Thi pháp dân tộc t[h]iểu số trong thơ Đỗ Thị Tấc

Tiêu đề của tiểu luận này dễ gây buồn cười. Hẳn sẽ có người nghĩ tôi đùa cợt với con chữ. Nhưng không. Đỗ Thị Tấc là nhà thơ người Kinh, sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm thơ đa phần lấy cảm hứng từ cuộc sống dân tộc và miền núi. Như vậy, Đỗ Thị Tấc thiểu số giữa thiểu số. Tôi gọi là t[h]iểu số:
Và thiểu số giữa lòng thiểu số
(Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, 1997)
Đây là điều quý. Quý hơn nữa khi sáng tác của nhà thơ nữ này thuần thi pháp dân gian – một thứ thi pháp gần gũi với thi ca của đồng bào dân tộc thiểu số anh em.

1. Thơ Đỗ Thị Tấc rất ít bài có vần. Bù lại: điệp. Luôn luôn điệp. Điệp âm, điệp từ, điệp cụm từ, điệp tứ; điệp liền, điệp cách dòng, cả điệp trong một câu… Thơ ca dân gian chủ yếu được tiếp nhận qua truyền khẩu, nên muốn dễ thuộc lòng, ngôn từ phải giản đơn dễ hiểu, nhịp thơ đều đặn dễ ngấm, và… điệp. Thử đọc một đoạn ca dao Chăm:

Kabaw hwa lingal gan ar
O yaum di tian ahauv kabaw
Kabaw hwa lingal gan crauh
O yaum sa bauh ahauw kabaw.
Trâu kéo cày qua bờ
Chẳng buồn lòng “họ” trâu dừng lại
Trâu kéo cày qua suối
Chẳng buồn nói một tiếng “họ” trâu
(1)

Hai đoạn thơ, nhưng chỉ có ba từ khác nhau!
Nhiều bài thơ của nhà thơ “thuần” chất dân tộc: Lò Ngân Sủn, cũng vậy. Ví dụ bài nổi tiếng nhất của anh: Người đẹp. Các từ: người đẹp, trông như, vào, người không,… lặp lại nhiều lần trong một bài thơ ngắn. Cả bài Chiều biên giới cũng thế, dù mức độ thấp hơn.
Nhìn ra bên ngoài, Pháp chẳng hạn, một nhà thơ đại chúng nhất của Pháp đầu thế kỉ XX là J. Prévert. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và truyền bá rất rộng. Bài “Déjeuner du Matin” (Điểm tâm sáng)(2) là một ví dụ. Ông đã liệt kê tuần tự các thao tác hầu như khá nhảm, và tầm thường đến nhàm chán: Hắn bỏ cà phê / Vào tách / Hắn rót sữa / Vào tách cà phê / Hắn bỏ đường / Vào cà phê sữa / …Hắn đốt điếu thuốc / Hắn thổi ra những khoanh tròn / Không nói với tôi / Không nhìn tôi /… Và hắn đội mũ / Đi / Dưới cơn mưa /… Nhưng chính đoạn cuối đã biến các liệt kê ấy thành thơ, một bài thơ hay: Không một lời / Không nhìn tôi / Và tôi / Hai tay bưng lấy đầu / Và tôi khóc. J. Prévert đẩy người đọc đối mặt với cái vô tình đến trơ lỳ của con người hiện đại: với xung quanh và nhất là, với tha nhân.
Nó khác hẳn thi pháp của thơ hiện đại. Raymond Carver với “Fear” (Sợ), cũng dùng thủ pháp liệt kê tương tự, nhưng mỗi câu thơ với một thi ảnh lạ biệt đã tạo cho người đọc các cảm xúc khác nhau. Mỗi câu có thể đứng tách khỏi các câu khác mà rất ít bị ảnh hưởng đến giá trị của mình:

Sợ thấy xe cảnh sát rẽ vào ngõ nhà mình
Sự thiếp ngủ trong đêm
Sợ không ngủ được
Sợ quá khứ trỗi dậy
Sự hiện tại biến mất
Sợ điện thoại réo lúc nửa đêm
(…) Sợ phải nhận xác một người bạn
Sợ hết tiền
Sợ dư dả, dù chẳng ai tin…
Sợ những vẻ mặt trầm cảm
Sợ đến muộn và sợ đến sớm hơn mọi người
Sợ nét chữ các con trên bao thư
Sợ chúng sẽ chết trước mình, và mình sẽ thấy có lỗi
(3)

Ở bài “Trầu say”, chúng ta bắt gặp hai dạng điệp, điệp liền dòng (điệp từ và cụm từ):

Mẹ không gặt con trên cánh đồng tình yêu
Mẹ không gặt con trên cánh đồng hoan lạc
Mẹ không gặt con trên cánh đồng Người…

Bỏ lại hàng cau
Bỏ lại giàn trầu
Bỏ lại bình vôi…

Điệp cách dòng:

Lời ru bay lên
Ngọn tre làng cong ngàn dấu hỏi
Lời ru run lên
Nghê đá đình làng nhe răng không nói
Lời ru ra cánh đồng
Lúa ngậm đòng hết thì con gái

Tôi nghĩ, với lối điệp như thế, người ít chữ nghe qua vài lần là đủ thuộc.Có khi hứng lên, Đỗ Thị Tấc điệp luôn từng cặp một:

Mài đá giữa nhà làm bàn
Mài đá trước sân phơi hạt
Cây lúa, cây rau vươn lên từ nách đá
Cây ngô, cây kê mọc lên từ kẽ chân của đá
Những tiếng cựa quậy làm nên sự sống
Những tiếng động của sự chết

(“Sữa đá”)

2. Đặc điểm thứ hai của thi pháp dân gian là lối sử dụng ngôn từ giản đơn, những hình ảnh cụ thể gần gũi với sinh hoạt hàng ngày. Ở đây nữa, Đỗ Thị Tấc khá đạt chuẩn. Đến nỗi chúng ta nghĩ đó là nói chứ không thơ gì cả, vậy mà nó cứ thơ:

Sữa người trắng
Sữa đá trong…

Về đi em
Cho đầu anh gối tóc
Cho tay anh gối đầu
Mình như ngọc đôi chẳng rời nhau

Đọc đến đoạn thơ này của Đỗ, tôi bỗng giật mình. Lạ quá: sao giống hệt cái tứ/từ của một bài ca dao Chăm thế?! Dù đã trích dẫn hơi nhiều, nhưng tôi không thể không dẫn thêm:

Về đi em cho đùi gác
Hai tay em ấp, em xức dầu thơm
Tóc anh bù rối như rơm
Tay em vuốt sẽ mượt hơn lượt là
(4)

Thi pháp dân gian-dân tộc-Đỗ Thị Tấc gần nhau là thế.

3. Và cuối cùng là: câu đơn, ngắn. Trong các tập thơ của mình, Đỗ Thị Tấc để trắng rất nhiều khoảng trống trên trang giấy. Nhà thơ t[h]iểu số này sử dụng tối đa câu đơn và xuống dòng. Một hình ảnh dùng đắc: xuống dòng; một cụm từ, ba chữ, thậm chí hai chữ: xuống dòng. Đây có lẽ là khác biệt duy nhất của Đỗ Thị Tấc với thi ca dân gian. Bởi thơ đang có mặt trên trang giấy, nó cần tạo ấn tượng lên cái nhìn của mắt, chứ không còn nghe bằng tai như thơ ca truyền khẩu nữa. Nên, đôi lúc nhà thơ có viện tới cái thang – thơ bậc thang. Dù ít, nhưng có, để tạo ấn tượng.
Thế nhưng cạnh khía này, Đỗ Thị Tấc chưa đạt được điều mình muốn. Bởi đây là loại thơ cấu trúc câu rất gần ngôn ngữ nói. Trong lúc, nói như Phan Ngọc: “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”(5). Thơ Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn, tổ chức câu phức hợp, rối rắm, thừa thãi đến nỗi có người cho nó là thứ thơ dịch, đòi biên tập bằng cách cắt bớt nó đi!(6)

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông(7)

Đối trọng nó, thơ Trúc Thông:

buổi sáng nguyên
tâm hồn nguyên
bạn hiền in nét

lúc

không giạt cà phê đậm
làu khói thuôc
sáng ¬ tâm hồn con gái sắp lên hai
(8)

Cả một bài thơ, hầu như không có từ “thừa”, đôi lúc thiếu, rất thiếu nữa là đằng khác. Tiết kiệm tối đa từ để đạt tối đa hiệu quả thơ. Cái hay của Thiều là hay của sự thừa, ở Trúc Thông là thiếu! Một tổ chức ngôn ngữ quái đản là vậy. Nếu gọi văn xuôi, đấy là thứ văn xuôi luộm thuộm và, chả ra hồn gì cả! Nhưng ở đây, nó là thơ, một loại thơ hiện đại. Khác hẳn Thơ Mới hay ca dao, loại thơ rất gần gũi với văn xuôi, mà là văn xuôi “hay”!
“Khách ngồi lại cùng em thêm chốc lát, vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi!” (Xuân Diệu) hay “Hôm qua tát nước đầu đình, [anh] bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” (Ca dao).
Cấu trúc câu của Đỗ Thị Tấc vẫn còn xa lạ với hệ thống thi pháp hiện đại là thế.

4. Sáng tác dân gian thường nghiêng về cảm xúc, nó đánh thẳng vào tình cảm đối tượng, gây cho người đọc buồn, vui, yêu, ghét. Trong lúc cái hay của thơ hiện đại đa phần là hay ở toàn cục, tập hay bài. Và, bởi cấu trúc đứt quãng, phân mảnh,… nên trong mỗi bài, nhiều đoạn vẫn có thể sáng lên bất ngờ – người đọc có thể đọc bất kì đâu nếu thích, không cần theo trật tự từ đầu đến cuối “câu chuyện”. Thơ bình dân, ở đây là Đỗ Thị Tấc, thì ngược lại. Nó đòi hỏi chúng ta phải đọc tuyến tính, theo dõi trên xuống; kịch tính dồn dần về đoạn dưới để bùng vỡ nơi đoạn/câu cuối cùng. Tôi phải lần nữa trở lại với J. Prévert. Hai bài thơ nổi tiếng của ông: “Paris at night” hay “Déjeunée du matin”,(2)… các câu đầu chỉ thuần mang tính liệt kê, liệt kê đến nhàm chán; rồi đột ngột ở câu cuối, ông đẩy người đọc đối mặt với điều bất ngờ nhất: nó chiếm lĩnh hồn ta, khiến ta cười, đau, khóc, buồn… Thủ pháp này, Lò Ngân Sủn thường xuyên sử dụng, và anh đã làm rất đạt. Hôm nay, chúng ta có thêm: Đỗ Thị Tấc, dù ít rõ nét hơn. Trong đó “Hai vòng thia lia”, “Mười ba bậc cầu thang”, “Vô đề”,… tiêu biểu hơn cả.

5. Đọc Đỗ Thị Tấc tập đầu: Sữa đá, cảm động; đọc tập tiếp theo: Những người mẹ núi, cũng cảm động như thế. Cảm động nhưng, chán! Cứ thủ pháp cũ lặp lại, dù có thêm một ít đề tài mới, vài tứ mới nhưng nữ thi sĩ này đang dậm chân tại chỗ trong kĩ thuật biểu hiện. Vẫn điệp từ, cụm từ, điệp tứ, câu,… Vẫn rù rì tuyến tính, vẫn cứ dừng mãi ở cảm xúc, thuần cảm xúc, vân vân. Tôi có suy nghĩ rằng nếu có nhập chung hai tập lại làm một, thơ Đỗ Thị Tấc vẫn là “nhất quán”. Những người mẹ núi là một nối dài của Sữa đá, không hơn. Trong lúc bản chất của thơ là một phiêu lưu, một khám phá không ngừng. Như cuộc sống vậy.

_________________________
Chú thích

Đỗ Thị Tấc sinh năm 1963 tại Hưng Yên. Hiện là phóng viên Đài phát thanh – truyền hình tỉnh Lai Châu. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã xuất bản: Sữa đá (1999), Những người mẹ núi (2001).
(*) Các trích đoạn từ Sữa đá, NXB Hội Nhà văn, H., 1999 và Những người mẹ núi, NXB Hội Nhà văn, H., 2001.
(1) Tagalau 3, NXB TP Hồ Chí Minh, 2003, Inrasara dịch.
(2) Prévert (J.), Les Paroles, Gallimard (Le Livre de Poche), Paris, France. (3) Sợ, Trần Minh dịch, eVan.vnexpress.net, 2004.
(4) Inrasara, Văn học Chăm – khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
(5) Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2000, tr. 30.
(6) Trần Mạnh Hảo, Thơ phản thơ, NXB Hội Nhà văn, H., 1995.
(7) Nguyễn Quang Thiều, “Sông Đáy”, Thơ tự do, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999.
(8) Trúc Thông, Ma-ra-tông, NXB Văn học, 1993.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *