Ghi chép tháng 3-2009

1. Ra Bắc, rồi từ Hà Nội lên xe đò đi Thái Nguyên gặp anh bạn thơ: Võ Sa Hà. Bạn đang rất buồn. Uống rượu trưa anh chị em văn nghệ Thái Nguyên, cơm chiều nhà bạn, tối cà phê bờ sông Cầu, con sông nổi tiếng mà mình chỉ biết qua trang sách thuở nhỏ. Chuyện vu vơ và nhìn trời mưa bụi bay mù trời đêm. Một nỗi buồn này gặp một cõi lòng buồn khác, ờ, thì cũng đủ lãng quên đời.

Nói chuyện ở Khoa Sáng & Lí luận phê bình Văn học – Trường Đại học văn hóa, sáng 27-2-2009. Khoảng 70 sinh viên, nữ đa số. Sinh viên Việt Nam đã biết hỏi. Biết hỏi là khi ta ít nhiều nắm được vấn đề, hỏi để mở rộng, hỏi để khơi mở bế tắc. Tiếc là hiếm bạn sinh viên trực tiếp đối mặt với diễn giả mà viết ra giấy. Như vậy sẽ mất đi sự linh hoạt trong hỏi. Ngay lối sắp xếp bàn ghế cũng vậy, chưa mang tinh thần hậu hiện đại, nghĩa là diễn giả vẫn là trung tâm. Trung tâm như là kẻ đầy quyền uy của kiến thức. Như là kẻ đến để truyền đạt kiến thức, người nghe chỉ một chiều tiếp nhận. Trong khi mình rất mong người nghe phản biện, càng nhiều càng tốt, càng “độc” càng hay.
Dẫu sao, nhìn tổng thể, buổi nói chuyện vui và thành công.

Lên tàu xuôi Vinh.
Việt Hà chuẩn bị làm luận văn thạc sĩ về thơ Inrasara. Vợ chồng Cao – Hà mến khách. Bin hồ hởi được thấy “ông Sara”, dọc đường cứ khoe với đám bạn ông Sara đang ở nhà tôi đấy! Con nít mà. Gặp anh chị em Nghệ, vui và thâm tình. Gia đình anh Hà, Phan Huy Dũng, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thị Nga,… Câu chuyện xung quanh đời sống văn chương và hậu hiện đại.
Xứ Nghệ “dày đặc” nhân tài, văn nhân và nhà cách mạng, nhà văn hóa. Không thể tưởng tượng được tại sao lại có nhiều nhân tài nảy ra từ đất này đến thế. Mai Hắc Đế, Nguyễn Thiếp, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huy Tự, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,…

Dòng họ 8 đời (tính đến đời Nguyễn Du) là một chuỗi nhân tài. Người Việt cũng rất ý thức giữ truyền thống này. Khu Di tích Nguyễn Du và Dòng họ Nguyễn Tiên Điền án ngữ trên diện tích đến 3,8 ha. Nay mai còn có chương trình phát triển lên đến 320 ha nữa! Khu lưu niệm – Nhà thờ Đại thi hào – Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh – 2 cổ thụ non 300 năm – Nhà tư văn – Mộ – Đền thờ Nguyễn Nghiễm – Đền thờ Nguyễn Trọng – Tượng đài Nguyễn Du – rồi Thư viện…

Người Nghệ An hãnh diện về xứ sở mình, về con người quê hương mình. Người Việt có truyền thống cố kết về dòng tộc. Như Trung quốc, họ đã học biết viết gia phả từ rất sớm. Chuyện tưởng nhỏ nhặt này nhưng rất quan trọng trong việc bảo vệ tình đoàn kết cộng đồng. Qua Đền thờ Nguyễn Công Trứ cạnh đó, rồi Khu tưởng niệm Phan Bội Châu, Đền thờ Mai Hắc Đế,…
Ngạc nhiên không ít là tại sao một con người tầm như Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ lại không có một thư viện khả dĩ?

Cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui. Bất ngờ và không lường trước được.

2. Vừa về đến Sài Gòn, mở máy vi tính, thấy ngay thư Chế Mĩ Lan forward bài “Người Chàm đòi lại đất đai” của tác giả Việt Hải Trần đăng ở Tinparis.net, 9-2-2009; kèm theo thư Chế Linh ngày 23-9-2009 gởi cho 3 người có liên quan đáp lại thư trên; và hỏi ý kiến mình về sự vụ này. Đọc lướt qua và hơi bất ngờ. Bất ngờ không ở nội dung sự kiện, mà ở chỗ từ dùng hơi to. Ông Trần thì “người Chàm ĐÒI đất đai”, ông khác thì “Chàm GIAN”.
Và mình không có ý kiến.

3. Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi.
Nếu nhà bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt ppalai tung tian mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

4. Sáng ngày 7-3, trả lời phỏng vấn đài HTV về văn hóa Chăm. Ngày 19-3 lại có cuộc nói chuyện dài về văn hóa Chăm trên đài VTV nữa! Nhiều câu hỏi gợi ý trước, vui và sâu. Có thể triển khai được. Chán nhất là các câu hỏi vu vơ mang tính cá nhân.
Hỏi & trả lời không phải để quảng bá tên tuổi mình mà là để bật lên vấn đề gì đó đáng nói, đáng học tập và trao đổi. Chỉ như vậy cuộc hỏi & trả lời mới mang lại lợi ích thiết thực, bằng không sự xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ gây dị ứng và phản tác dụng. Mình nói là nói cho người khác, chứ không cho mình. Nói giúp, nói cho, nói vì. Cho nên, mỗi lần phim về mình được trình chiếu là mình “trốn”! Mình thông tin cho bà con xem, riêng mình thì – không! Mình đùa bà xã: em xem phim về Hani cả chục lần vẫn chưa chán, anh thì nửa lần về mình cũng đủ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *