Inrasara: Đôi lời về ngộ nhận không đáng có

Ba ngày qua (20-22-9-2012), website Inrasara.com bị trục trặc, lúc được lúc mất, cho nên vài phản hồi ở đây tôi chuyển qua Tienve.org. Như thế lại hay! Các trao đổi được nâng tầm, chứ không còn khoanh vùng ở Blog hay Web cá nhân nữa.

Website của tôi lập ra chủ yếu để người Chăm tham gia viết bài và bàn về các vấn đề văn hóa xã hội Chăm; thi thoảng mới có trao đổi đề tài ngoài Chăm. Cuộc thảo luận lớn có, bé có, ngắn hay dài hơi, nhưng luôn đạt hiệu quả nhất định.

 

Các cuộc thảo luận trên Website Inrasara.com thời gian qua,…

So với cuộc trao đổi về “Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống” tháng 9-2009, khi nhà nghiên cứu này bỗng nổi hứng phê phán nặng lời hàng loạt trí thức Chăm hổng về văn hóa Chăm, bị cộng đồng Chăm phản ứng gay gắt;

So với phản hồi của người Chăm về “sự nịnh bợ hình ảnh Bác Hồ nhưng xúc phạm biểu tượng tháp thiêng” qua “Sự cố họa phẩm Làng Chăm ơn Bác của Chế Kim Trung” tháng 5-2010 hay sau đó ít lâu, vào tháng 9-2011, khi “sự nịnh bợ Đảng” của tác giả Sakaya ở Lời nói đầu tác phẩm nghiên cứu của mình rằng “Đảng đã đào tạo các nhà văn Chăm” được phơi bày và bị trí thức Chăm phản ứng dữ dội (“nịnh bợ” là chữ các còm-sĩ dùng nhiều nhất khi bàn về 2 sự cố này);

Nhất là so với 2 cuộc thảo luận về “Bất an Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận” vào quý I-2012 với hàng trăm trí thức, sinh viên Chăm vào cuộc, ở đó hơn 70% người tham gia “phản hồi” hay viết bài đều kí tên thật hoặc bút danh quen thuộc; họ viết và họ dám trả giá về ý kiến của mình…

… thì 24 cái “còm” ở bài “Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương”, không là gì cả. Nó bé, cực kì bé! Lẽ ra, nếu nhận thấy có khúc mắc, nhà văn Trần Đức Tiến hay văn thi hữu khác ghé qua để giải thích hay minh định thì hay hơn, qua đó tránh được ngộ nhận hay mâu thuẫn không đáng. Đằng này, do bạn văn hơi nóng vội, sự vụ tiến triển theo hướng khác rồi.

*

Về tinh thần “phản hồi” trên Inrasara.com, tôi có quy định rõ 3 KHÔNG:

– Không công kích vào đời tư tác giả

– Không chống lại đất nước

– Không làm mất tình đoàn kết các dân tộc [cụ thể là ở Việt Nam]

5 năm qua, hơn 2.300 bài viết với non 3.600 phản hồi, tuyệt chưa thấy bạn đọc nào [Chăm, Kinh hay dân tộc khác] than phiền về cách cho hiện “phản hồi” của tôi. Nên, khi nhà văn Trần Đức Tiến cho tôi

nhà thơ danh tiếng, đăng khá nhiều comment “ném đá” cái hội nghị của HNV và một số nhà văn dự hội nghị đó ở Đà Nẵng. Mình không chạnh lòng vì những cái còm “giấu tay” này, nhưng mình lại thất vọng vì ông nhà thơ chủ web. Người đọc thấy chân dung của chính ông ấy qua những cái còm được ông ấy cho hiển thị”

thì tôi thấy đây là hiện tượng lạ, rất lạ.

*

Về việc có hay không sự đồng lõa “giấu tên” “ném đá” hội nghị ấy, xin miễn bàn ở đây (đã có tác giả phân tích rành mạch rồi). Riêng bình luận về các loại “hội thảo” [không riêng gì của Hội Nhà văn] ở Việt Nam, tôi có 4 bài:

– “Vài khuyết tật của hội thảo”, tạp chí Tia sáng, số 17, 5-9-2008

– “Ai gánh trách nhiệm định hướng thẩm mĩ độc giả?”, báo Nhân dân cuối tuần, 24-8-2012

– “Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương” (phần đầu), tạp chí Nhật Lệ, tháng 9-2012

– “Làm thế nào cắt đuôi khuyết tật của hội thảo”, báo Văn nghệ Thành phố, 15-9-2012

 

Ngoài bài cuối, cả 3 bài trước đã đăng ở mạng cá nhân, rồi Tienve.org và được nhiều trang mạng khác link. Vậy là “chân dung của chính ông ấy” được bày ra giữa ban mặt ban ngày rồi còn gì. Bạn văn Trần Đức Tiến hay độc giả nào quan tâm đến vấn đề và thấy có điều cần phản biện lại, có thể trao đổi với tác giả ở Tienve.org hoặc các báo, tạp chí có bài viết trên.

Là điều rất cần thiết cho sinh hoạt chữ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

 

Sài Gòn, 23-9-2012

 

____

 

Viết riêng cho Trần Đức Tiến

 

1. Bạn văn đã chuyển từ

nhà thơ danh tiếng, đăng khá nhiều comment “ném đá” cái hội nghị của HNV và một số nhà văn dự hội nghị đó ở Đà Nẵng. Mình không chạnh lòng vì những cái còm “giấu tay” này, nhưng mình lại thất vọng vì ông nhà thơ chủ web. Người đọc thấy chân dung của chính ông ấy qua những cái còm được ông ấy cho hiển thị(blog Văn Công Hùng, 19-9-2012)

thành

theo tôi, bất kỳ một chủ web nào khi cho hiển thị trên web của mình những cái “còm”, thì người đọc cũng có thể hình dung phần nào chân dung ông (bà) chủ qua những cái “còm” đó(Tienve.org, 22-9-2012)

Tôi thấy được. Cảm ơn bạn!

 

2. Về đề nghị “gặp nhau ở đâu đó, trực diện nói chuyện với nhau đàng hoàng” về chuyện đại sự HNV, tôi nghĩ là không cần thiết. Còn gặp nhau lai rai thì rất… OK.

Thân mến.

2 thoughts on “Inrasara: Đôi lời về ngộ nhận không đáng có

  1. Bài này tôi đọc ở Tiền Vệ rồi. Nhà văn Inrasara viết rất đĩnh đạc, và thuyết phục. Ngôn từ anh cũng vừa phải, chứng tỏ sự lịch lãm đáng khen vậy. Đáng lẽ đề tài này không có gì xảy ra, nhưng vì độc giả TXB có vài lời chọc quê vài nhà thơ nhếch nhác nên xảy ra chuyện anh em khó chịu. Dẫu sao như thế cũng hay và cũng rất là cần thiết vậy.

  2. Đoạn này rất hay, chép lại:

    Tôi đang mong mỏi từng ngày từng giờ để mai sang VỀ NHÀ. Bỏ sáng tác với phê bình, bỏ thuyết trình với nghiên cứu, rời bỏ Tagalau mà tôi trân quý, bỏ danh vị Trưởng Ban Lí luận – phê bình Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ tất.
    Để trở về với chuyện kể Chăm
    “.

    Nhà văn đã viết ý này 2 năm trước. Nay lặp lại.
    Hãy làm như thế đi, thưa nhà văn. Hoan hô nhà văn và nhà văn hóa Inrasara!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *