Inrasara: Nghệ thuật hiểu chết và biết sống

Đọc Bardo, Bí mật nghệ thuật sinh tử, NXB Tôn giáo, 2012

 Phat-Bardo

Bardo, Bí mật nghệ thuật sinh tử thuộc loại sách “đạo học thực hành”. Nghĩa là nó không thuần lý thuyết, như các bài giảng của Krishnmurti chẳng hạn. Loại tác phẩm như thế, đòi hỏi tối thiểu là: dễ nắm bắt, để – dễ làm theo. Thế nhưng, muốn cho hành giả chánh tinh tấn để không thối chuyển khi gặp trở ngại (muôn vàn trở ngại trong đời sống), yêu cầu đầu tiên là tác giả phải chính danh. 

Bardo tức Trung ấm hay Trung hữu được Từ điển Phật học (Ban Biên dịch Đạo Uyển, NXB Tôn giáo, 2006) hạn định trong ngữ nghĩa là “trạng thái trung gian sau khi chết và trước khi thụ nhận một hữu thể khác”. Hiểu Bardo như thế thì giản đơn quá, từ giản đơn đến ngộ nhận là điều khó tránh. Trong khi Bardo vi tế hơn nhiều. Hãy nghe tác giả luận giải:

Bardo chính là cuộc sống hiện tại. Hàng ngày chúng ta vẫn đang ở trong Bardo hay trạng thái trung gian… Khe hở giữa hai trạng thái khác nhau chính là Bardo. Khoảng giữa từ khi tôi bắt đầu duỗi cánh tay cho tới khi cánh tay tôi được duỗi thẳng ra đó cũng là Bardo. Tất cả mọi hoạt động, cử động của thân, khẩu, ý đều là trạng thái trung gian.”

 

Sau khi minh định huyền nghĩa của Bardo và giới thiệu khái quát các loại Bardo, tác giả đi thẳng vào phân tích “Bardo cận tử”. Đây là tiểu mục quan trọng nhất của cuốn sách, chắc chắn thế. Bởi không tiếp cận “khái niệm” Bardo cận tử, cánh cửa hành đạo không thể mở ra. Con người vừa sinh ra đời đã đủ già để chết, Heidegger nói. Khổ đế là sự thật về khổ đau trên thế gian mà con người phải gánh chịu. Ở cuối chặng đường của Tứ diệu đế đầu tiên, chính là: cái Chết. Cái chết ám con người ngay khi hắn bắt đầu ý thức về cái chết của mình. Cái chết xảy đến bất cứ lúc nào, không biết được. Một cái chết không thể tránh. Tôi phải chết cái chết của tôi, không thể thay thế. Nó xảy đến với tôi, một lần duy nhất, đầu tiên và cuối cùng trong đời.

Ý thức về cái chết chỉ là khởi đầu. Ý thức không phải để đau khổ, mà là chuyển hóa ý thức để làm nên ý nghĩa của sống. Bởi, “một trong những mục tiêu căn bản của thực hành tâm linh là nhằm giúp chúng ta khơi nguồn cảm hứng trong đời sống”, chứ không là cái gì khác.

Thế nào là sống đạo?

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa không khuyên chúng ta lên núi cao hay vào giữa sa mạc để thực hiện đời sống tu hành. Sống nghĩa là sống giữa chợ đời. Tương giao với sự vật, con người và ý tưởng, không thể tách rời, không thể chạy trốn. Chạy trốn bằng cách tự tách biệt ra khỏi nhân quần hay tự cô lập bằng trang bị ý thức hệ chính trị hay tôn giáo nào bất kì, rồi cố thủ trong nó. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, con người hành đạo biết “dũng cảm trực diện với những vọng tưởng phiền não”. Mọi loại vọng tưởng đến từ bên ngoài và, từ chính tâm ta. Tâm nặng hơn cảnh. Vì nếu tâm không an thì ngoại cảnh dù yên bình đến mấy cũng bị vọng động, vọng động cuốn lôi tâm tán loạn.

Làm thế nào để an tâm? – Hãy dũng cảm trực diện và và bình tĩnh quán sát – “quán sát tâm, hay nói cách khác là quán sát ý niệm”. Trí óc con người giống loài khỉ, nhảy hết cành cây này sang cành cây nọ trong khu rừng chằng chịt của bận bịu. Quán tâm hay thiền định hay tập trung tư tưởng, không phải là xua đuổi con khỉ đi, bởi đấy chỉ là một hình thức bạo động không hơn không kém. Càng không phải tập trung vào một/ một vài điểm nào đó, để hư vô hóa – quên đi sự hiện diện của con khỉ. Con khỉ vẫn có đó, nó sẽ trở lại khuấy nhiễu ta bất kì lúc nào. Cũng “không nên thay thế sự bận rộn thông thường bằng một sự bận rộn tâm linh mới mẻ” nào đó có vẻ cao cả hơn. Không, cuộc sống là bây giờ và ở đây, tất cả và, vô phân biệt.

Hành giả “không được sốt ruột, hãy kiên trì”.

Khi ta không áp chế hay quay lưng chạy trốn, khi ta không loại trừ hay tìm cách thay thế, mà chỉ quán sát và quán sát một cách tiêu cực (hiểu theo nghĩa Krishnamurti: if you want to understand something, you have to be in a passive mood). Nghĩa là không cố ý uốn nắn nó theo ý định của ta, muốn nó phải thế này hay không nên thế khác. Quán sát như thế, ta hiểu được sự hình thành và biến chuyển của mọi vọng tưởng, vọng tưởng đột ngột biến mất mà không cần đến nỗ lực nào. Nhẹ nhõm đến không ngờ. Đột ngột ta chuyển dịch vào trụ tại hoan hỉ địa, miền đất ở đó “tâm thoát khỏi sự sợ hãi, khiếp nhược”, cả sự sợ hãi cái đáng sợ nhất là cái Chết.

 

Và khi mục như thị, ta chánh tinh tấn trên con đường hành đạo.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cho ta con đò. Nó là phương tiện thiện xảo. Đã nhìn thấy mặt trăng, ta không còn cần đến cánh tay chỉ mặt trăng nữa. Từ đây, như một châm ngôn nổi tiếng của Thiền, ta chỉ còn “gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng”. Mỗi hành cử của ta đều xuất phát từ đạo tâm. Ta vô ưu bước đi giữa lòng đời. Chỉ từ đây thôi, ta thôi là con sông đau khổ chảy vào bể khổ cuộc đời. Bardo, Bí mật nghệ thuật sinh tử hết còn là bí mật. Nó chính là một nghệ thuật hiểu chết và biết sống.

4 thoughts on “Inrasara: Nghệ thuật hiểu chết và biết sống

  1. Rất cám ơn bác Inrasara. Em đã nghe nói về cuốn sách mới xuất bản trên và tò mò muốn biết có phải chính là cuốn “Tạng thư sống chết” do Ni sư Trí Hải dịch mà em đã được đọc trước đây không. Dù phải hay không phải, bài viết của bác rất hữu ích cho em. Rất ngạc nhiên về sự am hiểu và nắm chắc nội dung về đề tài gai góc này của bác!

  2. Bardo, Bí mật nghệ thuật sinh tử do Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa biên soạn, Nhóm Drukpa Việt Nam dịch ra tiếng Việt. Còn Tạng thư Sống Chết (The Tibetan Book Of Living And Dying) của Sogyal Rinpoche do Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch.
    Nội dung gần như giống nhau, nhưng là hai tác phẩm khác nhau, bạn à.
    Thân mến
    Inrasara

    • Cám ơn bác Inrasara.
      Bác biết không, cũng trên những cuốn sách về Mật tông Tây Tạng mà em được đọc hồi còn ở VN, em biết ở bang Washington nơi em đang sống đây có một ngôi chùa Tây Tạng, một trung tâm Tây Tạng ở Mỹ, và vị trụ trì cũng là “…” Rinpoche (không biết có phải Sogyal Rinpoche hay vị khác).
      Từ ngày đến Mỹ, em đã định tâm và chờ mong có cái “duyên” nào đó cho em có dịp đến viếng chùa này. Thế mà đã 7 năm qua rồi, làm lụng đầu tắt mặt tối, em vẫn chưa có duyên may!
      Bài viết của bác – dù rất ngắn – giúp em ôn lại những điều em đã học hỏi từ những cuốn sách trên. Với em, bác đã vắn gọn nêu lên những điều căn cốt nhất!

  3. Anh Ha Le có vẻ hiểu nhà thơ Inrasara.
    Nhà thơ Inrasara không những là người hiểu biết sâu rộng về Phật giáo mà còn là hành giả. Theo tôi nhà thơ là một bồ tát. Lối ứng xử giữa đời của anh rất đúng phong vị bồ tát. Có vài người chê anh “khờ”. Tôi cho là đúng, vì chẳng phải mọi bồ tát đều là gã khờ giữa cuộc đời sao? Tranh khôn với đời làm gì nhỉ, phải không anh Ha Le?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *