Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 05. Trần Tuấn

CÁC KHUÔN MẶT MỚI
nghiên cứu – phê bình – tuyển thơ
là tập 4 trong bộ tứ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
gồm 12 nhà thơ, mỗi nhà được dành một bài giới thiệu và tuyển 7-10 bài thơ.
Sẽ tuần tự có mặt trên inrasara.com, sau cùng là bài tổng luận:
“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”.
CÁC KHUÔN MẶT MỚI sẽ được tiếp tục phần 2.
(Chú ý: mỗi khuôn mặt được tiếp cận và thể hiện mỗi cách khác nhau)

*
Họ và tên: Trần Ngọc Tuấn; bút danh: Trần Tuấn
Sinh ngày 19-3-1967 tại Hà Nội
Quê cha: Tịnh Hoà – Sơn Tịnh – Quảng Ngãi
Quê mẹ: Phú Xuyên (Hà Tây, cũ)
Hiện là Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung
Sinh sống với vợ ba con tại thành phố Đà Nẵng.

Tác phẩm:
Miền Mây Trắng (in chung 4 tác giả), NXB Đà Nẵng, 1995
Cầm Gió, NXB Đà Nẵng, 1998
Ma Thuật Ngón, NXB Hội Nhà văn, 2008
Giải thưởng:
– Giải thơ Tác phẩm tuổi xanh – báo Tiền Phong, 1998
– Giải thưởng NXB Đà Nẵng năm 1998 cho tập thơ Cầm Gió”
– Giải Nhất thơ Bách Việt (2008) cho tập thơ Ma Thuật Ngón”
– Góp mặt trong: Tuyển tập Thơ văn xuôi Việt Nam và nước ngoài, NXB Văn học, 1997; Thơ trẻ chọn lọc 1994-1998, (NXB Văn hoá Thông tin, 1998; Nghìn câu thơ tài hoa, NXB Văn học, bản in lần 1- năm 2000; 700 trăm năm thơ Huế, NXB Thuận Hoá, 2008.
– Thơ đăng trên Văn nghệ, Tạp chí Thơ (Hội nhà văn Việt Nam), Văn nghệ quân đội, Kiến thức ngày nay, Thanh niên…, và các website vanchuongviet.org, evan.net, vannghesongcuulong.org.vn, tienve.org, damau.org, diendan.org

*
Trần Tuấn, thơ trong nỗ lực vượt thoát thời gian

Từ Miền mây trắng tập thơ in chung bốn tác giả vào 1995 sang Cầm gió (1998), Trần Tuấn đã phải vượt qua mười năm lận đận tìm đường mới đến được đến Ma thuật ngón (2008) đầy tài hoa. Giú mình trong bóng tối suốt mười năm, là điều khó nhọc với người làm thơ. Không phải sợ người đời quên mà là, sợ mất hút mục tiêu sáng tạo. Sự sợ hãi đó của kẻ sáng tạo là có thật. Nhưng thay vì bám vào ảo tưởng để vuốt ve tâm huyễn hoặc cứ tiếp tục cho ra mắt các sáng tác èo uột của mình, Trần Tuấn đã đứng hắn lại. Phải thật bản lĩnh mới chọn thái độ đó.

Thế nhưng, ngay ở Ma thuật ngón, cũng phải vượt qua bao ngộ nhận, Trần Tuấn mới tìm lại sự tài hoa của thơ anh.
Ngay phần đầu tập thơ, nhà thơ đã tỏ rõ sự tâm đắc đầy ngộ nhận. Những “tay nhớ trắng”, “nụ hoa khẽ trắng” là hay, nhưng đó là cái hay của Tượng trưng đã xảy ra ở trời Tây hơn thế kỉ trước. Gần đây, nó có mặt dày đặc trong Trầm tích của Hoàng Trần Cương. Thủ pháp đó không phải vĩnh viễn lưu kho, nó vẫn còn được dùng, nhưng khi nhiều lần được lặp lại, nó trở thành nhàm, nhảm. Còn gặp những “lông tơ tôi tôi” hoặc:

đỉnh muối
ướp sáng
rịn
ràn
giọt giọt thanh tân

(“Hợp hoan”, Ma thuật ngón)

ta không thể không nhớ đến “trò chơi” của Dương Tường ngày nào. Trò chơi vô tăm tích, nhưng cần thiết. Cũng là cái cần thiết đã rơi lại phía sau, đã làm cổ tích. Riêng kiểu dáng “lau một tiếng nói”, Nguyễn Quang Thiều đã từng giặt giũ, phơi phóng lá phổi khá độc đáo từ non hai chục năm trước rồi.
Bao ngộ nhận ấy đâu chỉ riêng Trần Tuấn ôm mang. Nó có mặt ở không ít nhà thơ trẻ hôm nay. Nhà thơ và người đọc đinh ninh chúng mới. Và cả hai vuốt ve nhau về nỗi mơi mới nhấp nháy đó. Âu cũng là định mệnh của thơ Việt trong hành trình tìm đường hội nhập.

Chỉ thế thôi. Rời bỏ nó, chúng ta thấy một Trần Tuấn hoàn toàn khác.
Một quan sát tinh tế: “Những người đàn bà suốt đời mải miết đi giật lùi”. “Người đàn bà xứ Nắng”, “hơi thở gốm tròn kiếp luân hồi”, với “thỏi đất không tuổi tên”. Họ đi giật lùi đến đâu? Về cội nguồn hay về tận cõi miền huyền thoại?
Một gợi nhớ mảnh đời tưởng đã chìm quên: “hạt lúa chiêm, cuộc hành trình tảo tần lam lũ chớp mắt ngàn năm”. Hạt mầm nhỏ xíu “sơ sinh trong tiếng hát trầm buồn” nhưng sẽ còn mãi đến vạn đại thiên thu.
Đàn bà gốm và hạt lúa Chiêm. Ngôn ngữ và nhịp điệu. “Trầm tích nắng” không chút điệu đà hay óng mượt của ngôn ngữ thơ. Nhịp thơ chắc nịch, dứt khoát. Thi ảnh gần gụi tưởng nặng trần thế nhưng vẫn phiêu lãng thoát tục.
Người ta cứ tưởng bút pháp có thể tách khỏi đề tài, hoặc hình thức xa lìa nội dung. Mà vẫn có thơ hay. Với ai thì được, nhưng ở Trần Tuấn thì không. Đứa con Việt đắm chìm trong cuộc sống và linh hồn văn minh Chăm, lâu ngày hoát ngộ. Anh bật ra tiếng thơ.
Sự đồng cảm và yêu thương gần như thành xa xỉ trong cuộc sống-cuộc thơ đương đại. Người làm thơ ít biết đến nó, ngại nhắc đến nó. Họ sợ lạc hậu, nhất là với nhà thơ ra dáng trí thức đầy hiểu biết. Lần nữa với Trần Tuấn: không! Hiểu biết và yêu thương. Càng hiểu biết thì càng yêu thương.
“Trầm tích nắng”, chùm thơ nhiều khám phá và, tài hoa.

Thời gian ám ảnh mọi thi sĩ mọi nơi ở mọi thời đại.
Với “Trầm tích nắng” Trần Tuấn đẩy thời gian đi giật lùi cho hiện tại gặp quá khứ, thời hiện đại nhập làm một với thời cổ sơ hay nói cách khác, kéo chớp mắt thời gian giáp mặt thiên thu vạn đại, để đưa bàn chân Thời gian đặt trên mặt đất (“Trầm tích nắng”, Ma thuật ngón). Hay, thi sĩ cho dừng sự vận động của thời gian, buộc thời gian ngừng lại – không phải ngừng lại như ở Xuân Diệu của thời Thơ Mới vì thức nhận sự trôi nhanh của thời gian ít nhiều nhuốm màu hiện sinh – mà là xóa nhòa ranh giới chia cắt thời gian và cái chết.

viên đạn bắn vào anh
kìa có phải
đang còn bay từ sườn đồi bên kia
bay
lơ mơ
bay
lơ ngơ

(“Về”, Ma thuật ngón)

Sao tôi không tin thời gian mà chỉ tin cỏ cú
(“Cỏ cú”, Ma thuật ngón)

Câu hỏi hai lần lặp lại ở phần cuối bài thơ về người bạn đã mất.
Đi giật lùi để tìm gặp thời gian đã mất, hay buộc thời gian cho sự sống hiện hữu, để rồi đẩy suy tư đi đến tận cùng: không tin thời gian. Đó là một cách giết chết thời gian xảy ra trong thơ Trần Tuấn.

Thơ Trần Tuấn đầy biến hóa. Biến hóa ở cách kể. Dù hiếm, nhưng thủ pháp vắt dòng được dùng, đột ngột bẻ gẫy câu thơ qua đó làm cho nhịp thơ đi bất ngờ. Nơi khác, khi thì thi sĩ tạo khoảng trống giữa các câu thơ hay trong một câu thơ khiến hụt hẫng và chông chênh ở sự cảm nhận hay nắm bắt sự thể, tại đó thơ đòi hỏi người đọc sức liên tưởng; nhưng lắm lúc Trần Tuấn tạo ra những thi ảnh tiếp nối thi ảnh làm cho câu thơ trương nở đến khó lường. Các thủ pháp đó rất thích hợp với loại thơ tâm trạng.
Tâm trạng của kẻ không tin thời gian.

Khi hết còn tin vào thời gian, ta được gì? – Không được gì cả!
Không có quê hương trong thời gian (R.M. Rilke), cũng đồng thời không có quê hương trong không gian. “Kẻ trú ngụ” cư ngụ trong ngôi nhà hoang đã rời bỏ từ lâu.

– tôi nhìn kẻ trú ngụ bằng ý nghĩ sút dây không ổ cắm
– kẻ trú ngụ nhìn tôi bằng chiếc gáy xa lạ
– xác thân nhìn tôi như kẻ quỵt tiền nhà

(“Kẻ trú ngụ”, Ma thuật ngón)

Không có chỗ trú ngụ. Con của loài người không có đất gối đầu. Hay nói theo ngôn ngữ Nhà Phật: Trụ vô sở trụ. Khi chấp nhận định phận đó, thi sĩ cơ hội tìm có lại thời gian đã mất. Và an trú tại nhà, như là nhà mình.

Sài Gòn, 6-8-2009.

___________________________

Trần Tuấn
Vài suy nghĩ, gửi anh Sara

8-8-2009.

Về ma thuật ngón
Mỗi con người, tôi nghĩ, bên trong cơ thể hiện hữu, vẫn đang tồn tại thật nhiều những sinh thể độc lập khác. Đó có thể là lớp biểu bì gót chân, là từng ngón tay, từng chiếc móng, sợi lông tơ… Và một sinh thể, đó là Ý NGHĨ, trong những hơi thở song hành nhưng độc lập với chính cơ thể tôi. Tôi đang nuôi sống nó, hay chính nó nuôi sống tôi, cả khi đã chết?
“Ma thuật ngón” là phép thử, tìm kiếm trên thân thể bạn những giọng nói của từng sinh thể ấy. Nói rằng, tất cả là vô nghĩa, là dừng lại, là chết, khi không thay đổi cái nhìn và cách nhìn về nó.
Cũng là cách nhìn về THƠ – một sinh thể đặc biệt và lạ lùng nhất.
Với thơ, tôi “không ngang qua sự cư trú nào nữa”.
Nghĩa là, tôi sẽ không bao giờ dừng lại. Không có một điểm đến nào cả!

Về viết – nghĩ…
Thế giới đang phẳng lỳ, tưởng vậy, ai cũng nói vậy. Lối viết hậu hiện đại (của phương Tây mà nhiều tác giả trẻ Việt Nam đang hướng tới) chừng như cũng đang dần tuân theo mặt phẳng ấy. Thế nhưng, một mặt nó vừa chối bỏ trung tâm, chối bỏ cái bao quát tập thể cũng như sự áp đặt của đại tự sự…, mặt khác chính nó lại đang dần sa vào cái bẫy của mình. Nhìn vào thơ hậu hiện đại Việt Nam đương đại, đã thấy sự “giống nhau” đến lạ lùng ở bề mặt (cũng là một yếu tính của hậu hiện đại), chỉ cần thay ghép vài chi tiết/số liệu/nhân vật/sự kiện (thời sự) là đã có thể cho ra đời một bài thơ/ tác phẩm khác! Đó có thể gọi là một sự “độc thoại tập thể”, phản bội lại hậu hiện đại mà người viết cố tình theo đuổi.
Thế giới phẳng, nhưng với tôi, thế giới càng lúc càng gấp khúc, gập ghềnh nhiễu xạ, âm u đến khủng khiếp.
Bởi tôi là một người phương Đông với nhận thức phương Đông và lối viết phương Đông, luôn chú trọng nhắm tới điều đó trong lối viết, lối suy tưởng của mình. Tôi nhìn thấy, nghe thấy, cảm giác thấy sự chất chồng của thế giới, của cơ thể, của từng giác quan, từng sợi lông tơ, từng thanh âm hoá thạch… đè mỗi lúc một nặng lên mình.
Bất kỳ người viết nào cũng có thể thấy câu chữ của mình trở thành ma thuật, khi sống với một tâm thế chất chồng như thế…

Thư Inrasara gửi Trần Tuấn
8-8-2009
(Trích)

Xưa, các cụ đồ cũng cho là Thơ Mới giống nhau, bài nào cũng như bài nào, không phân biệt được. Các nhà cổ điển khi xem tranh lập thể cũng cho là vây. Là chuyện xảy ra ở phương Tây của thế kỉ trước. Hồi nhỏ chăn trâu, mình phục sát đất ông già chăn đàn dê cả trăm con làm sao phân biệt được đâu là dê nhà với dê người. Hay bà cụ lần đầu thấy lính Mỹ vào làng đã la lên làm thế nào mà tay chỉ huy có thể biết mà kêu tên, ngoài mỗi màu da trắng với đen!
Thơ hậu hiện đại Việt, mỗi người mỗi vẻ. Riêng Nguyễn Hoàng Nam sáng tạo nhiều thủ pháp lạ, mỗi hai, ba bài là thay đổi. Ở Việt Nam, mình chưa thấy ai chống hậu hiện đại với tư cách là một lí thuyết cả; mà chỉ chống sự du nhập nó vào Việt Nam, nhất là chống mấy ngàn bài thơ hậu hiện đại dở hay giả được làm ra bởi tay viết kém. Thời Thơ Mới, Hoài Thành phải loại bỏ 99 bài Thơ Mới dở để chọn được một bài hay! 100 nhà hậu hiện đại, mình chỉ chọn được 15 người đưa vào Tuyển.
Nói “độc thoại tập thể”, là không đúng.
Nhóm Mở Miệng, Lý Đợi và Bùi Chát khác hẳn nhau, dù cả hai rất giỏi về sáng tạo ý niệm. Đinh Linh khác Đỗ Kh, Nguyễn Tôn Hiệt khác xa Nguyễn Hoàng Tranh…

Bạn nói phương Đông và lối viết phương Đông, nhưng phương Đông nào đây? Và đâu là bản sắc phương Đông? Phương Đông Ấn Độ (và văn minh Ấn giáo, Phật giáo), phương Đông Trung Hoa (và văn minh Khổng – Lão) hay phương Đông của Hồi giáo? Đâu là hành lịch từ Hoa Nghiêm Kinh sang Thiền tông? Krishnamurti, Osho gần gũi Heidegger thế nào? Lối triết lí của Nietzsche, Derrida có còn mang màu sắc thuần phương Tây của Kant, Hegel không?
Thế giới hỗn độn, chất chồng,… là chung của nhân loại chứ đâu riêng gì phương Đông. Cảm thức về sợ hãi căn nguyên của Nhà Phật với xao xuyến của hiện sinh; cái nhìn của các hậu hiện đại về thế giới hỗn mang. Cứ thử lướt qua sáng tác của các nhà thơ hậu hiện đại phương Tây đi, bạn ắt thấy ma thuật của mình chưa là gì cả! Thế giới văn chương phương Tây khủng hơn ta nhiều lắm lắm.
Kết nhé: Mình không cổ súy hậu hiện đại, càng không tôn sùng nó, mà lập biên bản hiện trường thơ Việt, trong đó có hậu hiện đại. Sau Mở Miệng và trào lưu sáng tác hậu hiện đại, mình nhận ra có vài vượt thoát. Tập 4 này cố gắng ghi nhận vượt thoát đó.
Thân mến.

_______________________

* Gặp mặt trao đổi sẽ vỡ ra nhiều điều thú vị hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *