Ghi chép tháng 1-2009

Sau kì này, Sara lang thang miền Trung 9 ngày, inrasara.com tạm nghỉ 2 kì.
Kính báo quý bạn đọc.
Inrasara.

1. Nhận Văn học Chăm hiên đại – THƠ, bạn thơ nữ phone cho Sara: cám ơn chú, nhưng thơ bị sửa nhiều quá. Mình bảo đấy là do Ban biên tập của Nhà xuất bản, đổi vài từ, thay vài dấu, nếu không nó không ra thơ. Bạn thơ mới “à, ra thế”. Vài tác giả khác do thiếu thông tin (ảnh, năm sinh,…) nên hoãn lại kì sau. Vài bạn thơ thì Nhà xuất bản đề nghị cắt vì nếu đăng báo thì không sao, còn vào tuyển tập e nó hơi khó… coi. Tâm lí chung: văn mình vợ người. Ai cũng nghĩ thơ mình số dzách cả!
Bạn thơ Kahat sau khi nhận tuyển, khi Sara ghé nhà ở Hiếu Lễ, đã nổi hứng tuyên: chuyên tâm làm thơ tiếng Chăm, không làm tiếng Việt nữa.

2. Lên Đà Lạt họp Ban chấp hành Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, dự định tham dự Bảo vệ luận văn Thạc sĩ của Trần Xuân Quỳnh về Thơ Inrasara luôn cho vui. Đây là lần đầu tiên mình [sẽ] dự thiên hạ nói về thơ mình. May, buổi bảo vệ hoãn lại ngày sau, mà hôm đó mình phải xuống Sông Pha rồi Phan Rang. Nên đành xin kiếu Quỳnh và bạn thơ Phạm Quốc Ca, người hướng dẫn. Trong lúc đó, các nghiên cứu sinh nghe Sara lên cũng khá xôn xao! Và chờ, nghe nói thế.
Trời đất, ngồi nghe thiên hạ bàn về mình, khen ngợi mình thì chán chết. Sara là nhà thơ thuộc thơ mình ít nhất Việt Nam, có lẽ: mỗi 2 bài ngắn. Trong khi mình thuộc cả vạn bài thơ người khác. Đi nói chuyện về hay đọc thơ, mình đọc thơ của thiên hạ. Có hai cái tiện: giải quyết nỗi không thuộc thơ mình của mình, và nói cái hay của thơ người khác thì dễ hơn đi phân tích thơ của chính mình.

3. Chú Mưdwơn Hán Phải cho biết, cuối tháng 12 qua, hơn 10 haluw janưng Chăm được Ban đề án lò máy nguyên tử mời lên tham quan lò máy điện hạt nhân ở Đà Lạt.

4. Thằng cháu họ con Chấm đang lớp Hai bị bệnh nặng được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng ở Sài Gòn. Nhà tổ chức Rija Dayơp. Em gái Những là Muk Rija, chú Mưdwơn Hán Phải chủ lễ. Vẫn trang nghiêm và linh thánh, nhưng ít người đi xem múa hơn xưa rất nhiều. Do hôm nay có quá nhiều loại hình giải trí chăng? Hay Chăm đã bớt đi nỗi hào hứng với văn hóa dân tộc? Rija rồi sẽ về đâu?

5. Bất ngờ gặp anh Ngọc sáng lên xe vào Sài Gòn, anh nói: mấy ngày trước có dẫn Đoàn nghiên cứu Pháp khảo sát các đập Chăm cổ ở Phan Rang. Tiếc là mấy cụ già Chăm sau hơn 30 năm ít ra ruộng, hầu như đã quên hết dấu tích và tên đập.
Mình bảo Sara vừa vẽ xong phác thảo Làng Caklaing trước 1975, và đưa cho anh tấm ảnh A4. Anh hỏi Trạm có sách nào về Chăm không. Mình bảo anh yêu văn hóa dân tộc hơi muộn đó, nhưng dù sao muộn còn hơn không. Anh cứ ghé Cơ ở dệt Inrahani có Tủ sách INRA mà tìm.

6. Phát hành “tặng” Văn học Chăm hiên đại – THƠ cho các bạn văn ở Trại sáng tác Đà Lạt, các bạn văn vô cùng ngạc nhiên: tại sao Chăm làm được chuyện mà chưa dân tộc thiếu số nào làm đươc? Cả tuyển tập Tagalau cũng thế? Mình bảo, cần 3 yếu tố: dân tộc đó có nhà văn đầu tàu có thể huy động lực lượng trong và ngoài dân tộc mình viết bài không? Có làm việc vô vị lợi không? (mỗi số Sara lỗ 8 triệu đồng mà!) Họ có tầm nhìn mang tính lâu dài không? Khi trả lời được ba câu hỏi đó, bất kì dân tộc nào cũng có thể làm được. Ngoài ra Chăm còn ưu thế là có nền văn hóa phát triển cao, qua đó họ có nhiều độc giả hơn, họ biết lo lắng cho văn hóa dân tộc mình hơn.
Tôi cũng đã trao đổi như thế với Nhuệ Anh qua chat.

7. Nhiều Klaung lọ đựng cốt của Chăm bị dân tìm đồng dò lấy mất, gây bao rắc rối. Chúng đổ cốt đi để lấy lọ nấu ra đồng. Không đáng bao nhiêu nhưng với Chăm là chuyện nghiêm trọng của đời người. Từ đó bà con không dám giấu klaung trong rừng nữa, nhưng cất trong nhà có được đâu! Mình bàn họ hàng xây nhà nhỏ như nhà cho bồ câu trong khuôn viên để cất klaung trong họ, đợi ngày nhập kut. Bà con nói nếu vậy mỗi lần lấy klaung patrip thì động đến klaung người khác. Vậy là lại phải giấu nơi gốc cây trong kut. Có ổn không đây?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *