Văn chương & Tư tưởng II-73

Như vậy, đâu là giải pháp cho các bế tắc?
Albert Camus khuyên rằng, ngay từ khởi đầu, nhà văn đừng tung hết [chưởng] những gì chúng ta đang có, nghĩa là học biết chừa lại cho các tác phẩm sau đó.
Để đảm bảo sự liên tục, Trịnh Công Sơn nói đến chuyện “gối đầu” cho vụ sau. Khi một nhạc phẩm chào đời, anh luôn có bản nháp sẵn sàng cho tập ca khúc kế tiếp.
Cũng có người chủ trương cứ đi tới cùng, khai thác tới cùng vốn cũ; nạp năng lượng mới để sau đó làm ra cái mới khác.
Không vội vã xuất hiện, vài kẻ sáng tác chọn cách thế này.
Giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, khao khát [học tập để] đổi mới, lùng sục vào những vùng tối nhất của khả thể chưa được khai phá nơi tâm hồn ta. Khai thông mạch ngầm mới, biết đâu từ nơi chốn tưởng như không có gì ấy sẽ tuôn trào dòng thác sáng tạo dồi dào hơn, khỏe khoắn hơn.
Nhiều tác gia, Georges Simenon chẳng hạn, muốn không bị mất hứng, đã phải nhốt mình viết liên tục trong khoảng thời gian tối thiểu cho đến lúc hoàn thành tác phẩm. Quá trình đọc lại, ông chỉ làm mỗi nhiệm vụ là cắt, gọt.
Alexander Soljenitsine đã kể đến thuộc lòng trước khi viết tiểu thuyết đầu tay của mình ra giấy.
Nguyên tắc ba trang một ngày của Bernard Shaw cũng là một cách.
Hoặc, khi bế tắc, cứ bỏ đi đâu đó hay làm việc gì đó một thời gian ngắn/dài, tùy (như Balzac, Rilke), nhưng cần giữ trong tâm hồn ngọn lửa sáng tạo âm ỉ cháy. Khác đi: bảo tồn sự đam mê thường trực. Chỉ vậy thôi chúng ta mới hi vọng trở lại mà không tắt.
Cuối cùng, hãy có thái độ chuyên nghiệp, làm việc một cách chuyên nghiệp. Nói như Trollope: Hãy viết như kẻ lao động chân tay. Hay H. Miller: Khi chúng ta không thể sáng tạo, chúng ta vẫn có thể làm việc.
Inrasara, “Bế tắc trong sáng tạo”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *