Văn chương & Tư tưởng III-121

Tôi không cho rằng văn học hoặc các sáng tạo nghệ thuật lại cần phải dính líu đến chính trị. Một nghệ sĩ cần phải đứng cao hơn những ràng buộc chính trị và sự cám dỗ của thị trường để đạt được tự do và độc lập trong tư tưởng. Nhà văn không phải là chiến binh, nhiệm vụ của văn học không phải là phê phán hay cải tạo xã hội. Đồng ý là mỗi nhà văn đều có quan điểm chính trị riêng, nhưng quan điểm của họ không nhất thiết phải tuyên bố trong tác phẩm. Tôi tin rằng, các nhà văn chỉ cần thành thực với chính mình khi viết về với những vấn đề cá nhân nhỏ nhoi và mong manh. Mỗi con người thường phải đối diện với rất nhiều sức ép trong xã hội. Họ sẽ bị dìm trong đám đông hỗn tạp hoặc sẽ chế ngự được sự lấn át của các thế lực. Thật là một thử thách dễ khiến người ta nản chí khi phải thể hiện lập trường của mình trong những hoàn cảnh như vậy. Mỗi cá nhân khẳng định sự tồn tại của mình qua những thử thách từ môi trường sống. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy, văn học không phải là vũ khí để phê phán mà là tấm vé chứng thực sự tồn tại. Mỗi nhà văn là một chứng nhân cho thời đại anh ta sống và văn học trở thành bằng chứng mạnh mẽ, sống động cho sự tồn tại của loài người. Văn học thật hơn lịch sử – thứ được viết ra dưới ảnh hưởng của quyền lực chính trị.

Cao Hành Kiện, Thanh Huyền dịch

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *