Khép lại sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống

Harak đwơc thrwai, cabbwai đwơc drah
Thư chuyển lâu, môi miệng truyền mau
Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa…

Bài báo “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống đã gây xôn xao dư luận Chăm. Có lí do của nó. Thứ nhất, dân tộc Chăm rất quan trọng chuyện chữ nghĩa; thứ hai, Nguyễn Thành Thống đã đụng chạm đến hầu hết trí thức Chăm; thứ nữa, cộng đồng Chăm rất nhỏ bé như thể cái làng; thêm, sự nhanh nhạy của thông tin liên mạng. Cho nên nội nhật, bài báo trên cùng với “Đính chính” của Inrasara được bà con nhanh chóng nhân bản chuyền tay nhau đọc…
Và tạo dư luận.
Nửa tháng trôi qua, tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại và tin nhắn, hàng chục thư điện tử, 5 phản hồi trên Inrasara.com và 3 bài trao đổi: Thành Eh Ai có bài nhận định 2.900 chữ; Mưgru Akhar với bài phản hồi 2.600 chữ; còn Trà Vigia viết “Góp phần tìm hiểu văn hóa Chăm” rất chu đáo 5.560 chữ (đã đưa lên Inrasara.com, 16-9-2009). Tạm tóm mấy xu hướng như sau:

1. Phản ứng của Chăm:
Bà con Chăm hải ngoại hầu như nín thinh, chỉ vài thư điện tử phản hồi. Một hiện tượng khá lạ! Khác hẳn với các thư qua lại cấp tập về chữ viết Chăm với vài vấn đề cá nhân khác, hai năm trước.
Còn các nhà khoa bảng Chăm, không ai lên tiếng. Có lẽ các anh nghĩ bài báo chẳng liên can đến cá nhân hay ảnh hưởng đến vị thế mình, vì Nguyễn Thành Thống chỉ nói chung chung, chứ không chỉ đích danh một ai cả.

Chỉ có Chăm ở Panduranga là phản ứng, mỗi người mỗi cách:
– Xu hướng thứ nhất, như bạn DS bảo “Cei Sara quan tâm đến nó làm gì, ông Thống chỉ là dân ngoại đạo”. Xin khẳng định ngay với bạn là bạn nhầm. Nguyễn Thành Thống là người hiểu biết; bài viết được đầu tư dài hơi mang tính tổng hợp.
– Xu hướng thứ hai: Đó là chuyện các trí thức với nhau, không liên quan tới mình. Vả lại ông Thống có thế đứng, ông nói sao mà chả được. “Đính chính” của Inrasara là đủ rồi, quyết toán vấn đề rồi. Nghĩ vậy là chưa rốt ráo! Trả lời phỏng vấn trên Văn nghệ trẻ số mới nhất (số 35-26, 2009), tôi có đưa khái niệm “phê bình mở”, nghĩa là tất cả độc giả không phân biệt trình độ, tuổi tác, vị thế,… đều có thể góp lời bàn về một vấn đề mình quan tâm, ngang bằng và sòng phẳng. Nhất là trên phương tiện thông tin liên mạng hiện đại.
– Ngoài hai ý kiến trên, đại đa số người Chăm có học tỏ rõ sự phản bác quyết liệt với tác giả bài báo và nội dung của nó. Có vị còn đề cập đến chuyện kiện tụng nữa. Sự thể phần nào khiến ta không thể không nhớ đến phản ứng của không ít người về tiểu luận xã hội “Về hiện trạng xã hội Chăm,…” của Nguyễn Văn Tỷ đăng trên Tagalau 4 (vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa ở Tagalau 5). Chỉ khác ở đây là Nguyễn Văn Tỷ là người trong cộng đồng mang đầy trách nhiệm một trí thức vạch “thói hư tật xấu” của cộng đồng để tìm cách sửa chữa, khắc phục. Còn Nguyễn Thành Thống là người ngoài cộng đồng phê phán mang tính “mỉa mai”, “bôi bác”, “hạ bệ” (từ dùng của vài độc giả) để chứng tỏ vị thế cá nhân.
Chuyện đúng sai tôi đã nêu lên trong “Đính chính”, xin miễn nhắc lại.
Tóm tắt nội dung các ý kiến như sau:

2. Nội dung
a. Nguyễn Thành Thống:
Sau khi bài “Đính chính” của Inrasara đưa lên Inrasara.com, Nguyễn Thành Thống phản hồi ngắn gọn qua thư điện tử: Chớ nên cắt vụn câu văn để phê phán(*). Một Sara thì có thể đọc lầm, 3 trí thức Kinh cũng có thể lầm, nhưng trăm trí thức Chăm với cả khối cộng đồng người đọc Chăm thì không thể lầm được. Chú ý: Bài viết trên là “nghiên cứu” chứ không là sáng tạo văn học hay tác phẩm triết lí. Nếu viết “bài báo” mà để người thiên hạ hiểu lầm như thế, thì xin hết ý kiến.

b. Trí thức Chăm:
Mưgru Akhar: “giới tri thức và cả cộng đồng Chăm hết sức căm phẫn”, bài báo “không mang tính xây dựng”.

Thành Eh Ai: bài báo “đáng nguyền rủa”, “chê bai, hạ bệ những trí thức Chăm”.
Và “Phải nói là trí thức Chăm rất lấy làm buồn, rất căm phẫn và đặc biệt là rất tủi nhục vì gặp phải một ”trí thức” người Kinh gốc Ninh Thuận (Tấn Tài – Phan Rang) đánh giá văn hóa Chăm và các trí thức Chăm quá tồi tệ, đốn mạt đến thế!”
Thành Eh Ai “rất lấy làm tiếc cho ông vì mới ‘nhập môn’ về văn hóa Chăm mà bị ‘ném trứng thối’. Tôi nghĩ chắc ông không có duyên với văn hóa dân tộc tôi đâu. Ông hãy tránh đường cho chúng tôi tự đi – như thế có lẽ sẽ an toàn và vui vẻ hơn. Chúng tôi rất cần những bàn tay thân thiện, những trái tim nhân hậu thật lòng để giúp chúng tôi tìm lại chính mình một cách đầy đủ nhất, khách quan nhất hầu sống hài hòa, thân ái với cộng đồng các dân tộc anh em khác trên mảnh đất thân yêu này”.

Trà Vigia nhận định ông Thống “phát biểu hàm hồ vô lối”, “điếc không sợ súng”, “ông cứ mạt sát thế này tội lỗi quá!”… Đến nỗi Trà tự hỏi: “Không biết đây là bệnh lý hay bệnh tưởng và có cần chữa trị hay không?!”
Khi thấy ông Thống sa đà, Trà buộc phải lên lời can ngăn: “Ông mang các từ “chính trị, Fulro” vào nghiên cứu tạo nên những mũ chụp vô hình rất nguy hiểm, tôi mạo muội xin can nếu ông còn khao khát nghiên cứu văn hoá Chăm. Còn không thì ông cứ việc!”
Trà gợi cho ông Thống đặt câu hỏi mang tính nền tảng hơn “Có khi nào ông đặt vấn đề: “Tại sao một nền văn hoá, văn minh Chăm xưa kia huy hoàng rực rỡ đến thế mà hôm nay ngay cả những ông khoa bảng người Chăm lại có kiến thức rất sơ sài về nền văn hoá của cha ông mình, đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”. Nếu hiểu được, chắc ông đã không nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện và cục bộ như thế!”
Và đây là tiếng nói của một trí thức chân chính:

Hiểu văn hoá Chăm không phải để chê bai miệt thị người khác mà là cảm thông san sẻ những nụ cười nỗi đau nhân thế cho ngày mai tốt đẹp hơn. Hiểu những khó khăn của họ và sẵn sàng chung tay vào phụ giúp hơn là đứng ngoài quát tháo chỉ đạo ra dáng quan thầy”.

Lâm Xuân Vũ còn đề nghị ông Thống trả lời 4 câu hỏi rất cụ thể.

Trần Can thì yêu cầu ông Thống sửa lại bài viết và chính thức xin lỗi trí thức Chăm.

c. Về bài “Đính chính” của Inrasara, có ông thầy cũ từ Mỹ email về khuyên “Đừng quá tế nhị mà trở thành KHỜ KHẠO”; ở đó không ít bạn đọc bảo Sara lịch sự quá không cần thiết trong trường hợp này. Khoản này Sara thấy mình hơi bị oan: Nếu bạn cho ông Thống thiếu lịch sự, vậy bạn muốn nhà thơ Inrasara cũng thế ư? Và thầy đã không thích cái “khôn lanh” của ông Thống, thì thầy đâu muốn học trò cũ của thầy hành xử hệt vậy.

d. Về lí do 2 bài Phản hồi của Thành Eh Ai và Mưgru Akhar không được đưa lên Inrasara.com.
Theo nhận định của tôi, hai bài này rất đích đáng và cần thiết. Cả hai cũng đã được chuyền tay trong cộng đồng rồi. Cái chưa được ở cả hai bài là đề cập đến cá nhân Sử Văn Ngọc nhiều, đụng cả đến nhân thân anh là điều rất không nên. Trong khi, về bài báo của ông Thống, anh Ngọc hoàn toàn ngoại phạm. Cho dù bà con có nghi ngờ [ông Thống một chiều đã tin nghe lời] anh đến 99%, nhưng không có chứng cớ nào để đưa anh vào bài để phê phán cả. Nhất là khi sự thiếu khuyết thể chất anh hay bằng cấp thấp của anh bị đem ra mỉa mai. Vả lại, với bài báo của mình – nói như Trà Vigia – ông Thống cũng đã vô tình “đẩy ông Sử đến đường cùng” rồi. Nên, website Inrasara.com xin miễn đăng hai bài này.

Tóm lại, qua những phản hồi tôi nhận được, có thể nói hầu hết trí thức Chăm nhất trí với nhận định rằng bài báo của Nguyễn Thành Thống là “chủ quan”, “cẩu thả”, “hàm hồ vô lối”, được viết với tinh thần “vô trách nhiệm” và hơi “không lương thiện”.

Nhưng nói đi thì phải có nói lại. Xin mượn lời Trà Vigia để kết phần này:

Để kết thúc, tôi xin chân thành cảm ơn ông Thống và cộng sự đã viết một bài gợi mở rất nhiều vấn đề. Đây thật sự là một tâm huyết mà thiết nghĩ: mỗi một người Chăm cần nhìn lại mình, lắng nghe và thấu hiểu! Có thể vì quá bức xúc nên ông Thống có hơi nặng lời và chủ quan trong nhận định nhưng nhầm lỗi luôn là thuộc tính của con người… Một lời nói không sai chưa hẳn đã đúng nếu cách nói trịch thượng và không thuyết phục được người nghe”.

3. Cám ơn Nguyễn Thành Thống
Ý kiến tôi, đứng về mặt lợi ích cộng đồng mà xét, khi dẹp qua được một bên sự “căm phẫn” về các ngôn từ phê phán tiêu cực của tác giả, bài báo của Nguyễn Thành Thống vẫn có khía cạnh tích cực của nó.
Thứ nhất, nó đánh động trí thức Chăm suy nghĩ nhiều hơn về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Thứ hai, nó buộc cộng đồng nhìn lại khả năng hiểu và sử dụng “tiếng Chàm phổ thông” của mình. Thứ ba, từ tự thức mang tính trí thức đó, nó thúc giục ta hành động một cách thích đáng trong công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cuối cùng, bài báo có tác dụng đáng kể về mặt thực dụng, khi nó có vẻ “xem thường” việc dùng tiếng Chăm độn trong sinh hoạt ngày thường của chính người Chăm, nó chạm đến tự ái Chăm. Đáng lắm chứ!
Mươi năm qua, tôi thường xuyên báo động hiện tượng này trong các bài viết. Về ngôn ngữ cũng như văn chương, về tư tưởng hay cả khi đề cập đến vấn đề xã hội. “Làm thế nào để nói tiếng Chăm?”
Không riêng Nguyễn Thành Thống, bất kì người ngoài nào cũng có thể nghe và đoán được nội dung cuộc nói chuyện của vài Chăm với nhau. Bởi ta đang ĐỘN đến 60-70% tiếng phổ thông (tiếng Việt) vào đàm thoại hàng ngày. Và từ đó, “họ” ngộ nhận là người Chăm kém “tiếng Chàm phổ thông” – không sai vào đâu được!
Nhưng “họ” (Kinh, Tày, Thái,…) sẽ sai trầm trọng, khi nghe Sara, Jaka, Trà Vigia, Jaya Hamutanran nói chuyện! – Đố có ông bà nào vào đây mà đoán mò!

Riêng cá nhân tôi, qua sự “nhắc nhở” đáng kể của Nguyễn Thành Thống, chắc chắn tôi sẽ cẩn trọng hơn trong phát biểu, biết dè chừng hơn [chứ không đầy nghệ sĩ tính như lâu nay] trong trả lời phỏng vấn, chu đáo và kín kẽ hơn trong các tiểu luận và công trình của mình.

Vậy đó, hiếm có ai chịu liều mình hi sinh để dạy chúng ta bao nhiêu bài học đáng giá như thế. Theo tôi – không bao giờ có. Cho nên, ở tận sâu thẳm, tôi muốn nói lời cám ơn Nguyễn Thành Thống!

Sài Gòn, 17-9-2009.

_________________

(*) Ngay sau nhận được bài “Đính chính”, Nguyễn Thành Thống có gởi thư điện tử phản hồi. Email rơi vào Spam, nên tôi đã xóa nó đi. May, sau đó thạc sĩ Đàng Năng Hòa mới tin cho tôi biết nội dung của thư này.

10 thoughts on “Khép lại sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống

  1. Thầy Tỷ gợi ý, 2 bạn HT và Tr Thang Giang có đề nghị hay lắm, nhưng phải phân tích có lý tình thì bà con cô bác mới nghe lọt tai để còn đi cổ động. Tôi đề nghị như vầy:
    Các vị tham gia soạn Từ điển thời cha Moussay thì phần nhiều đã mất, còn lại thì tuổi già sức yếu nên các cụ chắc không thể đi dự rồi. Miễn cho các cụ đi.
    Ban biên soạn còn lo bao nhiêu chuyện dạy và học, tham gia vào hội thảo này thì phải có công văn trên, lên kế hoạch chuẩn bị, rồi dự trù kinh phí… ôi nhiêu khê lắm.
    Còn anh Sara, ngoài đời thì kêu ô Thống bằng anh, nghe đồn vài lĩnh vực nào đó ô Thống còn là bậc thầy; chớ chinh chiến trường văn trận bút thì NTT phải kêu anh Sara bằng cụ! Sara ở bàn nhậu với ngoài đời thì khật khừ mười lăm cũng ừ mười tư cũng gật, chớ trên diễn đàn văn học thì phải nói là bậc luận sư chính hiệu con nai vàng. Anh ở xa nghe nói đang sốt nữa.
    Vậy chỉ còn mỗi thầy Tỷ. Thầy nghỉ hưu nên huỡn. Hai vị qua sân trung lập Ba Ngòi như HT chủ trương là phải. Đá có thưởng. Cổ động viên Tagalau đi cổ động vô tư. Nhưng 2 vị phải kêu 2 thùng Ken trước đã. Và kêu mồi khô cho nhiều vào. Nghe nói 2 vị ít chịu lai rai. Vậy là mồi bia sẽ được cổ động viên hưởng sái.
    Xong cuộc thắng thua cũng vui vẻ ôm hôn nhau.
    OK?

  2. Ông Sử Văn Ngọc là ai?

    Đáng lẽ ô Ngọc chả liên can gì đến vụ này. Bởi ông Thống viết rằng:
    “Khó mà kiếm được những người như cụ Thiên Sanh Cảnh trước đây và Ông Sử văn Ngọc hiện nay”.
    Thế nên đúng như Trà Vigia tiên đoán là “ông Thống đẩy ông Sử vào đường cùng”. Còn Inra thì bảo, là: Không biết anh Ngọc đón nhận lời khen tặng này thế nào, tôi thì thấy viết như thế, ông Thống đang đưa đối tượng vào thế chông chênh rất kẹt, trong quan hệ cộng đồng Chăm với nhau.
    Thế là Chăm đổ nghi ngờ về thầy dùi như Truong Thanh Giang ý kiến.
    Cho nên cho dù Ỉnra có can bà con không nên nhắc tới cá nhân ông Ngọc vì ông ngoại phạm, bà con cứ nằng nặc nhắc cho bằng được. Ông Tỷ thì ám chỉ: ông Thống chỉ theo học một người Chăm có lẽ chẳng ra gì nên ông mới viết ra bài tồi tệ như thế này.
    Khi xác minh manh mối, ông Mưgru Akhar mới truy: “còn anh và gru Sử Văn Ngọc đã làm được gì hơn 10 năm tại Trung tâm văn hoá Chăm?” Ô có dạy được 1 người Chăm nào biết chữ Chăm không?
    Ông Thành Eh Ai càng làm căng hơn nữa. Kể rất nhiều chuyện thâm cung bí… tị.
    Thôi nói thế là đủ rồi, không khéo nhà thơ Inra thổi còi phạm luật. Ô Ngọc nên xem đó là bài học để rút kinh nghiêm.
    Pà con cô pác ơi, nghỉ ở đây thui. Chuyện chả có gì là ầm ĩ.

  3. Tôi vừa xem website Inrasara gần đây, nhưng thấy rất hay và thú vị.
    Không biết mai mốt gởi thơ văn gì lên anh Inrasara có cho đăng không nhỉ?

  4. Tiếc là khi có được những thông tin về bài “nghiên cứu” ngạo mạn một cách nguy hiểm của Nguyễn Thành Thống, tôi đang quá bận. Tôi nghĩ Inrasara chưa vội khóa kết lại diễn đàn này. Nguyễn Thành Thống có thể viết “nghiêm túc” một bài “nghiên cứu” như vậy thì chắc là không hèn đến nổi chỉ đủ sức gửi máy dòng thư điện tử ngắn ngủi như vậy thôi sao?
    Có một số việc Nguyễn Thành Thống nên có hứng thú để tìm hiểu hơn là cái bài “nghiên cứu” vừa rồi:
    1. Ông thử đếm xem, bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ thuộc lĩnh vực khoa học XH và NV tại Việt Nam đọc được chữ Việt Cổ?

    2. Ông thử tìm hiểu xem tỉ lệ bao nhiêu % người Việt Nam (tôi nói là người Việt Nam chứ không phải là người Kinh đâu nhé!) mù chữ qua các thời kỳ: Bắc Thuộc, Pháp Thuộc, Mỹ – Ngụy và thậm chí là hiện nay?

    3. Theo ông thì có những lý do gì (một cách trung thực nhé!) mà người Chăm hiện nay chỉ có trình độ bình dân học vụ về Tiếng Chăm?

    Nếu là một nhà khoa học, tìm hiểu một cách tâm huyết, có cái TÂM thì tôi nghĩ ông sẽ hiểu tại sao cộng đồng Chăm lại phản ứng với cái bài “nghiên cứu” phách lối và ngạo mạn vừa qua của ông.

  5. Mấy câu hỏi của JA rất căn cơ. Rât hay và có thể đẩy đối tượng vào thế bí.
    Phản hồi thì ngắn như thế mới độc chiêu.
    QT

  6. Mặc dù là người ngoại đạo hưng tôi thấy cách Nguyễn Thành Thống viết bài nghiên cứu như thế thì không đáng làm công tác nghiên cứu văn hóa tí nào. Tôi không hiểu ông đang nghiên cứu hay đang cố tình làm đau cả một dân tộc?

    Ông nên viết những bài mang hàm ý cảm ơn dân tộc này thì đúng hơn nếu ông là người có tí hiểu biết về lịch sử, nhất là ông nên nhìn xuống dưới chân để biết mình đang đứng ở điểm nào trên bản đồ hình chữ S.

    Tôi vốn không giỏi sử như ông, không tự hào là một nhà nghiên cứu “tâm huyết” như ông. Nhưng khi đọc được bài nghiên cứu này của ông, tôi hiểu tại sao ông “ngủm” khi bị phản pháo. Cực kỳ nguy hiểm ông Thống ạ! Không khéo ông lại kéo theo nhiều vấn đề nhạy cảm đấy.

    Đọc phản hồi của Jalau Anưk tôi lại càng thấu hiểu. Tôi không tin là ông có thể trả lời nổi những câu hỏi mà Jalau Anưk đã đặt ra. Mà nếu ông không “hèn” (theo cách dùng từ của Jalau Anưk thì tôi cũng không tin là ông có đủ dũng cảm để trả lời mấy câu hỏi này một cách trung thực.

  7. Quang Tan
    GÚT VÀ NGHỈ

    Sự vụ Nguyễn Thành Thống lớn như thế mà Quang tôi chưa thấy ai tổng kết tôi thấy hơi lạ. Inrasara chỉ có lời cám ơn, sau đó vài trả lời nhận xét của mấy người nữa. Vậy Quang tôi xin mạnh dạn tạm gút 3 điểm sau:

    1- Nhà bác học mà đi tin lời một tay ngu xuẩn để đến tận cổng nhà người ta chửi rủa thì hết là nhà bác học để chính mình thành: NGU XUẨN nốt (ý của Nguyễn Văn Tỷ).

    2- Người ta đang yên đang lành mà réo hết tên tuổi cha chú cố nội ngoại người ta ra chửi, đến khi người ta ra hỏi hà cớ, thì bỏ chạy là: HÈN (ý của Jalau Anưk).

    3- Mãi miết ngồi trong nhà nói chuyện, được người chửi la to lên mới biết là trời đã sáng, thôi thì hãy kêu nhau đi làm việc. CÁM ƠN người đã có công chửi nhé! (ý của Inrasara)

    Hay ha… a… ay… h… ha… ha… y… y… vỗ tay!

  8. Rất trân trọng tinh thần của J.Le và xin cám ơn ông (bà) về đường link này.
    Vâng, ông Thống có sửa lại bài. Nhưng Quang tôi dòm hoài không thấy có 1 chữ xin lỗi hay cám ơn các trí Chăm đã chỉ ra lỗi TO TƯỚNG của ông Thống. Té ra Nguyễn Thành Thống có thêm 1 đức tính nữa là: KÉM VĂN MINH.
    Xin hết ạ.
    QT.

  9. Khép lại sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống

    Bài “Cám ơn Nguyễn Thành Thống” của Inrasara đăng ngày 17-9-2009, ý tôi mong khép lại “sự cố”. Sau đó có vài độc giả viết “Phản hồi” muốn kéo dài cuộc trao đổi, trong đó có phản hồi của Quang Tan. Ngày 7-10-2009, J.Le viết:

    Thực ra, bài cảm ơn của Inrasara đã hàm ý khép lại rồi, anh Tân ạ”.

    Sau đó Quang Tan phản hồi tiếp:

    Rất trân trọng tinh thần của J.Le và xin cám ơn ông (bà) về đường link này.
    Vâng, ông Thống có sửa lại bài. Nhưng Quang tôi dòm hoài không thấy có 1 chữ xin lỗi hay cám ơn các trí Chăm đã chỉ ra lỗi TO TƯỚNG của ông Thống. Té ra Nguyễn Thành Thống có thêm 1 đức tính nữa là: KÉM VĂN MINH
    ”.

    Đó là phản hồi được post lên cuối cùng. Dù sự cố này gần nửa năm sau vẫn có “phản hồi” gởi đến, nhưng Inrasara.com mạn phép không đăng. Để khỏi phụ lòng người quan tâm, nay xin giải minh luôn thể:

    1. Tại sao khép lại? – Bởi ông Thống đã hiểu ra cái sai của mình, và đã sửa lại bài viết. Còn việc ông có xin lỗi hay cám ơn các trí thức Chăm hay không là chuyện hoàn toàn khác.

    2. Có người Chăm thắc mắc bài viết của ông Thống chỉ đăng trên Blog, lấy xuống để trao đổi là “phạm luật”. Đây là ý không đúng. Blog hay website cá nhân khác nhật kí giấy; bài viết đã đăng, độc giả khắp nơi đã đọc. Nếu đúng thì mọi người hoan hô, còn sai thì bàn thảo hay phản đối, là điều người nhập cuộc làng chữ nghĩa trên mạng toàn cầu phải chấp nhận.

    3. Tại sao cám ơn ông Thống? Duy nhất có 1 độc giả hỏi như thế. Đây là câu hỏi lạ. Hầu hết người đọc bài “Cám ơn Nguyễn Thành Thống” đều hiểu hàm ý của tác giả. Bạn nên xem lại nhé.

    4. Ý kiến cho là những người nghiên cứu văn hóa Chăm chỉ mang tính trục lợi, có công trình hay nổi tiếng rồi thì không giúp được gì cho Chăm.
    Ý này, xin xem đoạn đối thoại trong Chân dung Cát:

    Ngạc nhiên hơn khi hôm sau xuống làng, giáo viên trường kể Hà Vân đã đốp chát thẳng thừng với ông anh họ là giáo viên cấp III ở thị xã, khi anh này bảo các nhà nghiên cứu giống loài kên kên đói mồi đâu sà tới xác trâu văn hóa Champa rỉa rúc. Nữ phó tiến sĩ này hỏi tại sao các anh không làm loài kên kên thử lấy nửa lần cho đất nước nhờ? Các anh muốn xác trâu văn hóa Champa thối rữa trơ xương văng lạc tứ tán hay rã mục vào lòng đất ư?
    (Lưu ý: phát biểu của nhân vật trong tác phẩm không hẳn là ý kiến của chính tác giả)

    Tôi cũng đã phát biểu trong cuộc nói chuyện tại Dak Lak năm 1998, khi có nhà báo hỏi: “Anh khai thác gì ở nền văn hóa Chăm”?. Tôi trả lời: “Tôi không khai thác, mà là từ giữa lòng văn hóa ấy bước ra, và sáng tạo”.

    Ý kiến của độc giả là những người nghiên cứu văn hóa Chăm để trục lợi, vừa đúng vừa sai.
    – Sai. Thế bạn không muốn văn hóa Chăm được nghiên cứu, và được biết đến à? Ngay nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật lớn là vậy… họ còn mở trung tâm văn hóa khắp nơi trên thế giới để quảng bá văn hóa mình. Người Chăm nghiên cứu văn hóa Chăm thì tốt rồi. Có được người ngoài quan tâm đến văn hóa dân tộc mình là một hân hạnh lớn hơn nữa.
    – Bạn đúng, nếu bạn chỉ ra cụ thể ai đã làm sai, sai như thế nào, thật cụ thể. Còn việc họ nghiên cứu chỉ để nổi tiếng cho riêng mình thôi, cũng tốt, miễn là họ làm hay. Bà con Chăm có được công trình để đọc, và văn hóa Chăm được thế giới biết đến nhiều hơn.
    – Riêng có bạn hỏi “ông Inrasara có giúp gì cho cộng đồng Chăm không”? Để tránh sự mơ hồ, xin mời bạn hãy đến nhà tôi ở Sài Gòn hay Caklaing, tôi sẽ cho bạn xem các chứng từ, rất cụ thể.

    Sài Gòn, 5-2-2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *