Giải đáp 7. TẠI SAO LÀ HÀNG MÃ KÍ ỨC?

Tôi thích kể chuyện.
Tôi ngày càng nhận ra rằng khó có thể kể chuyện một cách nghiêm trang được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc đi thế nào chăng nữa, cũng vậy.

Không tính mấy hồi kí giả, hồi kí bịa, ngay cả những hồi kí thật nhất, chúng vẫn không đáng tin. Bởi cái thật kia không gì khác, chẳng gì hơn là những sự kiện kể lại.
Thứ nhất, dù đó là sự kiện ghi chép tại chỗ, thế nhưng các ghi chép vào thời điểm ấy chỉ được tiếp cận một cách thiếu khuyết, chưa nói là tiếp cận có chọn lựa. Còn nếu đó là sự kiện nhớ lại, kí ức kia chắc chắn đã chịu không ít hao mòn; cạnh đó trí tưởng tượng xen vào can thiệp, làm cho nó méo mó thêm. Đó là chưa nói lối nhìn sự kiện luôn bị quy định bởi tri thức, định kiến.
Tiếp, khi hôm nay kể lại, sự kiện bị/ được kiểm duyệt, định hướng theo lợi ích bản thân ta, gia đình ta, cộng đồng ta sống cùng tôn giáo hay hệ tư tưởng chính trị của phe nhóm hay cộng đồng. Cuối cùng, sự thể bất toàn kia được kể qua thứ ngôn ngữ đầy bất toàn của người kể.
Hỏi, chứ nó còn đáng tin không? – Chắc chắn là không rồi.
Dẫu sao sự kiện của các cá thể hay cộng đồng vẫn cần được kể lại. Để cá nhân, dân tộc, và loài người có lịch sử.

Như vậy, “giả” là thứ không phải thật, mà nó được làm ra với vẻ bề ngoài giống thật để mang giá trị như đồ thật với mục đích đánh lừa một phía quần chúng có thể không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người sản xuất và người tiêu thụ.
Hàng mã kí ức, tôi biết kí ức được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý định đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *