thần hậu hiện đại.”

Xem thêm: Heidegger’s hidden sources East Asian influences on his work của Reinhard May [cảm ơn bạn Hà Vũ Trọng đã cho link], bạn mới hay người được coi là [1@2] nhà tư tưởng vĩ đại nhất Tây phương thế kỉ XX đã “thuổng” của Đông phương thế nào. Thuổng, nhưng Heidegger vẫn cứ vĩ đại!
Không lạ, khi một triết gia Nhật ý định học đòi Tây phương, Heidegger bác ngay: Các bạn đã có sẵn rồi, sao lại phải theo đuôi chúng tôi. Truyền thống các bạn nói khác, biểu hiện khác chúng tôi thôi. Phật kêu đó là khác biệt ở “phương tiện thiện xảo”.

4. Trở lại HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
“Muốn có chủ nghĩa hậu hiện đại thì ít nhất nó đòi hỏi con người [mới] hậu hiện đại.” Bạn NHĐ tuyên thế. Bạn tiếp: “Chính thế mà mong các nhà văn, nhà thơ Việt hãy nghiêm túc nhìn nhận mình xem đã đủ tầm vóc để gánh mang sứ mệnh của lý thuyết chưa?”
Đại bộ phận nhà văn ta sáng tác thiếu tư tưởng, nhà phê bình ta thiếu lí thuyết, tôi đã nói nhiều rồi. Đại học Việt Nam không trang bị lí thuyết mới cho thế hệ người viết tương lai, cũng thế. Nhưng không phải do vậy mà nhà văn Việt Nam không thể viết hậu hiện đại. Như trước đó, họ vẫn có thể viết siêu thực, tượng trưng, hiện thực huyền ảo. Câu hỏi đáng đặt ra là: TÀI NĂNG, nỗ lực của họ tới đâu.

Việt Nam đã có con người [mới] hậu hiện đại. Cá nhân Inrasara cũng là con người h[ậu h]iện đại. Họ có cảm thức hậu hiện đại, hành động hậu hiện đại, viết hậu hiện đại bằng các thủ pháp hậu hiện đại. Sau 15 năm, Việt Nam đã có các tác phẩm hậu hiện đại rất đáng đọc. Dĩ nhiên hậu hiện đại Việt Nam, do chữ nghĩa và môi trường, [phải/ đã] rất khác với thế giới.

*
TÀI LIỆU THAM KHẢO (riêng Inrasara)
Các tiểu luận chính:
“Hậu hiện đại và tinh thần nhập cuộc chịu chơi”, tạp chí Tia sáng, 20-11-2006.
“Thơ hậu hiện đại Việt, kẻ khai mào” báo Văn nghệ trẻ, 18-11-2007.
“Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt”, Vanchuongviet, 21-12-2007.
“Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, Talawas, 21-2-2008.
“Theo bước chân hậu hiện đại”, tạp chí Tia sáng, 20-4-2008.
“Giải minh hậu hiện đại”, Vanchuongviet, 22-6-2008.
“Hậu hiện đại là hậu hiện đại là”, Tienve, 17-7-2008.
“Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve, 18-2-2009.
“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve, 5-3-2009.
“Cảm thức, hoàn cảnh và sáng tác hậu hiện đại Việt Nam”, Vanvn.net, 21-2-2012
“Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì?”, tạp chí Nhà văn, số 6-2012
“Hậu hiện đại khởi động cách mạng văn học Việt Nam”, Tienve.org, 5-1-2013
“Chủ nghĩa hậu hiện đại gặp gỡ Đông phương”, tạp chí Nhà văn, 2-2013
Và hơn 100 bài phê bình hậu hiện đại…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *