URANG CHAM 16. LƯU QUANG SANG

LuuQuangSang04
[Thầy Sang và thầy Tỷ – cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong về thăm trường xưa – 2015, photo Kiều Maily]

Lưu Quang Sang sinh ngày 25-6-1938 tại palei Bblang Kacak Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Là cháu nội Dương Tấn Phát, một nhân sĩ uyên thâm về văn hóa truyền thống dân tộc Cham – tác giả Bộ luật Gia đình Cham. Ông Dương Tấn Phát giữ chức hai đời Tri huyện An Phước (thời Bảo Đại và thời Ngô Đình Diệm) đến năm 1958 thì bị buộc thôi việc, bàn giao cho ông Từ Công Xuân.
Lưu Quang Sang theo học Trung học Pháp Lycée Yersin Đà Lạt, tốt nghiệp năm 1960. Học xong Đại học Sư phạm ban Pháp văn năm 1963, ông ra Qui Nhơn dạy Trường Trung học Đệ nhị cấp Cường Để – Qui Nhơn, sau đó chuyển về dạy Trường Trung học Duy Tân – Phan Rang.
Năm 1970, ông về giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong ở Phan Rang, một cơ sở giáo dục dành cho con em dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Cơ sở vật chất trường này hoàn toàn do Ban Giám hiệu và giáo viên trường tổ chức 13 đêm văn nghệ tại các làng Cham thuộc huyện An Phước xin tiền nhân dân xây cất mà không cần Bộ Giáo dục tài trợ. Chỉ khi người Cham đã đóng góp đủ số tiền, Bộ Giáo dục và chính quyền tỉnh mới chi viện thêm.
Hiệu trưởng được một năm, ông ra ứng cử và đắc cử Dân biểu Quốc hội khóa 1971-1975. Vào Sài Gòn, Lưu Quang Sang là Hội viên Hội đồng một Dân tộc Trung ương (1971) do Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch. Hội đồng này có nhiệm vụ hoạch định chính sách dân tộc đưa sang Chính phủ thi hành. Giữ vai Dân biểu, ông còn tích cực tranh thủ ngân sách dành cho Bộ sắc tộc để Cham lo phát triển đời sống văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc ở miền Nam Việt Nam.
Năm 1975-1981, học tập cải tạo tại các tỉnh Bắc Thái và Thanh Hóa. Tháng 11-1981 trở về quê làm nông dân, đến tháng 11-1992 sang định cư tại Hoa Kì theo diện HO.
Đến thời điểm này của đời người, có thể nhận rằng ông Lưu Quang Sang là nhân vật vừa hanh thông trên con đường sự nghiệp vừa xây dựng được một gia đình hạnh phúc. Vợ ông: bà Bá Thị Sản, là người phụ nữ Cham đảm đang, quán xuyến việc nhà với 6 con gái một trai đều thành đạt.

Thời gian ngắn ở Phan Rang cộng tác với Trung tâm Văn hóa Chàm, ông cùng 5 trí thức Cham khác tham gia biên soạn Từ điển Chàm – Việt – Pháp do G. Moussay chủ biên (in năm 1971). Và như cơ duyên, năm 2015, Lưu Quang Sang [cùng với Ngụy Văn Nhuận, và con trai ông: Lưu Quang Sáng] được vị linh mục này cho phép chuyển dịch Grammaire de la Langue Cham sang tiếng Việt (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM, 2015). Dẫu sao hoạt động nghiên cứu, dịch thuật không phải là thế mạnh của vị cựu Dân biểu chế độ Việt Nam Cộng hòa này.

Ông Lưu Quang Sang thích hoạt động thể thao và văn nghệ, từng hướng dẫn đoàn thanh niên Cham sinh hoạt suốt thời kì Trung học và Đại học. Hoạt động xã hội cũng là sở thích của ông. Nếu giai đoạn làm quan, ông góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền lợi đồng bào các dân tộc nói chung, Cham nói riêng thì sau này qua Mỹ, ông tiếp tục hoạt động văn hóa xã hội, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tại hải ngoại, như tổ chức lễ hội đầu năm và lễ hội Katê. Cùng các ông Ngụy Văn Nhuận, Phú Văn Lưu tổ chức các lớp học chữ Cham cho bà con ở hải ngoại, hay đóng góp tài chính xây dựng các cơ sở văn hóa Cham tại quê nhà, như đền thơ Po Klaung Girai tại Phước Đồng, đền thờ Po Bia Chwai tại Bính Nghĩa…

*
Viết về nhân vật còn sống là khó khăn. Có nhiều lý do: thứ nhất là nhân vật đó chưa xong sự nghiệp; thứ hai là nếu chê thì mất lòng còn khen thì dễ bị cho là nịnh nọt vì ý đồ nào đó; thứ ba là dư luận sẽ chất vấn tại sao chọn người này mà không chọn vị khác. Nhận định về nhân vật xã hội – chính trị thì càng khó hơn nữa. Bởi xã hội vốn khắt khe và đòi hỏi cao nơi họ.
Với văn nghệ sĩ thì khác: Chế Linh, Đàng Năng Quạ, hay Amư Nhân… có nhiều FAN hâm mộ, và được quần chúng Cham yêu mến, mấy điều sai trái nếu có của họ dễ được xã hội bỏ qua. Nghệ sĩ mà, người ta nghĩ thế!

Trích Hàng mã kí ức (tiểu thuyết, 2011):
Đẹp trai và hào hoa, là ấn tượng đầu tiên tôi có về ông Lưu Quang Sang.
Nhưng đây là nhân vật khá nhạy cảm. Ông Sang thích làm chính trị và biết làm chính trị. Ông cũng có gien làm chính trị nữa; cháu nội Dương Tấn Phát mà – đó là ưu thế của ông. Bởi nhìn tổng thể, đa phần người Cham thiếu tố chất làm chính trị. Cá nhân tôi hay bị bạn hữu đùa: kẻ ý thức chính trị kém nhất thế giới.
Mà Cham ưa đồng hóa chính trị với sự tính toán, bên cạnh không thiếu xảo quyệt. Cả người làm kinh tế cũng thế. Không trách – truyền thống văn hóa Cham dạy thế. Một truyền thống hơi bị… sai! Bởi phát triển xã hội không thể thiếu hai món này, còn chuyện kẻ bất tài mà khoái leo lên đầu thiên hạ hay tay vô lương làm kinh tế thì là vấn đề khác rồi.
Sau trục trặc nỗi “Mĩ Sơn đường về”, Hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc thiểu số không bảo hộ cho Tagalau nữa. Tôi phải tự bươn chải. Rồi chả hiểu sao, vài nhà xuất bản quyết ngâm bản thảo Tagalau 3. Từ Tết 2002 đến Katê ngâm qua Rija Nưgar cùng năm rồi sang Tết năm sau, nay lần mai lữa. Nhà thơ Nông Quốc Chấn mất, hết người đứng tên “chịu trách nhiệm xuất bản”, Tagalau nguy cơ dẹp tiệm. Katê 2003 đang cận kề. Không thể để bà con mỏi cổ lâu hơn nữa, tôi nhờ đầu nậu chạy giấy phép, và phải chường mặt ra làm “chủ biên”. Ờ, thì cũng được đi. Nhưng cớ gì nhà xuất bản đòi hỏi tìm tên khác cho Tuyển tập; Tagalau chỉ được phép nấp bóng nó thôi. Cộng trừ nhân chia, giá thành sản phẩm kì này tăng gấp hai. Tiền đâu? May, ngay lúc đó ông Lưu Quang Sang có mặt và ứng cứu. Ông kêu gọi, và bà con một tay một chân góp vào. Tiền EURO, USD, Việt Nam đồng… đủ cả. Trọn gói hơn mười triệu. Nhưng họa vô đơn chí, chuyến bay ra Đà Nẵng với Hani mùa thu năm đó, tất cả chúng rủ nhau bay với chiếc samsonite hàng hiệu cùng bao nhiêu tư liệu quý. Tôi cười mếu. Lại phải một thân một ngựa tự xoay xở. Katê mới – Tagalau 3 đã chào đời nhọc nhằn như định mệnh chìm nổi của nó.
Tôi nói chữ cảm ơn ông thầy mình, bởi vụ đó.

Điềm tĩnh, uyển chuyển, khôn khéo, và luôn thận trọng trong lời nói cử chỉ, là Lưu Quang Sang. Tôi nghĩ ông tự tôi luyện để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Nhưng lạ, Cham khuynh hướng cảm tình với người chọn lề lối cứng rắn, “dũng cảm” đấu tranh trực diện với chính quyền, mà ít cảm thông với nhân vật mềm mỏng. Lưu Quang Sang lại đại diện cho phái nhu này.
Sắm vai Dân biểu, như bao Dân biểu trước đó hay Đại biểu Quốc hội sau này, ông cựu Hiệu trưởng Pô-Klong đã làm được gì cho Cham? Chớ nói cho to: Mang lại lợi ích cho cộng đồng. Bởi ai Dân biểu cũng chả là gì cả trong guồng máy. Nhắc qua chuyện này ý tôi muốn nói rằng sinh hoạt chính trị của Cham luôn phải lệ thuộc cấp cao hơn của chế độ Việt Nam, thời trước hay sau 75 cũng không khác mấy. Riêng việc ta đã không làm gì có hại đồng bào thôi cũng là ngon rồi. Và nhất là, đừng có đi bằng cái lưng để cả một dân tộc bị khinh.
Tôi thích một câu nói khá tình cờ của ông: Tri thức thì dễ tìm, chịu khó đọc sách là sở hữu được, còn có đạo đức mới khó; người lãnh đạo xã hội vừa có tài vừa có đức thì cộng đồng nhờ vả được nhiều lắm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *